Khăn giấy là một sản phẩm quen thuộc hàng ngày tuy nhiên theo ghi nhận hiện nay trên thị trường xuất hiện những loại giấy không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Theo ghi nhận của VTV, một trong những thứ không thể thiếu trong những bữa ăn ở nhà hàng, quán ăn chính là giấy ăn. Tuy nhiên, có rất nhiều loại giấy không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, sản xuất theo quy trình bẩn trôi nổi trên thị trường. Người tiêu dùng rất dễ mua phải hoặc phải sử dụng loại giấy giả, kém chất lượng.
Kinh doanh cafe, mỗi ngày quán anh Hòa phải sử dụng 5-6 bịch khăn giấy. Dù đã dùng qua rất nhiều loại giấy ăn nhưng việc mua phải giấy kém chất lượng vẫn không thể tránh khỏi.
Những loại giấy giả mạo nhãn mác thường được sản xuất tại các cơ sở chui với máy móc thô sơ, môi trường không đảm bảo. Nguy hiểm hơn, các cơ sở này đều sử dụng các loại chất tẩy trắng, chất tạo mùi độc hại, không qua kiểm định của các cơ quan chức năng để sản xuất giấy, từ đó gây ra những hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe.
Với thủ đoạn giả mạo nhãn mác ngày càng tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng của đối tượng xấu, các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và kịp thời xử lý những hành vi này, tránh để hàng hóa giả mạo nhãn mác lưu thông trên thị trường.
Khăn giấy giả mạo nhãn hiệu tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ảnh: VTV
Hơn 2.700 bịch khăn giấy vừa bị lực lượng Quản lý thị trường phát hiện và thu giữ khi kiểm tra một cơ sở gia công, đóng gói khăn giấy nằm sâu trong làng nghề truyền thống Dương Ổ, Bắc Ninh.
Không đồ bảo hộ, không găng tay, khẩu trang, những xấp giấy trắng bán thành phẩm, không nhãn mác, qua đôi tay thuần thục của các công nhân đã trở thành những gói giấy vuông vắn, có đầy đủ bao bì, nhãn mác mang thương hiệu “Corona”. Tuy nhiên, đại diện thương hiệu Giấy Corona khẳng định, toàn bộ số hàng hóa lực lượng QLTT phát hiện, kiểm tra tại cơ sở này đều giả mạo nhãn hiệu.
Trước đó, Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT Bắc Ninh phối hợp với các lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ 1.174 gói giấy ăn thành phẩm kích thước các loại có tổng trọng lượng 700kg; 675kg giấy nguyên liệu; 26kg vỏ túi và nhãn hiệu; 25kg khăn giấy ăn chưa đóng gói. Tất cả đều có in logo và nhãn hiệu Việt Nam Airline. Khai nhận với cơ quan chức năng, chủ cơ sở này cho biết đã nhập máy móc và nguyên liệu về tự sản xuất và đóng gói giấy ăn nhãn hiệu Việt Nam Airline để bán kiếm lời.
Việc các đối tượng xấu nhắm vào những sản phẩm này để làm giả là vì người tiêu dùng khi mua khó có thể nhận biết bằng mắt thường, chỉ có thể nhận biết bằng chất liệu giấy bên trong nhưng khi đó thì sự đã rồi bởi giá trị hàng hóa không lớn nên cũng dễ dàng bỏ qua, ảnh hưởng lớn nhất là những đơn vị bị làm giả nhãn mác bởi giấy giả nhãn mác thường được bán với giá rẻ hơn 30% – 40%.
Tác hại khi dùng phải giấy ăn kém chất lượng
Theo các chuyên gia, giấy ăn đảm bảo chất lượng thường mịn, không chứa ánh bạc của hóa chất trên mặt giấy, khi đưa tay chà mạnh có độ dẻo, khó rách, còn giấy không đảm bảo chất lượng thường là giấy phế phẩm nên khi vò nhẹ sẽ vỡ vụn, có vết bẩn hoặc những điểm đen trên giấy. Người tiêu dùng có thể dựa vào đó để nhận biết, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo bác sĩ Nguyễn Cao Thắng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), nếu sử dụng giấy ăn kém chất lượng thường xuyên và lâu dài sẽ dễ mắc các bệnh về giác mạc và đường hô hấp khi bụi giấy của các loại giấy kém chất lượng gây ra dính vào mắt hoặc bay vào phổi và phế nang.
