Với việc tham tham gia Chương trình 712 và triển khai hệ thống quản lý bảo trì năng suất tổng thể – TPM, Công ty đã tiết kiệm được gần 3 tỷ đồng, số lượng nhân công giảm 20%, năng suất lao động tăng từ 20 – 25%.

Bảo trì năng suất tổng thể – TPM (Total Productive Maintenance) là một phương pháp quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới. TPM (Total Productive Maintenance) là một tư duy hay phương pháp quản lý liên kết hai khái niệm Bảo dưỡng (hay còn gọi là duy trì) và Năng suất chất lượng. Phương pháp này đang được áp dụng mạnh mẽ vào công nghiệp sản xuất và công nghiệp dịch vụ.

Thực hiện TPM giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hợp lý hoá chi phí sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Công ty Cổ phần Dây và Cáp SACOM (Đồng Nai) là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu đã áp dụng thành công hệ thống quản lý bảo trì năng suất tổng thể – TPM và thu được nhiều lợi ích.

Công ty Cổ phần Dây và Cáp SACOM (Đồng Nai) áp dụng thành công hệ thống quản lý bảo trì năng suất tổng thể – TPM.

Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng doanh nghiệp – kinh nghiệm thực tế và giải pháp nhân rộng” diễn ra mới đây, ông Trần Văn Quân – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dây và Cáp SACOM (Đồng Nai) cho biết, năm 2015, khi tham gia Chương trình Năng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712), Công ty đã tập trung cải tiến thiết bị, quy trình sản xuất, tác phong làm việc… Nhờ đó, trong ba năm, Công ty đã tiết kiệm được gần 3 tỷ đồng, số lượng nhân công giảm 20%, năng suất lao động tăng từ 20 – 25%.

Cụ thể, trước khi triển khai hệ thống quản lý bảo trì năng suất tổng thể – TPM. Công ty thường xuyên không đáp ứng được yêu cầu của đơn hàng, năng suất, chất lượng không tăng. Công ty đã phải bù nguyên một lô hàng cho khách mà không lấy về được vì ở tận Châu Phi. Ngoài ra, Công ty cũng bị phạt vì chậm giao hàng, gặp những khiếu nại từ khách hàng về chất lượng.

Bên cạnh đó, mặc dù trước đây vẫn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng nhưng tay nghề nhân viên trong công ty vẫn không đồng đều. Việc kiểm tra, giám sát, tiêu chuẩn vệ sinh… chưa được thiết lập một cách có hệ thống. Trong khi đó, tác phong công nghiệp của người vận hành chưa cao, nhiều thói quen chưa phù hợp với sản xuất công nghiệp. Điều này đặt ra áp lực cho công ty phải có công cụ nào đó để cải thiện năng suất chất lượng.

Với việc tham tham gia Chương trình 712 và triển khai hệ thống quản lý bảo trì năng suất tổng thể – TPM, những vướng mắc trước đây Công ty gặp phải đã được giải quyết. Đặc biệt, đội ngũ lao động trong Công ty đã biết và thích tư duy, tìm kiếm cơ hội cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, có nhiều ý tưởng cải tiến được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Theo Vietq