Thức ăn nhanh rất hấp dẫn và tiện lợi, nhất là với những người bận rộn tuy nhiên, chúng có thể đem đến nhiều tác động xấu cho sức khỏe.
Thức ăn nhanh là các loại thực phẩm được chế biến nhanh, phục vụ nhanh. Sự tiện lợi của chúng là không thể phủ nhận được. Trong cuộc sống hiện đại, bận rộn như hiện nay, nhiều người trẻ gần như bị phụ thuộc vào đồ ăn nhanh để có thể tiết kiệm được nhiều thời gian để làm việc khác. Tuy nhiên, đằng sau sự nhanh – gọn ấy là vô vàn tác hại xấu đến sức khỏe của con người.
Thức ăn nhanh rất tiện lợi và hấp dẫn. Ảnh minh họa
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Hầu hết thức ăn nhanh chứa nhiều carbohydrate và có ít hoặc không có chất xơ. Chế độ ăn ít chất xơ có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa như táo bón và bệnh viêm ruột thừa, cũng như giảm vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Khi hệ tiêu hóa tiêu thụ những thực phẩm này, carbs được giải phóng dưới dạng glucose (đường) và làm hàm lượng đường trong máu tăng lên.
Tuyến tụy sẽ phản ứng với sự gia tăng glucose bằng cách giải phóng insulin, để vận chuyển đường đến các tế bào cần nó để cung cấp năng lượng. Khi cơ thể sử dụng hoặc lưu trữ đường, lượng đường trong máu sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ thức ăn nhanh thường xuyên (ăn nhiều carbs) sẽ dẫn đến lượng đường trong máu tăng trở lại. Theo thời gian, những đợt tăng đột biến insulin này có thể tăng nguy cơ kháng insulin, gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 và tăng cân.
Gây tăng cân, béo phì và áp lực xương khớp
Sử dụng đồ ăn nhanh nhiều chất béo, calo và carbs đã qua chế biến hơn mức cơ thể cần trong một bữa ăn sẽ gây ra tình trạng tăng cân và béo phì. Thừa cân và béo phì do thức ăn nhanh sẽ gây thêm áp lực lên xương khớp, đặc biệt là hông và đầu gối. Điều này không chỉ làm vận động trở nên khó khăn hơn mà còn làm tăng các cơn đau khớp.
Gây ra các vấn đề về da, răng, xương
Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa việc tiêu thụ thức ăn nhanh với mụn trứng cá và bệnh eczema. Điều này không có gì ngạc nhiên khi dầu và chất béo thường có rất nhiều trong thức ăn nhanh. Các vấn đề về răng là do đường tinh chế và carbohydrate tạo môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát triển trong miệng.
Chứa nhiều muối
Thức ăn nhanh thường chứa nhiều natri, do đó khi tiêu thụ natri nhiều có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi, chướng bụng hoặc sưng phù. Chế độ ăn nhiều natri cũng nguy hiểm đối với những người mắc bệnh huyết áp, bởi natri làm tăng huyết áp và gây tăng áp lực cho hệ thống tim mạch. Một nghiên cứu nhỏ trên Tạp chí Tăng huyết áp cho thấy tiêu thụ nhiều muối có thể có tác động tức thì đến hoạt động bình thường của mạch máu của một người. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều natri sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Thức ăn nhanh chứa rất nhiều đường, nhiều calo mà dinh dưỡng thì lại ít. Ví dụ, một lon soda có thể chứa đến 8 muỗng cà phê đường, tương đương với 140 calo và 39gr đường. Trong khi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã khuyến nghị rằng: mỗi người chỉ nên tiêu thụ khoảng 100 – 150 calo từ đường mỗi ngày, tương đương khoảng 6 – 9 muỗng cà phê đường. Ngoài ra, chất béo chuyển hóa cũng thường được tìm thấy trong các thức ăn nhanh như: bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy, bánh pizza,… Điều đáng nói ở đây là hầu như các chất béo chuyển hóa đều được đánh giá là không lành mạnh cho sức khỏe con người, vì nó làm tăng cholesterol LDL xấu và giảm cholesterol HDL tốt cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh tim lẫn tiểu đường.
Thu Phương (T/h)
https://vietq.vn/dung-mong-khoe-manh-neu-an-nhieu-thuc-an-nhanh-d196579.html