24 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngĐiện mặt trời kết hợp nông nghiệp và thủy sản đang gặp...

    Điện mặt trời kết hợp nông nghiệp và thủy sản đang gặp nhiều trở ngại

    Date:

    Related stories

    TS Trần Hữu Hiệp, Cố vấn nhóm Đối tác Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng, hàng loạt các văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện việc khuyến khích, ưu đãi đầu tư điện mặt trời (ĐMT) mang tính bó hẹp lại với khái niệm “điện mặt trời mái nhà”. Điều đó đã làm khó, cản trở việc đầu tư hiệu quả, tiết kiệm các dự án đầu tư ĐMT áp mái trường học, kho xưởng, đặc biệt là không thể lồng ghép với nông nghiệp, thủy sản.

    Tiềm năng lớn

    Việt Nam, đặc biệt là khu vực Trung, Nam bộ có thời gian nắng nhiều trong năm với cường độ bức xạ lớn, tiềm năng ĐMT rất lớn. Kể từ năm 2002, sản lượng ĐMT tăng 48%/năm, nghĩa là cứ hai năm lại tăng gấp đôi và đã giúp ngành năng lượng này đạt tốc độ tăng trưởng rất nhanh.

    Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, chỉ trong tháng 7/2020, cả nước đã có 19.810 dự án ĐMT trên mái nhà được lắp đặt với công suất 541,66 MWp, chiếm hơn 50% công suất các dự án ĐMT trên mái nhà lắp đặt từ trước đến nay (925,8 MWp), với tổng số tiền điện EVN đã thanh toán cho khách hàng là 374,2 tỉ đồng.


    Điện mặt trời có cơ hội lớn để phát triển trong ngành nông nghiệp.

    ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản của cả nước, cũng là vùng có tiềm năng to lớn trong bản đồ năng lượng tái tạo quốc gia. Theo nghiên cứu của Tổ chức Phát triển Đức, tiềm năng tổng công suất ĐMT vùng này có thể lên tới 136.275 MW, điện lượng ước tính 216,5 tỉ kWh/năm, nhiều gấp đôi so với 108 tỉ kWh/năm của 14 nhà máy nhiệt điện than dự kiến xây dựng trong vùng.

    Trước đó vào năm 2018, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã triển khai “Nghiên cứu về những mô hình sử dụng năng lượng tái tạo kết hợp tại thành phố Cần Thơ, Việt Nam” với mục tiêu tìm ra ứng dụng hiệu quả nhất để kết hợp sản xuất điện từ nguồn năng lượng mặt trời và sản xuất nông nghiệp trên cùng một quy mô đất.

    Báo cáo nêu rõ, mô hình sử dụng kết hợp ĐMT trong sản xuất nông nghiệp có thể giải quyết xung đột trong sử dụng tài nguyên đất giữa phát triển năng lượng và sản xuất nông nghiệp bằng cách kết hợp cả hai hoạt động này trên cùng một khu vực.

    Ứng dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp mang lại cho nông dân và cộng đồng nhiều lợi ích kinh tế – xã hội như tiết kiệm chi phí năng lượng, tăng thu nhập cho nông dân địa phương nhờ tăng vốn đầu tư và thu thuế, cải thiện cơ hội quảng bá và sức cạnh tranh (hình thành chuỗi cung ứng/ sản xuất bền vững), có thể cải tiến các phương thức sản xuất nông nghiệp, giảm nhu cầu năng lượng (trong thời gian cao điểm), giảm phát thải khí CO2 và phát thải gây nguy hại khác tại địa phương từ các nhà máy nhiệt điện truyền thống và phát triển tổng thể ngành nông nghiệp bền vững hơn, tăng sức cạnh tranh của ngành (ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu).

    Ứng dụng khái niệm này trong nghiên cứu điển hình tại thành phố Cần Thơ cho thấy tiềm năng lớn của việc sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình sử dụng kết hợp được xác định sẽ phù hợp để áp dụng với các loại nông sản và thủy sản là: Lúa, ngô, đậu tương, vừng, rau xanh, sắn/sắn dây, gia súc, cá và tôm.

    Tính cả ứng dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp ở các khu trồng lúa, tiềm năng “thực tế” sẽ tăng lên 7.500 đến 11.300 MWp, tương đương 10,5-16 TWh, sản lượng này vượt xa nhu cầu điện của thành phố, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các vùng khác thuộc ĐBSCL và các tỉnh lân cận.

    Chính sách chưa theo kịp sự phát triển

    Phát biểu tại tọa đàm “Chuyển dịch năng lượng công bằng qua thúc đẩy phát triển các giải pháp ĐMT kết hợp nông nghiệp và điện nổi” trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020, ông Nguyễn Ngọc Huy, Cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu Oxfam tại Việt Nam cho hay, tôm là một trong bốn sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, sản phẩm tôm được xuất khẩu đi khoảng 164 quốc gia trên thế giới.

