Từ năm 2016 đến nay, chương trình khuyến công của Hà Nội đã hỗ trợ 64 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, giảm ô nhiễm.

Từ nhiều năm nay, kinh tế làng nghề đã có những đóng góp đáng kể vào nền kinh tế đất nước.

Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều làng nghề đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển mới, song cũng đặt ra không ít thách thức.

Vì vậy, việc đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được xem là yếu tố sống còn đối với các làng nghề truyền thống.

Xu hướng tất yếu

Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, song qui mô sản xuất tại nhiều doanh nghiệp làng nghề truyền thống vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, hoạt động theo lối sản xuất thủ công.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, hệ thống làng nghề Việt Nam mang tính truyền thống lâu đời. Nhưng để bắt nhịp được với xã hội hiện nay là một vấn đề rất khó khăn.

“Nếu không hội nhập, không bắt nhịp với quốc tế thì làng nghề chúng ta sẽ lạc hậu, không thoát ra được sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Muốn làm tốt được thì phải có hướng đi như chúng ta đang định hướng và quốc tế đang cầm ở chúng ta thì việc hội nhập của làng nghề là hết sức cần thiết,” ông Lưu Duy Dần nói.

Ngành thủ công mỹ nghệ phát huy nghề truyền thống của địa phương ở Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: TTXVN)

Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các làng nghề là phải đổi mới công nghệ để phát triển bền vững, cũng như nâng hiệu suất lao động thấp, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Theo bà Hà Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh, việc đầu tư công nghệ hiện đại đã giúp hạ giá thành sản phẩm của công ty trên 30%, quan trọng hơn nhờ độ chính xác cao nên tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng đã giảm đáng kể và kiểu dáng của sản phẩm cũng đa dạng hơn.

“Hướng đi này đã giúp sản phẩm của công ty có sức cạnh tranh, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, từ đó tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm,” bà Hà Thị Vinh cho hay.

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông) chia sẻ, hiện Vạn Phúc có 200 hộ làm nghề dệt lụa, song trước yêu cầu của thị trường, đến nay hầu hết các hộ sản xuất đã cải tiến công nghệ sản xuất.

Điều này đã giúp sản phẩm của Vạn Phúc đáp ứng nhu cầu thị trường cả về chất lượng, mẫu mã và số lượng sản phẩm.

Tương tự, tại làng bún Phú Đô, với việc ứng dụng công nghệ và sử dụng năng lượng thay thế vào sản xuất đã không còn tình trạng nước thải và các loại chất thải của làng nghề xả trực tiếp ra kênh dẫn của sông Nhuệ.

Thay vì dùng than như trước kia, làng bún Phú Đô chuyển sang sử dụng lò than cải tiến, nồi hơi và dây chuyền khép kín từ máy xay, nhào bột, làm bún bằng điện.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu

Thực tế cho thấy, việc triển khai các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các hộ làng nghề đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật thông qua chính sách khuyến công, dự án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… nhiều hộ làng nghề đã dần thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư trang bị máy móc hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Quan trọng hơn, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp nhiều doanh nghiệp và làng nghề rút ngắn các công đoạn thủ công, góp phần giải phóng sức lao động và cải thiện môi trường làng nghề.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho hay, với sự khuyến khích, hỗ trợ của thành phố, cùng các bộ, ngành, nhiều làng nghề trên địa bàn, nhất là các làng nghề thủ công mỹ nghệ đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị hiện đại.

Từ năm 2016 đến nay, Chương trình khuyến công thành phố đã hỗ trợ 64 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giảm ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý, các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất hầu hết đều phát huy được hiệu quả, do trung tâm đã có sự khảo sát, chọn lựa kỹ lưỡng các đối tượng thụ hưởng, những đề án mang tính khả thi, trong đó ưu tiên cho các đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn.

Hoạt động này cũng nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2021-2025, trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố được hỗ trợ từ Chương trình khuyến công, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 5% đến 8%/năm, tạo ra khoảng 2.000 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới phục vụ xuất khẩu.

Ðể đạt được những mục tiêu này, theo ông Đào Hồng Thái, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làng nghề.

Cùng với đó, thành phố sẽ hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng… để các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.

“Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất ở các cơ sở công nghiệp nông thôn sẽ gắn với hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy thiết kế sáng tạo, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm,” ông Thái cho hay.

Trong khi đó, ông Lưu Duy Dần cũng nhấn mạnh, cùng với đầu tư đổi mới công nghệ thì việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống cũng là hướng đi bền vững nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho các làng nghề truyền thống

Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tăng cường sự kết nối lại để tìm ra được sức mạnh chung trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, thông qua đó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và thị trường.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần trở thành cầu nối giữa các hộ làng nghề trong việc đặt hàng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề cải tiến công nghệ, trang bị máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại./.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất làng nghề sẽ chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng nghề đang có mức ô nhiễm nghiêm trọng; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 50 làng nghề; tạo việc làm ổn định từ 800.000-1 triệu lao động nông thôn với thu nhập bình quân đạt từ 35 triệu đến 40 triệu đồng/năm…

Ðể thực hiện được mục tiêu này, thành phố đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đồng thời sẽ đẩy mạnh liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học để đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các công nghệ mới; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng… để các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.

Đức Duy (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/doi-moi-cong-nghe-giai-phap-ben-vung-phat-trien-cac-lang-nghe/665615.vnp