Theo nhiều nghiên cứu Y khoa cho thấy, thanh thiếu niên lạm dụng điện thoại dễ kích ứng rối loạn tăng động, mất tập trung (ADHD).
Thông tin với PV Gia Đình Mới, bác sĩ CK II Trần Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm thần (BV Nhi Trung ương) cho biết, tăng động giảm chú ý là 1 mảnh rất nhỏ mà khoa Tâm thần đang điều trị. Trong đó vấn đề trẻ tăng động giảm chú ý phát hiện ngày càng tăng trong thời gian gần đây.
Trong vài năm trở lại đây, lượt cháu bé có vấn đề sức khỏe tâm thần đến khám tại khoa thường ở mức trên 20.000 lượt với 3 mảng lớn là chậm phát triển trí tuệ, rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn phổ tự kỷ. Thậm chí thời gian gần đây bệnh viện cũng phát hiện nhiều trẻ đến khám gặp các vấn đề khác nữa như lo âu trầm cảm, rối loạn hành vi, khó khăn về ngôn ngữ, thích ứng cuộc sống.
Điện thoại thông minh gây ra nhiều hệ lụy, nhất là tăng động mất tập trung ở trẻ. Ảnh minh họa
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, khó khăn về ngôn ngữ. Một trong yếu tố nguy cơ cao là việc trẻ dưới 3 tuổi sử dụng các thiết bị điện tử.
Việc dùng thiết bị điện tử ở Châu Âu đã cấm trẻ nhỏ dùng từ rất lâu, trẻ từ 3 tuổi trở xuống không bao giờ được dùng thiết bị điện tử, thậm chí với trẻ vào lớp 1 cũng không dùng các thiết bị điện tử. Nhưng ở Việt Nam nhiều bậc bố mẹ vẫn cho trẻ nhỏ xem, sử dụng bởi thiết bị điện tử khiến trẻ ngồi im một chỗ, các trang mạng, đoạn video rất sinh động, khiến trẻ cuốn hút.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần biết, xem các thiết bị điện tử là giao tiếp một chiều, khiến trẻ rất khó phát triển ngôn ngữ, vì trẻ chỉ nghe, không phản hồi. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, tốt nhất không nên cho trẻ dùng thiết bị điện tử như điện thoại, iPad, tivi, máy tính…
Việc trẻ nhỏ sử dụng các thiết bị điện tử là một trong các yếu tố nguy cơ gây nên khó khăn cho trẻ trong phát triển ngôn ngữ, trong học tập, các mối quan hệ xã hội.
Để làm rõ hơn vấn đề này, nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Y khoa Mỹ khảo sát các phụ huynh có con nhỏ. Với câu hỏi: “Những thiết bị đi động số có làm mất tập trung, ảnh hưởng đến tinh thần và hành động của trẻ em không?”, họ đều nhận được câu trả lời “Có thể”.
Theo tiến sĩ Jenny Radesky thuộc nhóm nghiên cứu, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến triệu chứng ADHD của thanh thiếu niên như gia đình, trầm cảm, hút thuốc hoặc uống rượu, chứ không chỉ riêng các thiết bị di động. Tuy nhiên, lạm dụng điện thoại di động làm gia tăng nguy cơ mắc các triệu chứng này. Thực tế cho thấy cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến các hành vi của trẻ. Nhiều thanh thiếu niên không sử dụng hoặc không lạm dụng điện thoại di động là do những quy tắc của cha mẹ đề ra từ nhỏ. Nhiều gia đình tích cực khuyên con cái hoạt động ngoài trời hơn là ngồi trong nhà dùng điện thoại.
Giáo sư Leventhal, Đại học Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California, Los Angeles, cũng đồng tình với nghiên cứu. Ông cho rằng lạm dụng các thiết bị di động góp phần làm gia tăng tỷ lệ ADHD. Giáo sư đã tiến hành các nghiên cứu về tần suất sử dụng mạng xã hội, cứ 6 tháng một lần trong vòng hai năm với 2.600 học sinh trung học. Kết quả, chỉ dưới 500 người không sử dụng các thiết bị di động thường xuyên, tần suất không quá một hoặc hai lần mỗi ngày. Nhiều người liên tiếp gặp các triệu chứng như bốc đồng, không tập trung, mất ngủ.
Lạm dụng điện thoại di động, trẻ sẽ mất tập trung với các hoạt động thực tiễn, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và công việc. “Nếu tiếp tục ham mê sử dụng các thiết bị di động, tỷ lệ ADHD tăng 10% theo thời gian”, giáo sư Leventhal cảnh báo.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tăng động
Thông tin thêm, bác sĩ Vũ Ngân Quỳnh, BV Nhi Trung ương cho biết: Tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, biểu hiện bằng những hành vi hiếu động quá mức và giảm khả năng tập trung. Nếu trẻ không được điều trị tốt thì việc hình thành tính cách, hành vi, tâm lý trong tương lai cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Quan sát ở nhà, nơi công cộng, ở trường/lớp trẻ thường xuyên có những biểu hiện sau: Tăng hoạt động, hay bồn chồn, luôn cử động chân tay, ngồi không yên; Thường xuyên chạy nhảy, leo trèo hoặc rời bỏ chỗ ngồi ở nơi cần ngồi yên; Trả lời bột phát khi chưa nghe hết câu hỏi; Khó khăn khi phải chờ đợi hoặc phải xếp hàng chờ theo thứ tự.
Giảm chú ý, dễ mất tập trung do tác động bên ngoài; Không cẩn thận, không chú ý tỉ mỉ, hay gây sai sót; Ít tuân theo sự hướng dẫn, hay làm mất đồ dùng, đồ chơi; Thường hay bỏ dở việc này để làm sang việc khác; Trẻ không duy trì chú ý được lâu so với trẻ bình thường cùng tuổi.
Nếu các biểu hiện kéo dài trên sáu tháng và xuất hiện trước 7 tuổi, cản trở học tập, sinh hoạt, công việc và quan hệ của trẻ ở gia đình, trường học, trẻ có thể bị rối loạn tăng hoạt động giảm chú ý. Nhiều bố mẹ vẫn chưa nhận biết đâu là một đứa trẻ nghịch ngợm, hiếu động thông thường, đâu là trẻ mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Do đó nếu trẻ có những biểu hiện trên cần mang trẻ đi khám để có cách điều trị tốt nhất.
Ngọc Nga (T/h)
http://vietq.vn/dien-thoai-thong-minh–thu-pham-gay-roi-loan-tang-dong-tuoi-moi-lon-d185942.html