19 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngGánh nặng sức khỏe gia tăng do tiêu thụ đồ uống có...

    Gánh nặng sức khỏe gia tăng do tiêu thụ đồ uống có đường, WHO khuyến cáo gì?

    Date:

    Related stories

    Trước tình trạng gia tăng toàn cầu về thừa cân, béo phì, WHO khuyến cáo cần phải giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

    Dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, khái niệm đồ uống có đường cho tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, gồm nước ngọt không chứa cồn (solf-drink) có ga hoặc không có ga, nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao (sport drinks), trà pha sẵn, cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu (flavoured milk drinks).

    Bà Trang cho biết, tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và năm 2018 là 50,7 lít/người. Trung bình một người tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50 g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25 g/ngày của WHO.


    Gánh nặng sức khỏe gia tăng do tiêu thụ đồ uống có đường, WHO khuyến cáo nhiều hệ lụy lâu dài. Ảnh minh họa

    TS. BS Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó trưởng Phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, WHO khuyến cáo ở cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ; giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.

    Hiện nay, gánh nặng sức khỏe ngày càng tăng do tiêu thụ đồ uống có đường. Có bằng chứng liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường với sự gia tăng toàn cầu về thừa cân, béo phì nguy cơ sâu răng, đái tháo đường tuýp 2, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa khác và một số bệnh ung thư. Đồ uống có đường còn gây ra gánh nặng cho cá nhân, xã hội khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động do bệnh tật, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân.

    Chính vì thế Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo, trẻ em từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 6 muỗng cà phê (25gam) mỗi ngày, tức là dưới 5% tổng năng lượng nạp vào và đồ uống có đường nên được giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

    PGS. TS Vũ Thị Thu Hiền (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết thêm, nghiên cứu tại các nước cho thấy có mối liên quan giữa tăng tiêu thụ nước ngọt và cân nặng, tăng vòng eo, tăng mỡ trong cơ thể. Ở nữ tiêu thụ từ trên 1,3 lon đồ uống có đường/ngày nguy cơ rối loạn chuyển hóa tim mạch tăng 3,2 lần so với nữ tiêu thụ đồ uống có đường ít hơn.

    Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình hình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cho thấy, số liệu tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam năm 2018 là 50,7 lít/người/năm. Sản lượng đồ uống và nước ngọt có ga tại Việt Nam lần lượt là 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít năm 2020; tỷ lệ trung bình tiêu thụ đồ uống chung tại Việt Nam năm 2020 là khoảng 34,1 lít/người/năm, tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt có ga là 15,5 lít/người/năm.

    Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với độ tuổi từ 15-45 chiếm hơn 46%, đây là độ tuổi được đánh giá có nhu cầu cao về các loại nước giải khát và là đối tượng đích của nhà sản xuất.

    Đánh thuế cao theo hàm lượng đường trong sản phẩm

    Hiện nay, thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là 4 biện pháp: Ghi nhãn và quảng cáo; giảm tính sẵn có; hoạt động truyền thông; áp dụng chính sách thuế và giá.

    Đối với biện pháp áp dụng chính sách thuế và giá, WHO khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.

    Tại dự thảo đánh giá tác động chính sách sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định đánh thuế đồ uống có đường, Bộ Y tế cho rằng, căn cứ trên mức tăng trưởng tiêu dùng rất cao của các dòng sản phẩm nước ép hoa quả, thức uống thể thao, nước tăng lực, các loại trà uống liền giai đoạn 2010-2019 và dự báo mức tăng trưởng dương từ 3-5% giai đoạn 2020-2025 có thể nhận thấy trong tương lai không xa, các sản phẩm này sẽ tiếp tục góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở Việt Nam.

    Bên cạnh đó, dòng sản phẩm đồ uống có cồn có đường dưới dạng nước hoa quả lên men (cider) tuy mới xuất hiện trên thị trường nhưng ngày càng được vị thành niên Việt Nam và nữ giới ưa thích, sẽ góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở nhóm người tiêu dùng này.

    Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề xuất tất cả đồ uống có đường theo định nghĩa của WHO có mặt trên thị trường đồ uống Việt Nam, kể cả các loại nước hoa quả lên men có cồn đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể là sử dụng phương thức đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100 ml đồ uống và sẽ quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế, trên ngưỡng này thì đánh thuế và đánh theo mức thuế càng nhiều đường càng cao.

    “Việc áp thuế sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong, từ đó giảm áp lực lên hệ thống y tế, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Giải pháp thuế khiến tăng mức giá bán lẻ ngày càng cao thì lợi ích thu được về là sức khỏe cộng đồng và nguồn thu ngân sách sẽ càng lớn”, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.

    Đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, sản lượng tiêu thụ của ngành đồ uống có đường có thể suy giảm trong một vài năm đầu tiên, nhưng sau đó sẽ phục hồi và có thể tiếp tục tăng. Hơn nữa, về bản chất thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào người tiêu dùng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người nộp hộ thuế cho người tiêu dùng nên ngoài mức suy giảm trong thời gian ngắn về sản lượng, các doanh nghiệp trong ngành ít chịu tác động khác.

    Hiện nay, trên thế giới có 56 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Nếu năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia đến nay đã có ít nhất 67 quốc gia/vùng lãnh thổ đánh thuế đối với đồ uống có đường. Trong đó, 56 quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt; 9 quốc gia áp thuế nhập khẩu; 2 quốc gia áp thuế hàng hóa và dịch vụ. Trong đó có những quốc gia phát triển và đang phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… Trong khu vực ASEAN đã có 7/10 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/ganh-nang-suc-khoe-gia-tang-do-tieu-thu-do-uong-co-duong-who-khuyen-cao-gi-d209286.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img