Chăm sóc trẻ trong những tháng năm đầu đời rất quan trọng đối với sức khỏe sau này. Các bố mẹ hãy đặc biệt để tâm để bổ sung vitamin và khoáng chất kịp thời cho con.

Vitamin và khoáng chất là những vi chất dinh dưỡng quan trọng với mỗi người. Chỉ với một lượng rất nhỏ, những vi chất này lại tham gia vào rất nhiều các phản ứng sinh hóa khác nhau trong cơ thể. Chính vì vậy, khi thiếu hụt các vitamin và khoáng chất, các dấu hiệu thường rất rõ rệt, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Các mẹ hãy theo dõi con trẻ để bổ sung kịp thời, giúp con khỏe mạnh, phát triển toàn diện.

Thiếu kẽm


Trẻ biếng ăn khi thiếu kẽm. Ảnh minh họa

Có thể phát hiện trẻ bị thiếu kẽm thông qua một số biểu hiện như trẻ ăn không ngon, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, tổn thương vùng da và mắt, chậm phát triển… Thiếu kẽm ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác, do đó trẻ thiếu kẽm không có cảm giác ngon miệng khi ăn.

Về lâu dài, thiếu kẽm ở trẻ sẽ gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, chậm lớn. Khi trẻ bị thiếu kẽm sẽ tác động tiêu cực tới việc phát triển chiều cao, thể chất, hệ thần kinh và hệ miễn dịch của trẻ. Chưa kể, nếu cơ thể trẻ không đáp ứng đủ nhu cầu kẽm sẽ dẫn đến thấp còi, giảm chức năng của hầu hết tế bào miễn dịch, nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong cao.

Thiếu sắt

Trẻ thiếu sắt sẽ có biểu hiện trên da và niêm mạc như da tái, da xanh, niêm mạc nhợt; móng tay, móng chân mỏng; lưỡi khô, dễ bị sung viêm. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, khiến trẻ mệt mỏi, hay ngáp vặt, buồn ngủ, học tập thiếu tập trung, dễ cáu gắt.

Thiếu Vitamin D

Khi thiếu Vitamin D, trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không yên giấc, ngủ hay giật mình do thần kinh bị kích thích. Nhiều trẻ ra nhiều mồ hôi về ban đêm, ngay cả khi trời lạnh (mồ hôi trộm). Ngoài ra, trẻ bị rụng tóc ở vùng gáy (dấu hiệu chiếu liếm).

Thiếu vitamin A

Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, kém ăn, chậm lớn, da khô, tóc dễ rụng, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, viêm phế quản, viêm mũi họng,…

Mắt bị ảnh hưởng rất lớn nếu trẻ thiếu vitamin A, từ nhẹ đến nặng. Quáng gà là triệu chứng sớm nhất, với biểu hiện trẻ hay bị vấp ngã, đi quờ quạng khi chiều tối. Khô kết mạc là hiện tượng trẻ hay chớp mắt, lim dim, thường cả hai mắt, kết mạc bị xù xì, vàng, nhăn nheo, trên lòng trắng xuất hiện những đám bọt xốp màu trắng như bọt xà phòng, không thấy rõ các mạch máu. Trẻ bị khô giác mạc có các biểu hiện sợ ánh sáng, chói mắt, hay nheo mắt.

Thiếu vitamin B

Trẻ lơ mơ khó tập trung khi thiếu vitamin B1 do chất này cần thiết để biến đổi chất đường để tạo ra năng lượng cho não bộ; hay vã mồ hôi khi phải tập trung vào trang sách, vào màn hình máy vi tính vì thiếu vitamin B2, chất cần thiết để bảo vệ thị giác; hay đau đầu sau khi ngồi học vài giờ vì thiếu vitamin B3 nên mạch máu trong não bộ co thắt bất ngờ. Ngoài ra, trẻ còn dễ xúc động khi phải lên bảng, khi thầy cô hỏi bài vì thiếu vitamin B6, loại vitamin cần thiết để ổn định dẫn truyền thần kinh.

Thiếu vitamin C

Biểu hiện sớm nhất của thiếu vitamin C là viêm nướu, chảy máu chân răng, xuất huyết dạng điểm dưới da. Tình trạng thiếu vitamin C kéo dài sẽ dẫn đến giai đoạn toàn phát của bệnh Scurvy với các biểu hiện như: Xuất huyết nhiều nơi: chảy máu cam, mảng xuất huyết dưới da, khối máu tụ trong mô; thiếu máu; da đỏ, nâu, khô; vết thương nhỏ khó lành…

Thiếu vitamin C rất hiếm gặp ở trẻ em, trừ khi bị kém hấp thu đường ruột, trẻ em bị suy dinh dưỡng, chế độ ăn uống không khoa học.

Thu Phương (T/h)

https://vietq.vn/dau-hieu-cho-thay-tre-can-duoc-bo-sung-vitamin-va-khoang-chat-d196941.html