Ngày càng nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc gióng lên hồi chuông cảnh báo đồng hồ thông minh có thể vô tình trở thành cánh cửa đưa con em họ tiếp cận các nội dung độc hại trên môi trường mạng.
Một trong những vụ việc gây rúng động dư luận gần đây là trường hợp bé gái lớp 2 ở tỉnh Chiết Giang nhận được tin nhắn rùng rợn “Chúng ta hãy cùng chết!” từ một nhóm trò chuyện trên đồng hồ thông minh. Mẹ bé, chị Chen Xian, đã nhanh chóng can thiệp, báo cáo nhà sản xuất và yêu cầu con rời nhóm. Tuy nhiên, chị lo ngại không phải trẻ nào cũng chia sẻ kịp thời với cha mẹ như con mình.
Ban đầu, đồng hồ thông minh được thiết kế với mục tiêu giúp phụ huynh liên lạc, theo dõi vị trí con cái. Thế nhưng theo thời gian, sản phẩm này dần trở thành một “hệ sinh thái số” thu nhỏ, cho phép trẻ nhắn tin, kết bạn, tham gia nhóm trò chuyện và đó cũng là lúc nguy cơ bắt đầu.
Liu Meng, một nữ sinh mắc hội chứng Asperger, từng cảm thấy lạc lõng trong môi trường học đường. Chiếc đồng hồ thông minh mà cha mẹ mua cho cô bé từ lớp 5 không chỉ giúp em kết nối mà còn mở ra cánh cửa đầu tiên dẫn tới tình bạn và cảm giác được thấu hiểu. Nhưng đồng thời, thiết bị này cũng khiến Liu đối mặt với những nhóm chat chứa nội dung nhạy cảm, ảnh tục tĩu và cả yêu cầu gửi hình ảnh cá nhân.
Đồng hồ thông minh giúp trẻ kết nối với cha mẹ dễ dàng nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ. Ảnh minh họa
Dù con gái sẵn sàng chia sẻ, mẹ Liu vẫn không khỏi lo lắng khi phát hiện bạn trai trực tuyến của con có hành vi không phù hợp. Thay vì tịch thu thiết bị, gia đình chọn hướng giải thích và đăng ký cho con tham gia khóa giáo dục giới tính. Họ thừa nhận: đồng hồ thông minh giúp con phát triển quan hệ xã hội nhưng cũng dễ khiến trẻ sa đà vào thế giới ảo nhiều cám dỗ.
Về phần mình, chị Chen Xian cho biết sau sự cố, chị yêu cầu nhà sản xuất tăng cường kiểm duyệt nội dung, đặc biệt là từ khóa nhạy cảm. Tuy nhiên, một số hãng vẫn để lọt tin nhắn thoại độc hại, khiến phụ huynh không khỏi bất an.
Theo ông Cai Dan – Viện trưởng Viện Tâm lý, Đại học Sư phạm Thượng Hải, đồng hồ thông minh đang trở thành biểu tượng xã hội trong giới trẻ, đặc biệt là tuổi dậy thì, khi nhu cầu kết nối với bạn bè cao hơn cả gia đình. Tuy nhiên, đã có nhiều cảnh báo về việc phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển xã hội, tình cảm và hành vi, sức khỏe tâm thần của trẻ em có thể bị ảnh hưởng vì tiếp cận các thiết bị số, và đồng hồ cũng không ngoại lệ. Dù đồng hồ thông minh có màn hình nhỏ hơn nhiều so với điện thoại và chức năng cũng hạn chế hơn, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo thiết bị này vẫn ít nhiều có tính “không thể cưỡng lại” như nhiều đồ công nghệ khác.
Khi trẻ được cho thiết bị số như đồng hồ thông minh hay điện thoại thông minh, “cuộc sống số” của các em sẽ chính thức bắt đầu. Dữ liệu của trẻ sẽ được thu thập. Theo tổ chức nghiên cứu Common Sense của Mỹ, đồng hồ thông minh thu thập hàng ngàn điểm dữ liệu một cách dễ dàng từ người dùng hằng ngày. Các thuật toán được xây dựng xung quanh sở thích và thói quen của trẻ, một hồ sơ dữ liệu về các em sẽ được lập mà chính phụ huynh cũng không hề hay biết. Vì vậy cha mẹ để cho con mình kết nối với thế giới càng sớm thì nguy cơ đối với chúng càng cao. Đó là một bài toán khó cho phụ huynh.
Hiện nay, đồng hồ đeo tay và đồng hồ thông minh được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật và không nằm trong danh mục hàng hóa cấm hoặc hạn chế nhập khẩu. Doanh Nghiệp chỉ cần thực hiện đúng thủ tục hải quan như các mặt hàng thông thường khác, đồng thời lưu ý một số quy định quan trọng sau:
Không cần giấy phép nhập khẩu, trừ khi đồng hồ có chức năng kết nối không dây (Bluetooth, Wifi, GPS…) thì phải công bố hợp quy thiết bị viễn thông. Thực hiện khai báo hải quan theo Thông tư 38/2015/TT-BTC và 39/2018/TT-BTC.
Mã HS, thuế nhập khẩu, VAT, và thuế tiêu thụ đặc biệt cần xác định đúng để tránh bị phạt theo Nghị định 128/2020/NĐ-CP. Dán nhãn phụ bằng tiếng Việt theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Việc tuân thủ đúng chính sách sẽ giúp doanh nghiệp nhập khẩu đồng hồ nhanh chóng, đúng luật và tiết kiệm chi phí.
Theo An Dương (T/h)
https://vietq.vn/dong-ho-thong-minh-tiem-an-nguy-co-dan-tre-em-den-cac-noi-dung-doc-hai-d235377.html