AFP ngày 31/3/2021 đưa tin thế giới đang chứng kiến một cuộc chạy đua sản xuất hydrogen không dùng năng lượng hóa thạch. Pin nhiên liệu hydrogen có thể giải quyết vấn đề sạc pin cho xe điện.
Sử dụng Pin nhiên liệu và năng lượng Hydrogen. Nguồn: US Fuel Cell Council.
Hydrogen không xả khí thải trong quá trình đốt cháy và sản xuất có thể giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm trong công nghiệp nặng, cân bằng các-bon; tuy nhiên, các nước cũng đối mặt với những thách thức kỹ thuật trong sản xuất hydrogen không có khí thải, trong việc phát triển nhu cầu về loại nhiên liệu này và xây dựng cơ sở hạ tầng chuyên chở hydrogen.
Các nước giàu có trên thế giới đang đưa ra các chiến lược và kế hoạch đầu tư khác nhau cho việc sản xuất hydrogen xanh, từ sử dụng điện, trong đó có sử dụng điện hạt nhân, cho tới năng lượng tái tạo mặt trời và gió. Một số nước có kế hoạch sản xuất hydrogen “xanh lá cây” từ khí tự nhiên (hydrogen xám), hoặc hydrogen “xanh da trời”, thu giữ khí các-bon phát sinh trong quá trình sản xuất.
Gero Farruggio, đồng sáng lập bộ phận nghiên cứu và phân tích năng lượng bền vững trong Trung tâm nghiên cứu năng lượng Rystad, cho biết trong số 76 dự án sản xuất 76 Gigawatts mà họ nghiên cứu, có tới 40 dự án được công bố trong năm 2020, và gọi đó là “những cuộc chiến tranh hydrogen”. Chính phủ các nước đang chạy đua đưa ra những biện pháp thúc đẩy thị trường nội địa và xuất khẩu hydrogen xanh lá cây, nỗ lực thu hút hàng tỷ USD dự kiến đầu tư trong những năm tới.
Mỹ đã có một lộ trình hydrogen. Đức dự kiến đầu tư 9 tỷ Euro (10,6 tỷ USD); đối với Pháp và Bồ Đào Nha, mỗi nước có kế hoạch đầu tư 7 tỷ Euro. Theo công ty tư vấn Accenture, Anh có kế hoạch chi 12 tỷ bảng Anh (16,6 tỷ USD), Nhật là 3 tỷ USD và Trung Quốc là 16 tỷ USD để “xanh hóa” các ngành công nghiệp của mình.
Rystad cho rằng Châu Á đang vượt trội. Với nhu cầu năng lượng to lớn và phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, các nước công nghiệp lớn ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang nỗ lực phát triển hydrogen xanh. Trung Quốc phát triển mô hình sản xuất hydrogen dựa vào điện năng, trong đó có các nhà máy điện hạt nhân. Rystad cho rằng Trung Quốc mong muốn phi các-bon nền kinh tế và có khả năng cắt giảm chi phí sản xuất nên có thể sẽ vượt trội trong việc sản xuất bình điện phân. Trung Quốc cũng có ưu thế trong công nghệ pin và năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, châu Âu không từ bỏ nỗ lực. Châu Âu mong muốn phát triển loại nhiên liệu mới và còn đắt này. Đức đang dẫn đầu trong việc sử dụng hydrogen trong vận tải; Pháp đang dẫn đầu trong sản xuất, trong khi Hà Lan có cơ sở hạ tầng khí tốt nhờ những mỏ khí tự nhiên của mình. EU hướng tới mục tiêu thúc đẩy thị phần hydrogen trong nguồn cung năng lượng của mình từ 2% hiện nay lên 12-14% vào năm 2050 và đang khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu chiến lược của Pháp bày tỏ lo ngại, châu Âu có thể phải trả giá vì thiếu một chiến lược năng lượng toàn cầu, như vậy, hydrogen có nguy cơ chỉ là một “dự án thú cưng” nhất thời.
Những con đường năng lượng mới: Hydrogen có thể lên bản đồ năng lượng thế giới với những liên minh và sự phụ thuộc lẫn nhau đang bắt đầu hình thành. Đức đang tiếp cận Morocco để dùng năng lượng mặt trời để sản xuất hydrogen. Các dự án Nhện Xanh và Flamingo Xanh đang phát triển những đường cao tốc trên biển cho hydrogen và đường ống dẫn khí nối Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với Bắc Âu.
Theo ý kiến các chuyên gia, việc tạo ra những chuỗi logistics mới như vậy sẽ cho phép nhập khẩu năng lượng mặt trời từ Sa mạc Sahara hay Chile, những nơi có nhiều năng lượng mặt trời. Vấn đề chỉ là thời gian, trong thập kỷ tới sẽ biết liệu việc phát triển hydrogen sẽ dẫn đến một mô hình phi tập trung hóa hay là một mô hình quan hệ phụ thuộc mới, như quan hệ giữa các nước xuất khẩu và tiêu thụ dầu hiện nay./.
Thanh Bình
https://petrotimes.vn/cuoc-chay-dua-toan-cau-phat-trien-hydrogen-xanh-la-cay-606192.html