Đông Nam Á đang cho thấy quyết tâm nói không với làn sóng rác thải nhập từ phương Tây sau động thái cứng rắn của một loạt quốc gia tại khu vực.
Mới nhất, Bộ trưởng Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia – bà Yeo Bee Yin – hôm 28-5 tuyên bố sẽ trả lại khoảng 3.300 tấn rác thải nhựa không thể tái chế cho các nước như Mỹ, Anh, Canada, Úc… trong bước đi nhằm ngăn nguy cơ trở thành “bãi rác” của các quốc gia giàu có.
Bộ trưởng Yeo nhận định Malaysia và nhiều nước đang phát triển khác đã trở thành mục tiêu mới sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa vào năm ngoái. Trong nỗ lực đối phó, nhà chức trách Malaysia đã đóng cửa hơn 150 cơ sở xử lý rác thải phi pháp kể từ tháng 7-2018.
Ngoài ra, bà Yeo kêu gọi các nước phát triển xem xét lại vấn đề quản lý rác thải nhựa và ngưng xuất khẩu chúng đến các nước đang phát triển – một hành vi bị chỉ trích là “không công bằng và không văn minh”.
Bộ trưởng Yeo Bee Yin đứng trước một container rác thải nhựa tại thị trấn Port Klang – Malaysia hôm 28-5 Ảnh: MALAY MAIL
Vào tuần rồi, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Canada nếu Ottawa không đồng ý nhận lại 69 container chứa khoảng 1.500 tấn rác thải được xuất sang Manila giai đoạn 2013-2014.
Theo báo The Guardian, ông Duterte thậm chí dọa sẽ đưa số rác trên đến lãnh hải Canada và thả chúng ở đó nếu chính phủ nước này không hành động nhanh chóng.
Nỗ lực chống lại rác thải độc hại tại Đông Nam Á bắt đầu từ năm ngoái sau khi một số nước, như Thái Lan, Malaysia, thông qua luật ngăn chặn chúng đến cảng biển mình. Nhiều người tin rằng đây là cách duy nhất để buộc các nước xuất khẩu rác thải, chủ yếu là ở phương Tây, đối mặt với vấn đề này, thay vì chuyển gánh nặng cho các nước đang phát triển.
Theo thống kê, chỉ có 9% rác thải nhựa của thế giới được tái chế. Hầu hết số còn lại được đưa đến các bãi rác khắp Đông Nam Á hoặc bị thiêu hủy trái phép, thải ra khói độc hại.
Đông Nam Á bắt đầu đối mặt vấn đề trên vào đầu năm 2018 sau khi Trung Quốc ngưng nhận và tái chế rác thải nhựa từ bên ngoài do nỗi lo về môi trường.
Những công ty tư nhân nhận xử lý rác thải cho một số chính phủ đã chạy đua tìm kiếm địa điểm mới cho món hàng xuất khẩu không được chào đón này và Đông Nam Á trở thành lựa chọn thay thế được ưa chuộng.
Theo tổ chức Greenpeace, số lượng rác thải nhựa nhập khẩu Malaysia đã tăng vọt từ 168.500 tấn năm 2016 lên 456.000 tấn chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, chủ yếu đến từ Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Úc và Mỹ.
Còn tại Indonesia, 60 container chứa rác thải độc hại đã hiện diện tại một cảng trên đảo Riau trong 5 tháng qua. Theo các nhà hoạt động, cái giá môi trường và xã hội đến từ rác thải nhựa không hề nhỏ chút nào, như nguồn nước ô nhiễm, cây trồng hư hại và sự bùng phát của các căn bệnh hô hấp.
Thỏa thuận đa phương về xử lý chất thải trên toàn cầu, đã được sửa đổi trong tháng này để cấm việc đưa rác thải nhựa ô nhiễm và không thể tái chế đến các nước đang phát triển mà không có sự đồng ý của họ. Vấn đề là quy định mới sẽ chỉ có hiệu lực từ năm 2020 và không phải tất cả quốc gia Đông Nam Á đều tham gia Công ước Basel.
Theo Nld.vn (29/5/2019)