Chuyên gia cho rằng, việc sớm có khung pháp lý để quản lý chỉnh sửa gen sẽ giúp phát huy lợi ích từ công nghệ này trong việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Chỉnh sửa gen khác gì so với biến đổi gen?
Công nghệ chỉnh sửa gen (Gen Editing) đã được nghiên cứu, phát triển trong hơn một thập kỷ qua cho phép các nhà khoa học “chỉnh sửa” bộ gen của cây trồng để tạo ra các tính trạng mong muốn và đã chứng minh có khả năng cải tiến giống cây trồng mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, giúp nâng cao giá trị thương mại và cải tiến các tính trạng tiêu dùng.
Nói về sự khác nhau của công nghệ mới là chỉnh sửa gen so với công nghệ biến đổi gen (GMO), ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam cho biết, công nghệ chỉnh sửa gen dựa trên nền tảng của công nghệ tế bào, sử dụng các gen mục tiêu, ADN thông tin để đưa gen vào để chỉnh sửa những đoạn gen bất lợi, không phù hợp với mục tiêu, các gen này trong cùng một loài chứ không sử dụng gen khác loài.
Trong khi đó, GMO là sinh vật biến đổi gen cải thiện trên cơ sở đưa gen khác loài vào đối tượng mà mình mong muốn, ví dụ như là cải tạo một tính trạng nào đấy thì ta phải lợi dụng 1 loại vi sinh vật để đưa một gen như gen kháng thuốc trừ cỏ, gen kháng sâu đục thân… vào cây ngô thông qua một loại sinh vật khác loài. Mục tiêu chung vẫn là cải tạo chuỗi ADN trong sinh vật cây trồng. Sự khác nhau là biến đổi gen GMO thì cần đến sinh vật khác loài còn chỉnh sửa gen không dùng đến phương tiện đó.
“Chỉnh sửa gen là công nghệ mới phát triển. Các nhà khoa học cần có đánh giá sâu hơn về các tác động tới an toàn sinh học, an toàn về dinh dưỡng để có thể có báo cáo toàn diện về chỉnh sửa gen, phục vụ được công tác quản lý”, ông Trần Xuân Định nói.
Lý giải thêm về chỉnh sửa gen, GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, công nghệ chỉnh sửa gen có hai điểm khác với công nghệ biến đổi gen lớn nhất hiện nay. Một là, thay vì dùng gen ngoại lai chuyển vào nó dùng gen của chính bản thân nó đưa vào. Hai là, nó có thể một lúc chỉnh sửa rất nhiều gen, phân tử nó tìm kiếm vùng đích, mục tiêu đa dạng. Nó an toàn hơn rất nhiều, nó lấy của nó sửa lại của nó đưa vào cho chính nó. Đây là kết quả của rất nhiều công nghệ nghiên cứu. Công nghệ đầu tiên là công nghệ của kỷ nghiên NGS – giải trình tự thế hệ mới.
Về minh chứng thực tiễn cho lợi ích của công nghệ chỉnh sửa gen, GS.TS. Hiroshi Ezura, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đổi mới cây trồng Tsukuba (Nhật Bản) đã giới thiệu về giống cà chua của Nhật Bản được chọn, tạo bằng công nghệ chỉnh sửa gen đã có sự cải thiện về chất lượng dinh dưỡng và hàm lượng GABA cao.
GABA (axit Gamma Amino Butyric) là một loại axit amin tự nhiên hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh, giúp tạo cảm giác thư thái, làm dịu sự căng thẳng và sợ hãi, đồng thời cải thiện giấc ngủ. GABA đã trở thành sản phẩm thực phẩm chức năng phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên GABA không có sẵn từ nhiều nguồn thực phẩm tự nhiên. Chính vì vậy, việc tạo ra giống cà chua mới có hàm lượng GABA tăng cao nhờ kỹ thuật chỉnh sửa gen là một thành tựu lớn, và giống cà chua này sắp tới sẽ được phát triển đại trà tại Nhật Bản.
Ảnh minh họa.
Nhiều quốc gia chấp thuận công nghệ chỉnh sửa gen
Theo ông Trần Trọng Chiến, đại diện Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ (USGC), công nghệ chọn giống cây trồng tiên tiến dựa trên chỉnh sửa gen được phân loại là một dạng công nghệ sinh học và hiện công nghệ đang ngày càng được chấp nhận và phát triển trên toàn thế giới. Đây cũng là kỹ thuật mới được sử dụng bởi các nhà chọn giống cây trồng và nhà nghiên cứu để cải thiện chất lượng các giống cây trồng. Đây là một công cụ được tạo ra với mục đích đặc biệt là cho phép các nhà khoa học “chỉnh sửa” bộ gen của cây trồng để tạo ra các tính trạng mong muốn.
