Thị trường điện thoại màn hình gập đang tăng trưởng đều qua các năm, cùng với việc giảm chi phí, giá thành và sự mở rộng của thị trường điện thoại Trung Quốc có là động lực để điện thoại màn hình gập phổ biến hơn?

Những nguyên nhân khiến điện thoại màn hình gập chưa được phổ biến


Điểm trừ của màn hình gập. Ảnh minh họa

Những chiếc điện thoại màn hình gập đem lại cảm giác hiện đại, thời thượng, nhưng chưa được sự đón nhận của đa số người dân vì các lý do sau đây:

Đầu tiên phải nói đến giá thành, giá bán là một trong những nguyên nhân chính khiến người dùng khó tiếp cận với các mẫu smartphone màn hình gập. Mặc dù các nhà sản xuất lớn như Samsung hay Xiaomi, OPPO đã tìm cách giảm giá các điện thoại của mình qua từng thế hệ nhưng công bằng mà nói thì smartphone màn hình gập vẫn còn đắt đỏ, khó tiếp cận người dùng.

Tiếp đến là sự lo ngại về độ bền của màn hình, hiện tại dù được các nhà sản xuất đến khá nhiều cải tiến nhưng màn hình gập vẫn khá dễ bị trầy xước và hư hỏng. Điều này là không thể tránh khỏi vì nó phải sử dụng các vật liệu mềm, dẻo để gập lại và không thể được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass như các smartphone thông thường khác. Các nhà sản xuất đang cố gắng cải tiến liên tục, nhưng đơn giản là công nghệ này chưa đủ hoàn thiện để người dùng có thể sử dụng máy trong nhiều năm.

Điện thoại màn hình gập cũng chưa được tối ưu các ứng dụng, nhiều ứng dụng sử dụng trên điện thoại màn hình gập không thể hiển thị hết màn hình, gây lãng phí không gian màn hình và làm ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của người dùng.

Ngoài ra thời lượng pin của smartphone màn hình gập cũng chưa được tốt vì phải hy sinh cho phần bản lề và những bộ phận khác trong chiếc điện thoại. Thông thường dung lượng pin điện thoại màn hình gập thường không vượt quá 5.000 mAh.

Nếp nhăn trên màn hình ở các dòng điện thoại gập của Samsung cũng gây sự khó chịu cho người dùng. Nếp nhăn này làm trải nghiệm xem phim hay thao tác trên màn hình điện thoại của người dùng bị giảm đi đáng kể.

Khả năng chống bụi chưa được tốt cũng là điểm trừ rất lớn trên các dòng điện thoại màn hình gập. Nếu bất kỳ hạt bụi nhỏ nào xâm nhập vào thân điện thoại qua bất kỳ khe hở nào, nó có thể gây ra sự cố và có khả năng làm hỏng thiết bị. Vì vậy, hy vọng các nhà sản xuất tìm được giải pháp giải quyết vấn đề này để người dùng yên tâm hơn trong quá trình sử dụng máy.

Những bước tăng trưởng và định hướng tương lai của điện thoại màn hình gập

Theo khảo sát mới nhất của TrendForce tiết lộ đến năm 2023, số lượng điện thoại thông minh màn hình gập có thể tăng vọt lên mức ấn tượng 18,3 triệu chiếc, đánh dấu mức tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 1,6% tổng thị trường điện thoại thông minh trong năm. Đến năm 2024, các chuyên gia dự báo sẽ có một bước nhảy vọt khác – tăng trưởng 38%, đạt con số khổng lồ 25,2 triệu thiết bị và thúc đẩy thị phần lên tới 2,2%.

Năm nay, Samsung một lần nữa dẫn đầu với các dự đoán hướng tới doanh số 12,5 triệu chiếc. Tuy nhiên, thị trường màn hình gập đang chứng kiến sự thay đổi. Thị phần đáng kinh ngạc 82% của Samsung vào năm 2022 đã giảm xuống còn 68%. Tại sao? Đó là do làn sóng sản phẩm màn hình gập đang dâng trào từ các đối thủ Trung Quốc. Huawei giành vị trí á quân, ước tính đã xuất xưởng khoảng 2,5 triệu thiết bị màn hình gập, chiếm 14% thị phần, theo sau là OPPO và Xiaomi với thị phần lần lượt là 5% và 4%.

Nhìn vào trung và dài hạn, TrendForce tin rằng việc mở rộng của thiết bị có thể gập lại trên thị trường điện thoại thông minh là điều tất yếu. Đến năm 2027, số lượng xuất xưởng có thể tăng vọt lên tới 70 triệu chiếc, chiếm khoảng 5% thị trường điện thoại thông minh toàn cầu.

Tuy nhiên con số này sẽ không dừng lại tại đó. Theo các chuyên gia phân tích thị trường, mức tăng trưởng của điện thoại màn hình gập sẽ khả quan hơn khi giảm chi phí và chiến lược mở rộng của các thương hiệu Trung Quốc. TrendForce thừa nhận rằng khi chi phí linh kiện giảm mạnh, đặc biệt là chi phí bảng điều khiển và bản lề, giá điện thoại màn hình gập sẽ có khả năng trượt xuống dưới ngưỡng 1.000 USD. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ thúc đẩy sự quan tâm và ý định mua hàng của người tiêu dùng.

TrendForce nhận định, các thương hiệu màn hình gập của Trung Quốc, bị ảnh hưởng bởi các sự kiện toàn cầu gần đây, chủ yếu chỉ để mắt đến sân nhà, hạn mở rộng ra nước ngoài. Tuy nhiên, nếu những thương hiệu Trung Quốc xoay trục và đẩy mạnh kế hoạch bán hàng toàn cầu của mình, họ có thể sẽ thúc đẩy quỹ đạo tăng trưởng của thị trường màn hình gập.

Cuộc đua công nghệ, phổ biến điện thoại màn hình gập vẫn chưa có sự tham gia của ông lớn Apple. Cho đến nay, ít nhất, sự đột phá của Apple vào lĩnh vực thiết bị có thể gập lại vẫn còn khá ảm đạm. Sự hạn chế này chắc chắn đã làm giảm sự nhiệt tình của người tiêu dùng đối với thiết bị có thể gập lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, nỗi ám ảnh không ngừng của Apple về trải nghiệm người dùng có thể là thủ phạm. Những thách thức dai dẳng với công nghệ màn hình gập – độ đồng đều của bảng điều khiển và thiết kế bản lề – có thể đang cản trở Apple. Ngoài ra lợi nhuận cũng là lý do khiến Apple chưa tham gia cuộc đua. Được biết, các con số không chính thức chỉ ra rằng Apple có tỷ suất lợi nhuận ít nhất là 50% trên tất cả sản phẩm của họ. Điều đó có nghĩa, nếu một sản phẩm có chi phí sản xuất 100 USD, nó sẽ phải được bán với giá tối thiểu 150 USD.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/dien-thoai-man-hinh-gap-se-duoc-pho-bien-hon-trong-tuong-lai-d215141.html