19 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngĐồ ăn online: Chất lượng có đi kèm giá thành?

    Đồ ăn online: Chất lượng có đi kèm giá thành?

    Date:

    Related stories

    Ứng dụng đặt đồ ăn đã trở thành thói quen của nhiều người, đặc biệt tại các đô thị lớn. Không thể phủ nhận hình thức này mang lại nhiều tiện ích, tuy nhiên, đằng sau đó là hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng thực phẩm, sức khỏe người dùng và những vấn đề về trách nhiệm pháp lý khi sự cố xảy ra.

    Gần đây, chị X.A, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh về sự cố bản thân gặp phải khi đặt mua thức ăn qua ứng dụng giao hàng G. Theo chị X.A, thông qua ứng dụng G, chị đặt một số phần bánh canh tại cửa hàng online. Sau khi ăn xong, chị và bạn bè có dấu hiệu ngộ độc cấp, trong đó người ăn khẩu phần gấp đôi bị nặng nhất, phải cấp cứu.

    Sau đó, chị A đã liên hệ phản ánh vấn đề đến cửa hàng thực phẩm nói trên và ứng dụng giao hàng G cùng với các bằng chứng đầy đủ về việc ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh canh. Phía cửa hàng có động thái “năn nỉ”, mong muốn bồi thường một số tiền nhỏ cho việc khám chữa và đề nghị khách hàng bỏ qua vì còn phải “mưu sinh”. Riêng phía ứng dụng giao hàng thì chỉ đưa ra câu trả lời chung chung là “sẽ xem xét”.

    Sau nhiều lần phản ánh không nhận được phản hồi như ý, đồng thời nhận thấy cửa hàng bánh canh vẫn hiển thị trên ứng dụng với nhiều đánh giá tốt, chị X.A đã bức xúc đưa sự việc lên mạng. Sau bài viết của chị, khá nhiều người dân cũng tham gia mổ xẻ những vấn đề khi đặt đồ ăn qua ứng dụng. Một số người phản ánh từng ăn tại cửa hàng bánh canh nói trên và cũng từng có dấu hiệu bị ngộ độc.

    Tương tự, bạn Nguyễn Minh Hải – sinh viên Đại học Điện lực cho biết: “Mình là khách hàng trung thành của ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến. Hầu hết ngày nào mình cũng order đồ ăn trên mạng về ăn cho tiện. Mỗi ngày thử một vài món khác nhau. Có những lần ăn rất ngon nhưng cũng vài lần gặp phải quán có chất lượng ăn khá tệ mà còn bị đau bụng”.

    Thói quen đặt thực phẩm online đang trở nên phổ biến, đặc biệt đối với cư dân các đô thị lớn, nhịp sống nhanh vội. Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, người dùng có thể nhanh chóng đặt hàng và được giao thực phẩm đến tận nhà, với món ăn phong phú, đa dạng, thậm chí còn rẻ hơn nhà nấu. Thế nên, không chỉ dân văn phòng, người độc thân mà nhiều gia đình cũng lựa chọn đặt thức ăn online thay cho những bữa cơm “nhà nấu” để đỡ tốn thời gian.


    Còn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm khi người tiêu dùng đặt thức ăn qua ứng dụng online. (Ảnh minh họa)

    Tuy nhiên, đặt thực phẩm online tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, nhất là khi việc lựa chọn thức ăn chỉ được thực hiện thông qua hình ảnh trên mạng chứ không phải “nhìn tận mắt, ngửi tận mũi” và kiểm tra độ sạch, bẩn của quán như khi trực tiếp đến quán. Có cả những trường hợp, shipper sau khi giao thức ăn còn “bỏ nhỏ” với thực khách là lần sau đừng đặt ở quán ấy nữa, vì tận mắt chứng kiến tình trạng nhếch nhác, bẩn thỉu ở quán.

    Việc đặt hàng online tại nhiều cửa hàng không có sự bảo đảm, nhiều thực khách đặt niềm tin vào các ứng dụng trung gian. Bởi các ứng dụng này đã quảng cáo về sự lựa chọn đầu vào của quán đối tác: Cung cấp giấy tờ vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng kí kinh doanh… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những bảo đảm này chỉ mang tính tương đối, bởi không ít người nhận phải thực phẩm bẩn, độc hại, bị tổn hại sức khỏe khi đặt thức ăn qua các ứng dụng. Các vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như quy trình bảo quản chưa bảo đảm, khâu vận chuyển kéo dài, không đúng tiêu chuẩn, hoặc từ chính chất lượng sản phẩm kém từ nhà cung cấp.

    Một số nhà hàng hoặc cửa hàng trên ứng dụng đặt hàng online thiếu biện pháp kiểm tra và bảo quản thực phẩm chặt chẽ, khiến cho món ăn dễ bị hỏng trong quá trình giao hàng, nhất là với thời tiết nắng nóng hoặc giao thông ùn tắc. Với chính sách “ghép đơn”, có khi đơn hàng mất thời gian di chuyển một, vài tiếng đồng hồ, khi thực phẩm đến tay người dùng đã mất đi độ tươi ngon, không còn bảo đảm an toàn.

    Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và mạng xã hội luôn tiềm ẩn một số rủi ro. Thực tế rất nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố, hoặc thành phần chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép.

    Ngoài ra, mua thức ăn online còn mang nhiều rủi ro khác như sản phẩm chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm, thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm…

    Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo: Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Người dân tuyệt đối không nên mua thực phẩm ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/do-an-online-chat-luong-co-di-kem-gia-thanh-d227182.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img