26.8 C
Hanoi
Thứ Sáu, Tháng 7 25, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngĐường trong đồ uống có thể khiến vi khuẩn có lợi biến...

    Đường trong đồ uống có thể khiến vi khuẩn có lợi biến đổi, gây hại cho đường ruột

    Date:

    Related stories

    Một nghiên cứu đột phá đã phát hiện đường trắng không chỉ nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột mà còn tái cấu trúc hành vi di truyền của chúng.

    Các nhà khoa học nhận thấy việc tiêu thụ đường có thể kích hoạt những biến đổi vật lý trong DNA của vi khuẩn, dẫn đến chuỗi phản ứng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và sức khỏe đường ruột. Phát hiện này làm dấy lên lo ngại về tác động tiềm ẩn của đường, đồng thời mở ra góc nhìn mới về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nguy cơ bệnh tật ở cấp độ phân tử.

    Tại Viện Công nghệ Technion-Israel, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào tác động của đường trắng – một thành phần phổ biến trong khẩu phần ăn hiện đại đến vi khuẩn đường ruột, đặc biệt là loài Bacteroides thetaiotaomicron. Đây là vi khuẩn chiếm ưu thế trong hệ vi sinh vật đường ruột, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa viêm, bảo vệ niêm mạc, tiêu hóa carbohydrate phức tạp và chống lại mầm bệnh.

    Bắt đầu từ môi trường nuôi cấy tế bào, sau đó thử nghiệm trên chuột và cuối cùng là con người, các nhà khoa học phát hiện rằng đường tinh luyện có thể gây ra hiện tượng “đảo ngược DNA” trong B. thetaiotaomicron – một dạng biến đổi pha khiến các đoạn mã di truyền đảo chiều tạm thời. Đây không phải là đột biến vĩnh viễn mà là sự “thay đổi lớp vỏ” linh hoạt, giúp vi khuẩn bật/tắt một số gene nhất định. Các gene này chủ yếu điều khiển protein bề mặt, cho phép vi khuẩn thay đổi hình dạng từ đó thay đổi cả chức năng có lợi vốn có.

    Biến đổi pha như vậy thường thấy ở các vi khuẩn gây bệnh như Salmonella hay E. coli nhằm tránh hệ miễn dịch hoặc kháng sinh. Tuy nhiên, điều bất ngờ là ở đây nó lại xảy ra với một loài vi khuẩn có lợi và nguyên nhân là do tiêu thụ đường trắng tinh luyện.

    Sự “ngụy trang” do đường kích hoạt này làm thay đổi cách hệ miễn dịch nhận diện B. thetaiotaomicron. Thay vì xem nó là vi khuẩn thân thiện, hệ miễn dịch có thể coi đó là mối đe dọa và tấn công, dẫn đến viêm và tổn thương niêm mạc ruột. Mặc dù các mẫu phân người chưa thể hiện rõ cơ chế đảo ngược DNA này nhưng thay đổi hình dạng bên ngoài của vi khuẩn có thể là yếu tố gây hiểu nhầm với hệ miễn dịch.

    Trong quá trình nghiên cứu, việc tiêu thụ nước ngọt có đường được chứng minh là có thể kích hoạt sự đảo ngược DNA ở vi khuẩn này, đồng thời làm thay đổi các dấu hiệu viêm như cytokine – cho thấy phản ứng miễn dịch toàn thân. Đây là lần đầu tiên cơ chế biến đổi gene ở vi khuẩn được quan sát thấy có liên quan trực tiếp đến đường trong ruột người.

    Điều đáng mừng là hiện tượng đảo ngược này chỉ là tạm thời, vi khuẩn sẽ trở lại trạng thái bình thường khi ngừng tiêu thụ đường. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc lặp đi lặp lại, tác động có thể tích lũy và dẫn đến viêm mãn tính hoặc các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng hơn.

    Mặc dù nghiên cứu chưa thể khẳng định đường là mối nguy nghiêm trọng với hệ vi sinh vật đường ruột, nó cho thấy rằng ngay cả lượng đường nhỏ cũng có thể làm biến đổi hành vi của các vi khuẩn có lợi, khiến chúng trở nên giống như mầm bệnh. Điều này đòi hỏi cần có thêm nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài của hiện tượng đảo ngược DNA. Đồng thời, phát hiện này mở ra triển vọng phát triển các loại men vi sinh đặc hiệu có thể ngăn chặn quá trình biến đổi gene, từ đó xây dựng các hướng dẫn dinh dưỡng cá nhân hóa cho những người có nguy cơ cao.

    Các nhà nghiên cứu kết luận: “Thông qua việc phân tích ảnh hưởng của các thành phần dinh dưỡng cụ thể lên chức năng miễn dịch của vi sinh vật đường ruột chủ chốt, chúng ta có thể xây dựng chế độ ăn phù hợp hơn, dựa trên hệ vi sinh vật riêng biệt của từng cá nhân”.

    Theo Hà My
    https://vietq.vn/duong-trong-do-uong-co-the-khien-vi-khuan-co-loi-bien-doi-gay-hai-cho-duong-ruot-d235454.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img