Mới đây Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo về những rủi ro khi cắm sạc tại các cổng sạc miễn phí. Trong đó, khách sạn là một trong những địa điểm ẩn chứa rủi ro được cơ quan này nhắc tới.
Theo FBI, cổng sạc được trang bị tại nhiều khách sạn, đặc biệt là trên đồng hồ báo thức có vẻ tiện dụng trong việc sạc pin cho thiết bị. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng chúng bị kẻ xấu xâm nhập. Khi bạn cắm sạc, kẻ xấu có thể điều khiển điện thoại hay thiết bị của bạn để trích xuất dữ liệu hoặc cài đặt phần mềm độc hại mà bạn khó lòng phát hiện ra.
“Thông tin về thẻ tín dụng, mật khẩu tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân… nếu từng nhập vào trên Internet thì chúng có thể được lưu vào lịch sử điện thoại hay laptop. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi để kẻ xấu chiếm đoạt chỉ thông qua việc cắm sạc bằng cổng USB”, FBI cho biết thêm.
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cũng đưa ra cảnh báo rằng một số dây cáp sạc bị bỏ lại ở các trạm sạc công cộng cũng có thể bị nhiễm virus và khuyên mọi người không nên sử dụng.
Sau đó, các chuyên gia công nghệ Úc cũng cảnh báo người dân và khuyên họ nên tránh cắm sạc ở những nơi công cộng như sân bay. Việc làm tưởng như vô hại này có thể khiến họ đối diện với rủi ro bị đánh cắp dữ liệu.
Tiến sĩ Mohiuddin Ahmed, giảng viên cao cấp về máy tính và bảo mật tại Đại học Edith Cowan (Úc), cho biết các bộ sạc công cộng có khả năng bị kẻ xấu xâm phạm và người dùng khó có thể biết liệu chúng có bị giả mạo hay không.
“Ổ sạc pin công cộng có thể chứa một số phần mềm có khả năng trích xuất dữ liệu từ điện thoại hay máy tính bảng, laptop. Cho dù hết pin cũng không bao giờ nên cắm sạc ở những nơi như vậy”, ông Ahmed nói với tờ 9news.
Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo về những rủi ro khi cắm sạc tại các cổng sạc miễn phí. Ảnh: FBI
Cũng theo vị chuyên gia, ngay cả bộ sạc không dây cũng có thể gặp rủi ro nếu được ghép nối với các thiết bị công cộng. Ông Ahmed khuyên mọi người nên dùng sạc dự phòng của riêng mình hoặc ít nhất đảm bảo sạc đầy pin trước khi ra khỏi nhà.
“Chỉ bằng cách cắm điện thoại hay laptop vào ổ cắm điện hoặc bộ sạc bị xâm nhập, thiết bị hiện đã bị nhiễm virus và điều đó làm tổn hại đến tất cả dữ liệu bên trong. Khi đó, không có giới hạn nào về thông tin mà tin tặc có thể lấy được, bao gồm email, văn bản, ảnh và danh bạ”, Drew Paik – chuyên gia của một công ty bảo mật, cho biết.
Một địa điểm ẩn chứa rủi ro khác được các chuyên gia nhắc tới là trung tâm thương mại cũng có thể sẽ gặp rắc rối nếu cắm sạc tại cổng sạc bị kẻ xấu xâm nhập.
“Bộ sạc USB có thể kết nối với điện thoại và gửi đi danh sách liên lạc, email, tin nhắn văn bản, thư thoại, hình ảnh và video. Nó cũng có khả năng sao chép mật khẩu, dữ liệu ngân hàng, danh bạ cá nhân cùng các dữ liệu khác được lưu giữ trên thiết bị. Vì vậy nên thận trọng và tốt nhất là không nên cắm sạc tại đó”, một chuyên gia công nghệ khác khuyến cáo.
Nếu như đang có điện thoại sử dụng cổng USB và lo ngại về các rủi ro, người dùng có thể sử dụng dây nối USB chỉ có chức năng sạc giá rẻ. Các bộ dây nối USB chỉ sạc đã được thử nghiệm và được công nhận là có tác dụng. Nó có một dongle để cắm vào cổng USB trước khi kết nối cáp sạc điện thoại của người dùng. Do đó, các chân dữ liệu sẽ được ngắt kết nối bên trong dongle để chỉ có thể truyền nguồn điện thông qua cổng kết nối. Loại thiết bị này trước đây cũng được gọi là “USB condom”.
Tuy nhiên, bộ dây nối chỉ sạc có một nhược điểm đó là chỉ dùng được đúng chức năng “sạc pin”. Người dùng sẽ không thể sử dụng bất kỳ công nghệ sạc nhanh nào vì các chân dữ liệu được yêu cầu bảo đảm tốc độ sạc.
Tại Việt Nam, hiện tại có thể dễ dàng thấy các trạm sạc, cổng sạc ở nơi công cộng hay ở bất cứ đâu, đặc biệt nơi dễ thấy và dễ được sử dụng nhất có thể kể đến là các cửa hàng hay quán ăn… giúp mọi người có thể thuận tiện trong việc vừa sạc vừa sử dụng. Có thể liệt kê một vài nơi được bài trí nhiều trạm sạc công cộng như sân bay, ga tàu, khách sạn, xe thuê, địa điểm du lịch hay trung tâm mua sắm.
Thông thường, những nơi tập trung nhiều người vội vàng hoặc không nghĩ đến tính bảo mật của thiết bị sẽ chính là nơi mà kẻ xấu lợi dụng để thiết lập các kiểu tấn công, đánh cắp dữ liệu…Ví dụ, kẻ gian có thể can thiệp vào trạm sạc miễn phí ở bến xe bus hoặc ga tàu. Khi mọi người cắm điện thoại vào cổng sạc USB, ngay lập tức các dữ liệu trong điện thoại sẽ được sao chép.
Vì vậy, khi quá cần thiết phải sử dụng điện thoại dù pin đã gần cạn, các chuyên gia khuyến nghị, người dùng nên tự sắm pin dự phòng và mang theo mỗi khi cần nạp năng lượng cho thiết bị. Chỉ cần cắm điện thoại vào pin dự phòng bất cứ khi nào muốn, thiết bị sẽ luôn được cung cấp năng lượng và vẫn có thể được sử dụng bình thường. Đặc biệt là không lo về những vấn đề bảo mật trong việc sử dụng sạc dự phòng.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/fbi-canh-bao-ve-nhung-rui-ro-khi-cam-sac-tai-cac-cong-sac-mien-phi-noi-cong-cong-d213196.html