Tình trạng bệnh nhân tăng huyết áp hiện nay ngày càng gia tăng. Một trong những “thủ phạm” gây lên bệnh lý này chính là lạm dụng quá nhiều đường và muối.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, một trong những vấn đề tim mạch gây tử vong thuộc loại dẫn đầu trên thế giới chính là tăng huyết áp. Đây là một tình trạng bệnh lý phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển. Chế độ và thói quen ăn mặn cũng như ngọt là những yếu tố nguy cơ chính của tăng huyết áp. Vậy sử dụng quá mức đường và muối sẽ ảnh hưởng như thế nào đến huyết áp?

Tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp (dân gian gọi là cao máu), là tình trạng áp lực trong lòng mạch tăng cao (huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg) biểu hiện bởi các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu. Đôi khi bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng mà chỉ tình cờ phát hiện khi đo huyết áp. Nếu không điều trị, tình trạng tăng huyết áp sẽ làm tổn thương các cơ quan đích như tim, não, gan, thận. Hậu quả gây nên các bệnh lý nặng nề hơn như: suy tim, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận và tử vong.

Mỗi năm tại Hoa Kỳ có hơn ngàn người tử vong do tăng huyết áp và tiêu tốn chi phí điều trị hơn 50 tỷ đô mỗi năm. Tại Việt Nam, theo số liệu của Hội Tim Mạch Việt Nam năm 2016, khoảng 48% dân số Việt Nam có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Đây là một con số đáng lo ngại, vì vậy kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp là mục tiêu chính giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng.


Muối và đường là hai gia vị không nên ăn quá nhiều vì gây ra bệnh huyết áp cao.

Muối gây ảnh hưởng thế nào tới tăng huyết áp

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia thì mức tiêu thụ muối ăn không quá 5g/ngày. Nhưng thực tế, theo kết quả điều tra trong dân số, người Việt Nam tiêu thụ trung bình lượng muối lên đến 9,4g/ngày. Với chế độ ăn thừa muối là một nguy cơ cao tiểm ẩn dẫn đến tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.

Thông thường, các chất lỏng dư thừa sẽ được lọc qua thận và đưa vào bàng quang, sau đó đi ra ngoài theo đường nước tiểu. Để làm được điều này, thận phải hoạt động thẩm thấu để lọc nước ra khỏi máu. Khi ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng lượng natri trong máu và phá hủy đi sự cân bằng của natri và kali, từ đó làm giảm khả năng lọc nước của thận. Điều này dẫn tới nguy cơ cao bị tăng huyết áp do có nhiều chất lỏng không được lọc và gây thêm nhiều áp lực căng thẳng đến các mạch máu dẫn đến thận. Theo thời gian, sự căng thẳng này có thể dẫn tới bệnh thận và làm suy giảm chức năng thận.

Huyết áp tăng do ăn quá nhiều muối có thể gây căng thẳng cho động mạch. Để đối phó, các cơ nhỏ trong thành động mạch phải hoạt động mạnh mẽ và dày hơn trước. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến cho không gian bên trong các động mạch trở nên hẹp hơn và khiến huyết áp ngày một tăng cao. Khi huyết áp tăng cao có thể làm vỡ hoặc tắc nghẽn các động mạch, từ đó khiến cho các cơ quan của cơ thể bị thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến bị tổn thương nghiêm trọng.

Đối với những người đang có các vấn đề về tim mạch, khi ăn quá nhiều muối có thể gây tăng huyết áp và khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Huyết áp tăng cao sẽ làm hỏng các động mạch dẫn đến tim.

Ban đầu, nó có thể làm giảm lượng máu đến tim, gây ra các triệu chứng như đau thắt ở ngực, nhất là khi bạn hoạt động mạnh. Khi đó, các tế bào trong tim cũng hoạt động kém hiệu quả hơn trước vì chúng không được nhận đủ lượng oxy và các chất dinh dưỡng. Nếu cơ thể tiếp tục được nạp quá nhiều muối, theo thời gian, những hệ lụy do tăng huyết áp có thể trở nên nghiêm trọng hơn, đến mức các động mạch bị vỡ hoặc bị tắc hoàn toàn.

Ngoài ra, huyết áp cao là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các cơn đau tim tiềm ẩn. Cách tốt nhất để ngăn chặn các cơn đau tim và giảm huyết áp hiệu quả là thực hiện chế độ ăn ít muối.