Ngoài ra, người sử dụng còn có thể mắc một số bệnh về da như viêm da cấp và mãn tính. Không chỉ thế, khi sử dụng thường xuyên các loại giấy ăn kém chất lượng cũng có thể mắc các bệnh về tiêu chảy, tả, lỵ thương hàn… và thậm chí là bệnh ung thư.
Ở nhiều nơi, người dân thậm chí còn sử dụng giấy vệ sinh làm giấy ăn. Nếu dùng giấy vệ sinh thay giấy ăn trong thời gian dài có thể gây hại sức khỏe vì giấy vệ sinh chất lượng kém còn có nhiều bụi giấy, gây ra những kích thích ở đường hô hấp. Cùng với đó, hóa chất chống ẩm, tẩy trắng tồn trên giấy có thể gây dị ứng khi kết hợp với mồ hôi, tạo nguy cơ viêm nhiễm các loại vi khuẩn, đặc biệt là virus herpes gây lở rộp môi.
Khi có nhu cầu sử dụng giấy ăn, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm của những thương hiệu uy tín hoặc có thể phân biệt bằng mắt thường: giấy ăn đảm bảo chất lượng thường mịn, không chứa những chấm tạp chất màu đen nhỏ li ti trên bề mặt, không bụi; chất giấy dai, khó rách, khi nhúng vào nước vẫn giữ được hình hài của giấy mà không bị vón cục.
Giấy ăn là thứ tiếp xúc trực tiếp với miệng, do vậy, việc sử dụng những loại giấy trôi nổi sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe, nguy cơ bệnh tật cao. Vì thế, khi mua mặt hàng này, người tiêu dùng nên hết sức thận trọng, không nên tham hàng giá rẻ.
Quy chuẩn quốc gia QCVN 09:2015/BCT về khăn giấy và giấy vệ sinh
Theo Quy chuẩn quốc gia QCVN 09:2015/BCT đối với sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh thì trên mỗi đơn vị bao gói sản phẩm phải có nhãn hàng hóa. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa.
Nội dung ghi nhãn hàng hóa phải có tối thiểu các thông tin sau: Tên, địa chỉ của nhà sản xuất; Tên, địa chỉ nhà nhập khẩu (đối với sản phẩm nhập khẩu); Nhãn hiệu sản phẩm; Số hiệu tiêu chuẩn do nhà sản xuất công bố áp dụng; Dấu hợp quy (dấu CR); Định lượng của một lớp giấy; Loại bột giấy sử dụng; Số lớp của sản phẩm; Ngày sản xuất – hạn sử dụng.
Về công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy Tiêu chuẩn trên cũng quy định, các sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh và giấy tissue tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được đánh giá chứng nhận phù hợp quy chuẩn (Chứng nhận hợp quy), mang dấu hợp quy (dấu CR) phù hợp với các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này và chịu sự kiểm tra của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Các sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh và giấy tissue được sản xuất, gia công tại các cơ sở có điều kiện đảm bảo chất lượng trong sản xuất ổn định được đánh giá, chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 nêu tại Điều 5 của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (sau đây gọi là Thông tư số 28). Các sản phẩm hàng hóa sau khi chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 cần phải được công bố hợp quy.
Các sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh và giấy tissue chưa đủ điều kiện để đánh giá theo phương thức 5 theo quy định tại mục 3.1.2 của điều này (bao gồm các sản phẩm nhập khẩu theo lô hàng; các sản phẩm được sản xuất, gia công trong nước chưa được đánh giá theo phương thức 5) phải được chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 nêu tại Điều 5 Thông tư số 28. Các sản phẩm khăn giấy, giấy vệ sinh và giấy tissue sau khi chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 phải được công bố hợp quy. Các sản phẩm nhập khẩu theo lô hàng không phải công bố hợp quy.
Giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 chỉ có giá trị hiệu lực đối với lô hàng được đánh giá chứng nhận.
Phương thức, trình tự, thủ tục công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy được thực hiện theo các quy định tại Mục II Chương II Thông tư số 48/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương (sau đây gọi là Thông tư số 48).
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/khan-giay-khong-dat-tieu-chuan-gay-nguy-hai-kho-luong-cho-suc-khoe-d213912.html