Mặc dù thuộc nhóm hàng mỹ phẩm, son môi lại có những điểm đặc biệt hơn so với dòng sản phẩm khác. Do vậy, việc công bố sản phẩm này cũng gặp nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp “đau đầu”.

Những giấy tờ cần khi công bố sản phẩm

Có thể nói, hiện nay, son môi là một trong những sản phẩm mỹ phẩm thông dụng, không thể thiếu đối với nhiều người. Đây cũng là một trong những dòng mỹ phẩm đa dạng về chủng loại, màu sắc, giá cả, nguồn gốc xuất xứ… Ngoài những thương hiệu từ nước ngoài, trên thị trường hiện không thiếu các sản phẩm được sản xuất bởi các công ty trong nước, thậm chí là cả hàng thủ công (handmade). Và để một sản phẩm có thể được chào bán ra thị trường, doanh nghiệp cần phải thực hiện nhiều bước, trong đó có việc thực hiện công bố sản phẩm.

Để làm thủ tục công bố mỹ phẩm son môi, doanh nghiệp cần làm việc với nhà sản xuất hay chủ sở hữu để chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tài liệu trong hồ sơ công bố lưu hành mỹ phẩm như sau: Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (02 bản) kèm theo dữ liệu công bố (bản mềm của phiếu công bố); Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (có chữ ký và đóng dấu của doanh nghiệp);

Ngoài ra, còn cần bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ giấy uỷ quyền của nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm uỷ quyền của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam đối với mỹ phẩm nhập khẩu; Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS): Trong giấy chứng nhận lưu hành tự do cần có thông tin về đơn vị sản xuất, xác nhận sản phẩm được bày bán tự do tại nước sở tại và có đầy đủ thông tin về các loại sản phẩm son môi mà doanh nghiệp dự định công bố.

Tiếp đó, doanh nghiệp cần có bản kiểm nghiệm và bản công thức của mỹ phẩm công bố; Bản tiêu chuẩn chất lượng mỹ phẩm và phương pháp thử; Phiếu kiểm nghiệm; Dữ liệu kỹ thuật hoặc dữ liệu lâm sàng để chứng minh những công dụng đặc biệt của sản phẩm (nếu có); Nhãn sản phẩm.

Trong trường hợp doanh nghiệp mong muốn công bố 2 dòng sản phẩm khác nhau, cụ thể là son môi và phấn mắt thì có được công bố chung trong phiếu công bố hay không? Đây là một trong những thắc mắc điển hình khiến nhiều nhà sản xuất đau đầu. Khi không biết rõ các dòng phấn mắt hay son môi có cùng một công thức nhưng màu sắc khác nhau, họ phải công bố riêng lẻ từng dòng sản phẩm hay có thể thực hiện công bố chung để tiết kiệm chi phí và thời gian?

Để giải đáp cho khúc mắc này, Điều 5 Thông tư 06/2011/TT-Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể như sau: Các sản phẩm cùng một chủ sở hữu sản phẩm thuộc một trong các trường hợp sau đây được cấp phép công bố trong phiếu công bố: Các sản phẩm được đóng dưới tên chung và được bán dưới dạng một bộ sản phẩm; Các sản phẩm cùng tên, cùng dòng sản phẩm có công thức tương tự nhau nhưng có màu sắc, hoặc mùi khác nhau. Đối với sản phẩm nhuộm tóc, nước hoa công bố riêng cho từng màu, mùi.

Hiểu một cách đơn giản thì son môi, phấn mắt chung một chủ sở hữu và cùng công thức nhưng có màu sắc khác nhau thì vẫn có thể công bố trong phiếu công bố. Với từng dòng sản phẩm sẽ là một phiếu công bố tương ứng. Đây chắc hẳn là quy định đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nói chung và người muốn thực hiện thủ tục công bố mỹ phẩm nói riêng khi giúp họ tiết kiệm được khá nhiều thời gian và chi phí.

Điểm lưu ý khi chuẩn bị thủ tục

Việc công bố mỹ phẩm đặc biệt biệt là son môi thường xuyên xảy ra những “trục trặc” bởi nó rắc rối hơn những dòng mỹ phẩm khác. Các doanh nghiệp nên lưu ý một số điểm sau đây khi lập phiếu công bố mỹ phẩm:

Đầu tiên, tên sản phẩm và các thông tin liên quan nên ghi đúng trong CFS và giấy uỷ quyền. Nếu là sản phẩm riêng lẻ thì ghi tên riêng của son. Nếu là bộ sản phẩm thì ghi tên của bộ sản phẩm. Còn nếu là một bảng màu trong một sản phẩm thì ghi tên của sản phẩm đó.

Thứ hai là về các dạng và màu, một bảng màu son hoặc một bộ sản phẩm son cần ghi rõ ràng về dạng kem hay dạng thỏi,… hoặc màu của từng loại.

Về cách trình bày, dạng đơn lẻ, bảng màu hay bộ sản phẩm, sản phẩm son môi công bố thuộc dạng nào thì tích vào ô tương ứng trong phiếu công bố. Trong phần mục đích sử dụng, son môi có nhiều chủng loại khác nhau với mục đích khác nhau như dưỡng son môi, làm mềm môi, giúp đôi môi thêm căng mọng, tươi sáng,… Vì thế, tùy từng loại son mà doanh nghiệp có sự mô tả mục đích sao cho phù hợp với sản phẩm mình đang chuẩn bị công bố.

Son môi handmade đang “khuấy đảo” thị trường dạo gần đây.

Đối với son môi handmade, các cá nhân, tổ chức đưa ra thị trường bắt buộc phải tiến hành thử nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Hiện nay có rất nhiều đơn vị nhận kiểm nghiệm chất lượng son handmade nhưng để chọn một đơn vị uy tín không phải việc dễ dàng. Vì thế, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nên lựa chọn những cơ sở uy tín. Vậy son môi handmade cần kiểm nghiệm những chỉ tiêu gì?

Những chỉ tiêu quan trọng cần được kiểm nghiệm trong son môi handmade phù hợp với Thông tư của Bộ Y tế và QCVN quy định về son môi bao gồm: Chỉ tiêu vi sinh và kim loại nặng. Tuy nhiên, tùy vào mục đích kiểm nghiệm của doanh nghiệp để bổ sung hoặc giảm bớt các chỉ tiêu cho phù hợp.

Kim Thoa
https://vietq.vn/cong-bo-my-pham-son-moi-can-nhung-giay-to-gi-d205995.html