Các chuyên gia đến từ Hàn Quốc vừa giới thiệu một công nghệ xử lý được nhiều loại nước thải bị ô nhiễm nặng nhưng chi phí lại giảm gần một nửa.
Sáng 10-4, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM đã tổ chức hội thảo Công nghệ tách nước thải thông minh và công nghệ sấy khô bùn của Hàn Quốc để nghe chuyên gia nước ngoài trình bày về một công nghệ xử lý nước thải mới.
TS. Hee Dong Bae, đại diện đơn vị cung cấp công nghệ cho biết ưu điểm của công nghệ mới này đó là chi phí vận hành thấp hơn cách xử lý nước thải truyền thống mà chất lượng nước đầu ra lại tốt hơn. Theo đó, chi phí xây dựng giảm từ 30-50% còn chi phí vận hành giảm từ 40-45% phù hợp với nhiều công trình khác nhau từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước từ các hồ nuôi cá cho đến mỏ quặng. Do nước thải qua hệ thống tách thông minh nên không cần diện tích mặt bằng quá lớn để làm các bể lắng theo cách xử lý thông thường.
Bên cạnh đó, bùn thải lắng từ hoạt động xử lý nước sẽ được xử lý hết các độc tố và làm khô để tái sử dụng cho các mục đích khác chứ không phải mang đi chôn lấp như hiện nay nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển, chôn lấp.
Về nhân lực vận hành hệ thống xử lý cũng được tối giản do công nghệ này tự động hóa ở nhiều khâu. Các doanh nghiệp có nhu cầu áp dụng công nghệ này sẽ được đơn vị cung cấp chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ sư vận hành và bảo trì, bảo dưỡng. TS. Hee Dong Bae cho biết thêm tuổi thọ của công nghệ này lên đến 50 năm.
Nước thải sau xử lý đạt chuẩn đầu ra tốt hơn cách xử lý truyền thống.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp, đại diện các khu công nghiệp cũng đặt các câu hỏi về công nghệ này có xử lý được nước nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu hay không và chi phí xử lý một mét khối nước thải là bao nhiêu?
TS. Hee Dong Bae khẳng định công nghệ này hoàn toàn xử lý được nước nhiễm mặn. Riêng với dư lượng thuốc trừ sâu ở các con sông được lấy làm nguồn nước đầu vào của nhà máy cấp nước thì vị tiến sĩ này cho biết nước sông chảy thường xuyên nên rất khó đo dư lượng thuốc trừ sâu trong nước và khuyến cáo không nên sử dụng để sản xuất nước uống. Nếu không còn nguồn nào khác thì phải kiểm soát từ đầu nguồn ở các cánh đồng.
TS Phan Minh Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP, đánh giá công nghệ này là cách tiếp cận mới trong xử lý nước thải mang lại hiệu quả cao mà chi phí xây dựng và vận hành lại thấp. Cách xử lý này phù hợp với điều kiện thực tế tại nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp xử lý nước thải hiệu quả mà ít chi phí cũng như mặt bằng nhỏ.
Theo nld.com.vn