Một nghiên cứu trên 100,000 bệnh nhân được chỉ định hạn chế muối trong khoảng 3 – 6 g/mỗi ngày cho thấy tỷ lệ tử vong và các biến cố tim mạch đã giảm so với những bệnh nhân có lượng tiêu thụ muối ăn cao hoặc thấp hơn. Vì vậy, một số khuyến cáo hạn chế muối ăn dưới 3g mỗi ngày có thể gây tổn hại cho cơ thể.

Đường gây ảnh hưởng thế nào tới tăng huyết áp

Những loại thức ăn chế biến sẵn không chỉ chứa nhiều natri mà còn có lượng carbohydrates đã được tinh chế. Những loại đường đơn này, đặc biệt là đường monosaccharide fructose đóng vai trò quan trọng trong bệnh lý tăng huyết áp. Hơn nữa, những bằng chứng cho thấy đường nói chung và fructose nói riêng làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch thông qua nhiều cơ chế khác nhau.

Sucrose (đường mía) được tạo thành từ hai loại monosaccharides là glucose và fructose. Đường Sucrose là thành phần chủ yếu trong các loại thực phẩm công nghiệp chế biến sẵn nhưng không có độ ngọt bằng những loại đường khác. Trong các loại nước uống trái cây và soda, đường sử dụng chủ yếu là siro có tỉ lệ đường fructose cao (55% fructose và 45% glucose), loại đường này có vị ngọt hơn.

Khi tiêu thụ nhiều đường fructose có thể làm tăng hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Đây là cơ chế gây nên tăng nhịp tim, tăng cung lượng tim, tăng giữ Na ở thận và co mạch. Tất cả những đáp ứng này đều dẫn đến làm tăng huyết áp và tăng nhu cầu oxy của cơ tim.

Khi cơ thể tiêu hóa 750ml (24 oz) đồ uống có gas có thể làm tăng huyết áp tâm thu lên 15mmHg; huyết áp tâm trương lên 9 mmHg và nhịp tim lên khoảng 9 nhịp/phút. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều đường có làm tăng huyết áp nhiều hơn là muối và điều này có ý nghĩa quan trọng trong chế độ ăn ở người bị tăng huyết áp.

Những người hấp thu hơn 25% calories từ đường có nguy cơ tử vong vì các bệnh lý tim mạch so với những người nạp calories từ những nguồn thực phẩm khác.

Tại Hoa Kỳ, lượng đường tiêu thụ mỗi ngày cao gấp 2 đến 8 lần mức của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association – AHA) và tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Ở người lớn, mức tiêu thụ này còn cao hơn từ 6 đến 16 lần so với giá trị khuyến cáo.

Tuy nhiên, việc hấp thu đường (bao gồm cả đường fructose ) có trong những thực phẩm tự nhiên như trái cây tốt cho sức khỏe và không gây hại cho cơ thể. Vì vậy, việc hạn chế lượng đường tiêu thụ từ thực phẩm là một cách tốt giúp bảo vệ sức khỏe khỏi tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch.

Những loại thực phẩm nên tránh ăn khi bị cao huyết áp

Thực phẩm chế biến sẵn: Những bệnh nhân đã mắc cao huyết áp nên tránh sử dụng quá mức các thức ăn chế biến sẵn vì đây là nguồn thực phẩm chứa rất nhiều muối và đường.

Tránh các món ăn đóng hộp, lên men sẵn như dưa muối. Tránh các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá. Bên cạnh đó cần có một chế độ luyện tập hợp lý để nâng cao sức khỏe cho bản thân.

Chất béo bão hòa: Cần tránh ăn thức ăn xào, chiên, lòng đỏ trứng gà, da hoặc nội tạng động vật, nước xương hầm…

Chất bột đường (glucid): Để giảm thiểu nguy cơ tăng huyết áp, bạn cần ăn vừa đủ lượng, cơm, bún, phở, đồng thời tránh các thực phẩm, trái cây nhiều ngọt như bánh kẹo, nước ngọt, mứt, xoài, nhãn, mít, vải, tươi…

Thịt đỏ: Đạm từ thịt bò, cừu, dê, chó sẽ làm tăng cholesterol dẫn đến tăng huyết áp nên bạn cần tránh sử dụng.

Các chất kích thích: Cà phê, bia rượu, trà, gia vị cay nóng sẽ làm hưng phấn thần kinh, gây mất ngủ, rối loạn nhịp tim, từ đó tăng huyết áp.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/duong-va-muoi–thu-pham-gay-tang-huyet-ap-d184900.html