Ngày 23/7, các bộ trưởng môi trường và năng lượng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ký một thỏa thuận tái cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Ngày 23/7, các bộ trưởng môi trường và năng lượng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ký một thỏa thuận tái cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mặc dù các bộ trưởng chưa nhất trí về cách diễn đạt trong hiệp định về giới hạn sự ấm lên của Trái Đất.
Thỏa thuận trên được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng môi trường, khí hậu và năng lượng của G20, diễn ra trong các ngày 22-23/7 tại Naples, Italy.
Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái của Italy Roberto Cingolani cho biết thỏa thuận này là cơ sở cho việc mở đường cho Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: independent.org)
Tuy nhiên, các bộ trưởng vẫn chưa nhất trí về cách diễn đạt về giới hạn sự ấm lên của Trái Đất ở mức từ 1,5-2 độ C mà Hiệp định Paris đề ra và được gần 200 nước phê chuẩn. Hiệp định Paris kêu gọi giới hạn mức nhiệt của Trái Đất ở mức “dưới 2 độ C” và ở mức 1,5 độ C nếu có thể.
Thông cáo chung của hội nghị nêu rõ: “Các nước từ Trung Quốc tới Ấn Độ, Mỹ, Nga và các nước châu Âu đều nhất trí rằng việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhất là sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19, là công cụ thúc đẩy nhanh và toàn diện tăng trưởng kinh tế, xã hội, tạo việc làm và phải là một tiến trình chuyển đổi mà không ai bị bỏ lại phía sau.”
Hội nghị cấp bộ trưởng môi trường, khí hậu và năng lượng tại Naples là diễn đàn trực tiếp đầu tiên kể từ hội nghị tại Nhật Bản vào tháng 6/2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát khắp thế giới. Hội nghị thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Năm 2021 là một năm quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sinh thái và khí hậu, với một số sự kiện toàn cầu sẽ diễn ra trong những tháng tới: Hội nghị các bên (COP) của ba Công ước Rio về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và sa mạc hóa, khởi động Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh về các hệ thống lương thực của Liên hợp quốc và Hội nghị về đại dương của Liên hợp quốc./.
Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/g20-cam-ket-tuan-thu-hiep-dinh-paris-ve-bien-doi-khi-hau/728896.vnp