20 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngGia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ khi tập thể...

    Gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ khi tập thể thao với cường độ cao

    Date:

    Related stories

    Thể dục thể thao từ lâu vẫn được xem là hoạt động tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu vận động quá mạnh sẽ gây ra đột quỵ thậm chí là tử vong, hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến ở lứa tuổi còn rất trẻ.

    PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, thực tế có nhiều trường hợp đột tử khi đang tập thể dục, thể thao. Những trường hợp này đa số là do có bệnh lý tim mạch nhưng không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

    “Với những người có bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim nguy hiểm và một số trường hợp có bệnh lý mạch vành khi tập thể dục, thể thao gắng sức có thể dẫn tới suy tim cấp, rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tuần hoàn. Nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể tử vong”, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải nói.

    Theo TS.BS Lê Thanh Liêm – Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn chia sẻ, đột tử ở người trẻ tuổi tuy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (1/20.000 đến 1/300.000) nhưng thường gây bức xúc trong cộng đồng, đặc biệt bệnh nhân tử vong khi đang chuẩn bị hoặc trong lúc thi đấu. Bởi vì thể dục thể thao từ lâu vẫn được xem là hoạt động có lợi cho tim mạch, giúp giảm cân, kiểm soát huyết áp, giảm cholesterol trong máu,… tốt cho sức khỏe.


    Cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người trẻ khi tập thể thao với cường độ cao. Ảnh minh họa

    Bên cạnh đó, người xung quanh và bản thân người chơi vẫn thấy sức khỏe mình hoàn toàn tốt, không có vấn đề về tim mạch, không hề có yếu tố khởi phát. Tuy nhiên, khi chơi thể thao với cường độ cao, gắng sức, tự nhiên xuất hiện rối loạn nhịp tim, tim đập rất nhanh, có thể gây đột tử. Nguyên nhân thường do các bệnh tim cấu trúc và bệnh di truyền gây rối loạn nhịp, hay nhiều trường hợp không tìm ra nguyên nhân.

    Rung nhĩ là một trong các loạn nhịp tim phổ biến nhất, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong và tàn phế. Rung nhĩ tăng 5 lần nguy cơ suy tim, tăng 2,4 lần nguy cơ đột quỵ và tăng 2 lần tử vong do tim mạch. Điều trị rung nhĩ phức tạp, đặc biệt ở những người bệnh có rung nhĩ thời gian dài nhiều năm hoặc kèm theo suy tim.

    Các phương pháp điều trị can thiệp triệt phá rung nhĩ truyền thống bao gồm đốt rung nhĩ qua đường ống thông sử dụng sóng cao tần RF, triệt đốt rung nhĩ bằng năng lượng lạnh, triệt đốt bằng xung điện trường, giúp nâng cao hiệu quả điều trị rung nhĩ và giảm thiểu các biến chứng.

    Hiện nay, y học tiếp tục dùng xung điện trường để đốt rung nhĩ, tăng tính an toàn của thủ thuật, rút ngắn thời gian can thiệp, tránh ảnh hưởng đến các tĩnh mạch phổi, hạn chế tối đa rủi ro từ phương pháp dùng nhiệt. Phương pháp này đã mang đến nhiều hiệu quả, an toàn cao.

    Do đó để tránh các hậu quả có thể xảy ra, các bác sĩ khuyến cáo trước khi chơi bất kỳ môn thể thao nào, người chơi cần được bác sĩ kiểm tra sức khỏe, sàng lọc đánh giá bệnh lý tiềm ẩn, nguy cơ chấn thương, đột tử, cũng như hãy lắng nghe cơ thể mình trong suốt quá trình vận động, nếu thấy bất thường, cần dừng ngay các hoạt động và đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh.

    Cần làm gì khi phát hiện người có dấu hiệu quá sức khi tập thể dục, thể thao?

    PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải cho biết, khi phát hiện người có dấu hiệu mệt lả khi tập luyện thể thao, cần nhanh chóng đưa người đó ra nơi thoáng, đánh giá xem còn tỉnh táo hay không. Nếu người này không tỉnh, không thấy dấu hiệu còn thở như phập phồng ngực, bụng thì xem như đã ngừng tuần hoàn. Cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực kết hợp thổi ngạt).

    Đặt tay lên giữa ngực, vị trí ép đúng là ½ dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú, hai tay chồng lên nhau ép mạnh với tần số khoảng 100-120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Có thể chấp nhận việc ép tim liên tục mà không cần thổi ngạt. Ép tim ngoài lồng ngực phải được làm liên tục cho đến khi đội xe cấp cứu 115 đến hiện trường.

    Song song với việc sơ cấp cứu ngừng tuần hoàn, cần gọi cấp cứu 115 bằng cách hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu chỉ có 1 mình, cần bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân. Với những trường hợp bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, sau khi nghỉ ngơi, nếu người bệnh tỉnh nhưng vẫn yếu, mệt lâu, mệt khác thường, hay có hồi phục nhưng không hoàn toàn, thì cần được đưa đến thăm khám tại cơ sở y tế.

    Tốt nhất trước khi chơi các môn thể thao gắng sức nhiều, mỗi người cần được kiểm tra sức khoẻ, được bác sĩ tư vấn về tình trạng sức khoẻ xem có thể tham gia được hay không. Trong quá trình chơi thể thao, cần ghi nhận, theo dõi các dấu hiệu của cơ thể. Nếu có các biểu hiện không bình thường như khó thở, đau ngực, mệt xỉu, ngất… cần được đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời. Tại các cơ sở thể dục, thể thao cũng cần được trang bị nhân lực và trang thiết bị y tế để kịp thời sơ cứu, hỗ trợ có hiệu quả, khi không may người tập xảy ra biến cố.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/gia-tang-nguy-co-dot-quy-o-nguoi-tre-khi-tap-the-thao-voi-cuong-do-cao-d226830.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img