Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, nhiều người đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua vàng mã dâng cúng rồi đốt, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền của và mất an toàn.

Vào những ngày lễ tết, nhất là trong tháng Giêng, theo thói quen của nhiều gia đình Việt, đều đốt vàng mã… Việc làm này đang gây lãng phí và làm gia tăng ô nhiễm môi trường.

Mỗi năm dân ta đốt 5.000 tỷ đồng vàng mã?

Theo thống kê không chính thức của giới truyền thông, mỗi năm nhân dân đốt tới 5.000 tỷ đồng vàng mã. Thực hư về độ chính xác của con số này chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, xác thực. Tuy nhiên lượng vàng mã mà người dân đốt trong các dịp hành lễ đền, chùa hay các dịp lễ vu lan là vô cùng lớn.

Tại nhiều ngôi chùa, ngay cả việc đốt nhang hiện cũng đã được hạn chế để không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe những người tu học và khách vãng lai. Số tiền dùng cho việc đốt nhang hoặc đốt vàng mã nên để làm việc nghĩa, việc thiện, Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ trên VOV.

Theo thống kê không chính thức của giới truyền thông, mỗi năm nhân dân đốt tới 5.000 tỷ đồng vàng mã.

Không chỉ lãng phí tốn kém, hủ tục đốt vàng mã còn ảnh hưởng rất nặng nề tới môi trường sống của chúng ta về lâu dài, mà thực tế trước mắt ai cũng có thể nhìn thấy được, đó là đại đa số những người sau khi đốt vàng mã xong đều mang tro hóa vàng ra sông, suối, ao, hồ, để vứt, rải xuống với mong muốn cho người cõi âm dễ nhận được!

Chính vì thế mà sau mỗi các dịp ngày rằm, mùng 1, hay các dịp lễ tết thì sông, suối, ao, hồ lại bị “tra tấn”, bị “đầu độc” bởi rất nhiều tro hóa vàng nổi lênh láng khiến cho mặt nước đen ngòm ô nhiễm.

Theo Sài Gòn Đầu Tư, để tránh lãng phí tiền bạc cũng như cải thiện môi trường, trong mỗi gia đình, người dân cần hạn chế, tiến tới từ bỏ hẳn hủ tục đốt vàng mã và thói quen rải tro xuống mặt nước. Nếu người người, nhà nhà cùng từ bỏ hủ tục này thì hàng năm mỗi gia đình sẽ tiết kiệm được một khoản tiền nhất định và môi trường sống trở nên xanh – sạch – đẹp hơn…!

Nên loại bỏ

Nguồn tin trên Báo Nghệ An cho biết Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành công văn yêu cầu loại bỏ tục đốt vàng mã ra khỏi các cơ sở tôn giáo thuộc sự quản lý của giáo hội. Một việc làm được cho là rất tích cực và kịp thời nhằm hạn chế tình trạng mê tín dị đoan trong quá trình thực thi tín ngưỡng, tiết kiệm tiền bạc, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc.

Công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ Tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và người dân từ bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Đồng thời yêu cầu hệ thống các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường… nhất là các tự viện đã được công nhận di tích lịch sử – văn hóa, tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo.

Theo moitruong.com.vn