Bộ Y tế vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, với hàng loạt điều chỉnh nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi và thực phẩm bổ sung. Đây là động thái được đánh giá là cần thiết trong bối cảnh thị trường thực phẩm chức năng, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe ngày càng phát triển nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở về quản lý.
Theo dự thảo, thay vì để doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm như quy định hiện hành, Bộ Y tế đề xuất yêu cầu bắt buộc đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu thông, đối với các nhóm thực phẩm đặc biệt như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi và thực phẩm bổ sung. Các sản phẩm này sẽ được kiểm soát từ giai đoạn nghiên cứu phát triển, bao gồm đánh giá thành phần, chỉ tiêu an toàn, công dụng… nhằm loại bỏ rủi ro từ sớm, hạn chế tối đa thông tin sai lệch gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Đề xuất siết chặt kiểm soát thực phẩm bảo vệ sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, các cơ sở sản xuất nhóm thực phẩm đặc biệt này phải đạt chuẩn quốc tế như HACCP, GMP, ISO 22000 hoặc tương đương, thay vì chỉ đáp ứng điều kiện an toàn chung như trước đây. Đây là bước nâng tiêu chuẩn nhằm bảo đảm chất lượng ở mức cao, tiệm cận với cách làm của Liên minh châu Âu và các quốc gia phát triển.
Thực tế thời gian qua cho thấy không ít doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở trong quy định để phân loại sản phẩm sai lệch. Theo Nghị định 15 hiện hành, thực phẩm bổ sung được xếp chung với nhóm thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn nên chỉ cần tự công bố, không cần đăng ký bản công bố sản phẩm. Lợi dụng điều này, nhiều doanh nghiệp đã “biến” thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành thực phẩm bổ sung để né kiểm tra quảng cáo, thậm chí đưa thông tin sai lệch về công dụng.
Dự thảo mới yêu cầu thực phẩm bổ sung cũng phải đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu thông, đồng thời kiểm soát chặt nội dung quảng cáo. Bộ Y tế khẳng định việc này nhằm tăng tính minh bạch, bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng “loạn” thông tin như hiện nay.
Ngoài ra, trong khi hiện tại doanh nghiệp chỉ cần nộp phiếu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thì theo đề xuất mới, phải bổ sung cả kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng. Điều này giúp ngăn chặn gian lận trong sản xuất và đảm bảo sản phẩm bán ra đúng như công bố.
Tăng quyền kiểm soát cho cơ quan chức năng
Dự thảo bổ sung nhiều quyền cho cơ quan quản lý. Theo đó, nếu phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng có thể: Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy công bố sản phẩm. Yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai lệch đã đăng tải. Tạm dừng tiếp nhận hồ sơ hành chính cho đến khi doanh nghiệp chấp hành quyết định xử phạt.
Đây là những biện pháp chưa từng có trong Nghị định 15 trước đây, được kỳ vọng sẽ xử lý triệt để những doanh nghiệp vi phạm nhưng chây ì, không khắc phục hậu quả.
Một điểm mới đáng chú ý là Bộ Y tế yêu cầu tăng cường hậu kiểm thông qua: Lập kế hoạch hậu kiểm định kỳ và đột xuất; Cho phép cơ sở kiểm nghiệm chủ động lấy mẫu; Kết nối dữ liệu giữa Bộ Y tế, các bộ ngành và địa phương thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia để quản lý xuyên suốt.
Riêng với thực phẩm, nguyên liệu vốn sản xuất để xuất khẩu nhưng sau đó tiêu thụ nội địa, dự thảo quy định rõ phải đáp ứng đầy đủ điều kiện như sản phẩm nội địa. Trước đây, do chưa có quy định riêng nên xảy ra tình trạng hàng xuất khẩu không đạt chuẩn trong nước vẫn được đưa ra thị trường tiêu dùng.
Với thực phẩm nhập khẩu, Bộ Y tế cũng phân định rõ các hình thức kiểm tra như kiểm tra hồ sơ, cảm quan, lấy mẫu; đồng thời quy định cụ thể các trường hợp được miễn kiểm, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.
Kiểm soát chặt quảng cáo và người nổi tiếng tiếp tay
Không dừng lại ở sản phẩm, Bộ Y tế đề xuất siết chặt giám sát hoạt động quảng cáo, đặc biệt là đối với doanh nghiệp phát hành quảng cáo, người truyền tải nội dung và các nhân vật có tầm ảnh hưởng (KOLs).
Theo đó, dự thảo yêu cầu công khai mối quan hệ tài trợ giữa người quảng cáo và doanh nghiệp, nhằm minh bạch hóa thông tin và tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong quảng cáo thực phẩm, hướng tới môi trường truyền thông lành mạnh, có trách nhiệm.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 15 lần này cho thấy nỗ lực rõ rệt của Bộ Y tế trong siết chặt quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe, một lĩnh vực vốn đang phát triển nhanh nhưng còn nhiều “lỗ hổng” trong quản lý. Nếu được thông qua và thực thi nghiêm túc, những thay đổi này sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân và tạo ra sân chơi công bằng, minh bạch hơn cho doanh nghiệp chân chính.
Theo Cẩm Anh
https://vietq.vn/de-xuat-siet-chat-kiem-soat-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-tang-giam-sat-giam-ke-ho-d234893.html