Theo dự thảo mới của Bộ Công Thương, giá bán điện mặt trời áp dụng sau ngày 30/6/2019 sẽ theo 4 vùng bức xạ (theo địa lý) và theo 4 loại hình sản xuất (điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất, dự án tích hợp hệ thống lưu trữ và điện mặt trời áp mái).  

Trong đó, giá bán điện cho hình thức điện mặt trời áp mái đang là cao nhất. So với mức giá “cào bằng” 9,35 cent/kWh (2.134 đồng chưa VAT), cách thức này tạo hấp dẫn cho những dự án đặt tại khu vực bức xạ thấp. Cùng đó là phân tán bớt dự án tại những vùng bức xạ cao như Bình Thuận, Ninh Thuận.

Theo ông Mai Văn Trung – Giám đốc Phát triển Kinh doanh Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách khoa (SolarBK), một khi áp dụng, giá bán áp dụng cho điện mặt trời áp mái theo dự thảo trên vẫn cao hơn giá bán điện của các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhất là Thái Lan và Malaysia vốn tương đồng về điều kiện khí hậu, chi phí nhân công. Đây cũng là 2 nước có chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời từ sớm so với Việt Nam và đang đi vào giai đoạn ổn định về giá bán điện. Thêm vào đó, giá điện ở nước ta vừa chính thức tăng thêm 8,36% vào cuối tháng 3 này. Vì vậy, xét tình hình thực tế, cơ hội phát triển cho thị trường điện mặt trời Việt Nam còn rất lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào thị trường.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về điện mặt trời áp mái.

Với việc hoàn thiện chuỗi tích hợp dọc từ sản xuất, công nghệ, thiết kế kỹ thuật, tài chính đến thi công, vận hành và bảo trì, hiện nay SolarBK có thể tối ưu được chi phí trong từng thành phần của chuỗi với chất lượng đồng bộ, từ đó đưa ra được giải pháp điện mặt trời áp mái tốt nhất cho khách hàng xét trên phương diện đầu tư. SolarBK hiện được xem là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất hoàn thiện được chuỗi tích hợp dọc về lĩnh vực điện mặt trời và trở thành đối trọng của các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tại Việt Nam.

Bên cạnh hình thức khách hàng đầu tư trực tiếp, SolarBK hiện có thêm hình thức cùng đầu tư theo dạng dự án ESCO, do Solar ESCO – một thành viên trong chuỗi tích hợp dọc của SolarBK phụ trách triển khai. Solar ESCO là giải pháp tài chính dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện năng lượng mặt trời với hình thức thanh toán linh hoạt. Khi đáp ứng được một số tiêu chí, doanh nghiệp sẽ được đầu tư một phần hoặc toàn bộ hệ thống tùy theo thỏa thuận (bao gồm lắp đặt, vận hành, cơ sở hạ tầng và quản lý rủi ro). Đối tượng tiếp cận chủ yếu của mô hình này là các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có lượng tiêu thụ điện năng mỗi năm tương đối lớn. Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ không mất chi phí đầu tư ban đầu, và được sở hữu hệ thống điện mặt trời sau thời gian kết thúc hợp đồng.


Ông Mai Văn Trung, Giám đốc phát triển kinh doanh SolarBK chia sẻ nhận định về phát triển điện mặt trời áp mái ở Việt Nam.

Để giúp thị trường điện mặt trời phát triển và mô hình ESCO hoạt động hiệu quả, ông Mai Văn Trung cho rằng, cần sự chung tay tài trợ của các định chế tài chính (ngân hàng, bảo hiểm). Thực tế, trước đây đa số ngân hàng còn e dè trong việc cấp vốn đầu tư cho các doanh nghiệp. Nhưng với sự mở rộng của thị trường và các chính sách ngày càng hoàn thiện, cùng những khuyến khích kêu gọi chung tay đầu tư, tạo đòn bẩy, các ngân hàng đã vào cuộc, giúp thị trường điện mặt trời giàu tiềm năng thêm tăng trưởng. Bên cạnh đó, các tổ chức bảo hiểm cũng là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp tin tưởng hơn vào việc phát triển điện mặt trời. Hiện tại, trên thị trường ghi nhận ngân hàng HD Bank có hỗ trợ cho khách hàng doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời áp mái. SolarBK cũng đang làm việc với phía công ty bảo hiểm BIDV (BIC) để bảo hiểm cho các dự án do phía công ty này triển khai.

Các chuyên gia nhận định, tiềm năng của điện mặt trời Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị vững chắc và sự chung tay của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh trên sân nhà khi các doanh nghiệp nước ngoài vốn thừa kinh nghiệm đi trước cũng như tiềm lực tài chính trong lĩnh vực này.

Theo Mai Phương/petrotimes.vn (10/4/2019)