Một doanh nhân Nhật Bản vừa phát triển thành công túi đựng đồ từ cám gạo và hộp sữa. Túi đựng này có khả năng phân hủy nhanh và có thể dùng làm thức ăn.
Theo tin tức trên tờ CNN, một doanh nhân người Nhật Bản có tên Hidetoshi Matsukawa vừa phát triển thành công một loại túi đựng đồ từ nguyên liệu thân thiện với môi trường và có thể dùng làm thức ăn.
Ý tưởng của ông Hidetoshi Matsukawa bắt nguồn từ thực trạng nhiều du khách cho loài hươu quý hiếm tại Nara (một điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản) ăn nhưng vô tình để chúng nuốt phải những chiếc túi nilon. Nguy hiểm hơn, hành động này đã khiến 9 cá thể hươu quý hiếm chết bất chấp các cảnh báo không nên ném đồ ăn hoặc túi nilon ra công viên – nơi những con hươu quý hiếm đang sống.
Để bảo vệ loài hươu quý hiếm, ông Hidetoshi Matsukawa đã cùng với một nhà sản xuất giấy địa phương và một công ty thiết kế cho ra đời một dự án có tên gọi Shikagami. Kết quả của dự án chính là sự ra đời của một loại túi giấy thay thế cho túi nilon được làm từ cám gạo và hộp sữa.
“Tôi muốn làm một điều gì đó để bảo vệ loài hươu – biểu tượng của Nara. Cám gạo phần lớn bị bỏ đi trong lúc xay xát. Việc lấy nguyên liệu đó làm túi giấy cũng góp phần giảm lãng phí. Tôi đã thử nghiệm loại túi này và chúng an toàn đối với con người”, ông Hidetoshi Matsukawa cho hay.
Được biết, sau khi sản xuất, loại túi sinh học này đã được thử nghiệm tại các ngân hàng địa phương và đền Todaiji – điểm thu hút khách du lịch chính ở Nara. Nhà chùa và các ngân hàng đã đặt mua 4.000-5.000 chiếc túi với giá 100 yên/chiếc để tham gia dự án thử nghiệm.
“Tin tức về những cái chết của loài hươu do túi nilon đã tạo ra một hình ảnh tiêu cực. Công viên như thể nghĩa trang của những chú hươu vậy. Túi giấy có thể bảo vệ hươu, cũng như hình ảnh của Nara. Giá của túi đựng đồ sẽ giảm nếu có thêm nhiều doanh nghiệp đăng ký sử dụng túi này”, ông Hidetoshi cho biết thêm.
Túi đựng đồ ăn được làm từ cám gạo và hộp sữa. Ảnh: CNN
Trước đó, vào năm 2018, các nhà khoa học Ukraine cũng đã phát minh ra loại túi thân thiện với môi trường, phân hủy nhanh chóng và có thể ăn được. Nguyên liệu để tạo nên loại túi này là sản phẩm phụ của việc kết hợp các protein tự nhiên và tinh bột. Họ làm ra ly, ống hút và túi đựng đồ từ rong biển và tinh bột có nguồn gốc từ tảo đỏ. Ưu điểm chính của chiếc ly này là nó hoàn toàn bị phân hủy trong 21 ngày. Còn cái túi thì tan rã trong đất chỉ trong hơn một tuần.
Liên quan tới việc phát triển các loại túi thân thiện với môi trường, tại Việt Nam, vào năm 2019, hai sinh viên Nông Văn Phước và Đặng Nguyễn Xuân Trọng (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) đã tạo nên một loại túi đựng đồ từ tinh bột khoai tây. Theo sinh viên Nông Văn Phước, sản phẩm làm hoàn toàn từ khoai tây nên có thể ăn được và an toàn cho sức khỏe khi sử dụng để đựng thức ăn.
Trong quá trình đi tìm nguồn sản phẩm thay thế, nhóm đã nghiên cứu và nhận thấy chỉ có khoai là phù hợp nhất để làm ra những sản phẩm thân thiện này. Trong tất cả các loại củ thì quá trình trồng khoai tây ít giảm thải khí CO2 ra môi trường so với các loại cây khác như sắn, ngô, lúa… Nếu mở rộng quy mô sẽ ít ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, mỗi vụ khoai tây có khoảng 20% khoai không đạt chất lượng, như không đạt về kích thước, bị sâu nhưng hoàn toàn vẫn có thể lấy tinh bột.
Nói về tính phân hủy nhanh của sản phẩm, sinh viên Đặng Nguyễn Xuân Trọng cho biết: “Có những đồ dùng làm từ polime chỉ sử dụng trong 5 phút nhưng cần đến 500 năm để phân hủy, đó là điều chúng ta phải suy nghĩ. Sản phẩm của nhóm có thể phân hủy trong vòng 3 – 5 tháng sau khi sử dụng xong. Thời gian phân hủy của bao bì được làm từ tinh bột nhanh hơn gấp nhiều lần so với những loại bao bì có trên thị trường hiện nay”.
Theo Trọng, chất lượng của những chiếc bao bì tự hủy từ 100% tinh bột khoai tây gần giống với những loại bao bì nhựa. Ngoài ra, những chiếc bao bì được làm từ tinh bột không chứa kim loại nặng nên rất an toàn với người sử dụng.
Bảo Linh
http://vietq.vn/doanh-nhan-nhat-ban-phat-trien-thanh-cong-tui-dung-do-co-the-an-duoc-d179936.html