    Mô hình sử dụng kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp được xác định là có rất nhiều lợi thế.

    Diện tích quy hoạch nuôi tôm đến năm 2020 của 10 tỉnh phía Nam là 651.266 ha và lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 30% so với năm 2017. Với những tiềm năng này, đây được xem là cơ hội cho ĐMT phát triển.

    Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Huy, hiện nay khó khăn đối với phát triển ĐMT trong nuôi tôm vẫn là nguồn vốn. Lãi suất ngân hàng lên đến 13% (theo thông tin từ ngân hàng HD Bank) thì quá cao và như vậy thời gian thu hồi vốn sẽ dài. Dự tính của các công ty năng lượng mặt trời và ngân hàng là khoảng 7 năm người dân có thể trả cả gốc lẫn lãi nếu được hòa lưới bán điện cho nhà nước và từ đó có thể sử dụng hệ thống ĐMT miễn phí với chi phí bảo trì thấp. Tuy nhiên, người dân còn nghi ngờ về tuổi thọ của hệ thống điện năng lượng mặt trời. Nếu sau 7 năm hệ thống đó hỏng, người dân sẽ chịu hậu quả là người dọn rác.

    Mặt khác, thiếu chính sách, hướng dẫn về ĐMT kết hợp đang là rào cản đối với người nuôi tôm. Để phù hợp với tiêu chí điện áp mái thì người nuôi tôm phải đầu tư thêm chi phí làm mái. Để phù hợp với điện FARM thì người nuôi tôm phải làm các thủ tục đăng ký phức tạp như những nhà máy điện công suất cao.

    Nói về những rào cản đối với phát triển ĐMT kết hợp nông nghiệp, thủy sản, TS.Trần Hữu Hiệp, Cố vấn nhóm Đối tác ĐBSCL đánh giá, dù thừa nhận hàng loạt chính sách phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua đã có sự bứt phá mạnh mẽ, nhưng so với sự phát triển rất nhanh của công nghệ, nhu cầu đầu tư và sử dụng ĐMT thì chính sách chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng mang tính bùng nổ của ĐMT trong 2 năm qua.

    Theo TS Trần Hữu Hiệp, có thể xuất phát từ nền tảng nhận thức, nhưng đang có sự chồng chéo trong quy định của các văn bản, dẫn đến cách hiểu và thực thi chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư ĐMT; không loại trừ việc lợi dụng sự nhập nhằng của quy định và nhũng nhiễu nhà đầu tư, cản trở việc lồng ghép “phát triển kép, đạt lợi ích kép”.

    “Trong khi Nghị quyết số 55-NQ/TW6 mang tính định hướng và thông thoáng “Khuyến khích phát triển ĐMT áp mái và trên mặt nước”, thì hàng loạt các văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện việc khuyến khích, ưu đãi đầu tư ĐMT mang tính bó hẹp lại với khái niệm “điện mặt trời mái nhà”. Điều đó đã cản trở, làm khó, ngăn cản đầu tư hiệu quả, tiết kiệm các dự án đầu tư ĐMT áp mái trường học, kho xưởng, đặc biệt là không thể lồng ghép với nông nghiệp, thủy sản. Đối với các dự án ĐMT trên mặt nước (nuôi thủy sản) và mặt đất (sản xuất nông nghiệp), đầu tư lồng ghép “mục tiêu kép” của các trang trại càng khó thực hiện hơn” – Cố vấn nhóm Đối tác ĐBSCL thẳng thắn cho hay.

    Đồng thời, vị cố vấn cũng cho biết: “Thực tế này đang vướng mắc ở An Giang, nhiều địa phương tại ĐBSCL và các nơi. Ngoài ra, đã có hiện tượng “né thủ tục quy hoạch” khi chọn quy mô dự án ĐMT dưới 1MW. Những quy định liên quan đất đai, mục đích sử dụng đất không có quy định cho phép sử dụng đất nông nghiệp, thủy sản cho sản xuất điện”.

    Rõ ràng, mô hình sử dụng kết hợp ĐMT trong sản xuất nông nghiệp được xác định là có rất nhiều lợi thế, ngoài việc giúp người dân tiết kiệm chi phí còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến một ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Thế nhưng, mô hình này thực tế lại đang gặp nhiều rào cản, phần nhiều vẫn đến từ cơ chế chính sách. Mong rằng thời gian tới, bằng sự nỗ lực của địa phương, các bộ ngành liên quan, các tổ chức về phát triển bền vững sẽ sớm có những giải pháp để đưa mô hình này được phát triển và nhân rộng trên thực tế.

    Minh Lê
    https://petrotimes.vn/dien-mat-troi-ket-hop-nong-nghiep-va-thuy-san-dang-gap-nhieu-tro-ngai-576916.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img