Đan Mạch đang xúc tiến dự án Greensands, một sáng kiến thu giữ và hóa lỏng lượng khí thải carbon công nghiệp trên đất liền, sau đó vận chuyển đến một giàn khoan dầu ở Biển Bắc và bơm xuống các bể sa thạch từng chứa dầu và khí đốt.
Carbon công nghiệp sẽ được thu giữ và hóa lỏng, sau đó vận chuyển ra biển và bơm đầy các mỏ dầu cũ. Ảnh: Semco
Sau khi được trao khoản tài trợ đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử Đan Mạch vào tháng 12/2021 – khoảng 26 triệu Euro (27 triệu USD) – Ineos Energy – công ty đứng vai Trưởng dự án đã mời tư vấn kỹ thuật đến từ Vương quốc Anh để tiến hành các nghiên cứu sàng lọc về Chuỗi giá trị thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) từ các địa điểm khai thác, hóa lỏng trên bờ, lưu trữ trên bờ, vận chuyển và cô lập ngoài khơi.
Theo đó, dự án sẽ tái sử dụng giàn khoan dầu Nini A, cách bờ biển Đan Mạch khoảng 200km ở Biển Bắc, đảo ngược dòng chảy trước đó để bơm CO2 hóa lỏng ở độ sâu 1.800m dưới đáy biển. Tại đây, CO2 sẽ bắt đầu làm đầy lại bể sa thạch Paleocene, nơi đã chứa dầu và khí đốt trong 20 triệu năm qua và được xác định là một địa điểm tuyệt vời để cô lập carbon.
Giàn khoan dầu Nini 2 ở Biển Bắc hiện đang chạy ngược lại, bơm CO2 xuống một bể chứa dầu gần như đã cạn kiệt bên dưới. Ảnh: Ineos
Đan Mạch có kế hoạch bắt đầu cô lập carbon ở đây với tốc độ 1,5 triệu tấn một năm vào năm 2025, từ năm 2030 sẽ tăng lên 8 triệu tấn một năm, tương đương hơn 13% lượng khí thải hiện tại của đất nước. Tuy nhiên, hiện việc vận chuyển carbon vẫn phải sử dùng tàu.
Trang web của dự án tuyên bố có đủ không gian trong bể chứa duy nhất này để lưu trữ tất cả lượng carbon mà Đan Mạch đã từng tạo ra trong lịch sử và có đủ tiềm năng cô lập trong lòng đất của Đan Mạch để chứa lượng khí thải trị giá 500 năm với tốc độ ngày nay.
Để giải bài toán khí thải CO2, rất nhiều phương án lưu giữ CO2 khác nhau đã được nhiều nước thử nghiệm. Trong đó có phương pháp bơm CO2 vào các bể dầu khí.
Các bể chứa dầu đã khai thác hoặc bị bỏ hoang được xem là những điểm lưu trữ CO2 đầy tiềm năng vì nhiều lý do. Thứ nhất, lượng dầu khí ban đầu đã không thoát ra được trong hàng triệu năm, chứng tỏ cấu trúc kín khít hoàn hảo của các bể chứa. Thứ hai, các khảo sát khai thác dầu đã cung cấp đặc điểm địa chất của các bể chứa và các mô hình máy tính giúp khảo sát sự vận động của hydrocarbon trong bể chứa có thể áp dụng cho việc bơm CO2 sau này. Cuối cùng, hoàn toàn có thể tận dụng cơ sở hạ tầng khai thác dầu khí để tiến hành lưu trữ CO2.
H.T
https://petrotimes.vn/dan-mach-luu-tru-carbon-so-luong-lon-trong-mo-dau-cu-672742.html