Hiện nay, một số quốc gia đã xếp công nghệ này và các sản phẩm của nó vào cùng nhóm các công nghệ và cây trồng/sản phẩm thông thường khác (Hoa Kỳ, Argentina, Nhật Bản và Chile). Ở Việt Nam, các ứng dụng về chỉnh sửa gen vẫn còn hạn chế nhưng đang càng ngày càng được các nhà khoa học quan tâm. Hiện tại, Việt Nam cũng chưa có chính sách nào đề cập đến công nghệ chỉnh sửa gen.
Tiềm năng phát triển công nghệ chỉnh sửa gen tại Việt Nam
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/2005/QĐ-TOT về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW và giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện “Chương trình trọng điểm về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”.
Mục tiêu của chương trình là phát triển công nghệ sinh học hiện đại, tập trung vào công nghệ gen để đưa một số giống cây trồng mới vào sản xuất. Đây được xem là tiền đề cho việc thực hiện một số dự án nghiên cứu chỉnh sửa gen, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
Tại Việt Nam năm 2017, dự án ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen đầu tiên đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cấp kinh phí thực hiện với mục tiêu sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen để phát triển giống lúa Bắc thơm 7 kháng bệnh bạc lá và giống lúa OM5451 có mùi thơm.
Cùng với đó, đã có 2 nhóm nghiên cứu độc lập của Viện Di truyền Nông nghiệp đã lần đầu tiên sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen như một công cụ để xác định và nghiên cứu đặc điểm của một số gen mới liên quan đến sự hình thành cấu trúc bông lúa và phát triển bộ rễ ở lúa.
Theo GS. TS Bùi Chí Bửu, về mặt khoa học, chỉnh sửa gen an toàn hơn biến đổi gen rất nhiều. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là hiện Việt Nam chưa có luật, văn kiện luật pháp bảo đảm trong khi triển vọng đối với công nghệ chỉnh sửa gen rất tiềm năng.
“Các kết quả đạt được do chỉnh sửa gen mang lại so với biến đổi gen tốt hơn rất nhiều. Sàng lọc di truyền làm rất tốt, do vậy rủi ro cho sức khỏe của người dân cũng được giảm thiểu. Trong khi nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan đã đưa vào luật, và áp dụng trong sàng lọc di truyền”, GS. TS Bùi Chí Bửu đưa ra ý kiến.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam nhấn mạnh, chỉnh sửa gen là lĩnh vực mới ở Việt Nam và hiện chưa có qui định quản lý về chỉnh sửa gen. Công nghệ chỉnh sửa gen sẽ là nền tảng quan trọng để khai thác được tiềm năng tối đa trong việc cải thiện chất lượng và năng suất của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần xây dựng những quy định quản lý chỉnh sửa gen trong tương lai gần.
Chính phủ Việt Nam cũng nên tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ các định nghĩa và tiêu chuẩn trong khung quy định pháp lý hiện hành để việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen không bị kiểm soát một cách bất hợp lý, tạo điều kiện để công nghệ này được phát triển tại Việt Nam.
GS. TS. Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết, hiện Hoa Kỳ và một số quốc gia khác đã xác định, giống cây trồng mới tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gen không khác biệt về mặt di truyền với giống cây trồng tạo ra bằng các kỹ thuật, công nghệ truyền thống nên không cần thiết phải ban hành văn bản quản lý mới về công nghệ chỉnh sửa gen và sản phẩm tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gen.
Các nước như Australia, Ấn Độ cũng dự kiến đưa ra quy định quản lý sản phẩm tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gen chứa gen ngoại lai tương tự sản phẩm biến đổi gen, các sản phẩm khác không chứa gen ngoại lai được quản lý tương tự sản phẩm tạo ra từ công nghệ chọn tạo giống cây trồng truyền thống.
Trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) coi giống cây trồng tạo ra bằng công nghệ chỉnh sửa gen là cây trồng biến đổi gen và đang giao Cục An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) đánh giá mức độ tương thích của các phương pháp đánh giá rủi ro hiện có với những sản phẩm tạo ra bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen. Nhiều quốc gia khác đang trong quá trình xây dựng chính sách và hướng dẫn quản lý cây trồng chỉnh sửa gen và sản phẩm tạo ra.
Bảo Lâm
http://vietq.vn/cong-nghe-chinh-sua-gen-giai-phap-tuong-lai-giup-nang-cao-nang-suat-chat-luong-nong-san-viet-d176431.html