Phát thải khí nhà kính được xem là nguyên nhân không chỉ gây nên các biến đổi về môi trường và khí hậu mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của con người và hoạt động sản xuất.

Khí nhà kính gồm những loại khí nào?

Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ bức xạ sóng dài (hồng ngoại) phản xạ từ bề mặt trái đất sau khi được mặt trời chiếu sáng. Nhiệt sau đó được tỏa trở lại trái đất, gây ra hiệu ứng nhà kính. Loại khí này chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, O3 và CFC, … Phát thải khí nhà kính là hoạt động thải ra môi trường các khí trên gây nên hiệu ứng khí nhà kính.

Khí nhà kính được tạo ra như thế nào?

Ngày nay, than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tiếp tục cung cấp năng lượng cho nhiều nơi trên thế giới. Carbon là nguyên tố chính của các loại nhiên liệu này khi bị đốt cháy để tạo ra điện, vận chuyển năng lượng hoặc cung cấp nhiệt, chúng sẽ tạo ra CO2.

Khí N2O do con người tạo ra chủ yếu đến từ các hoạt động nông nghiệp. Vi khuẩn trong đất và nước chuyển đổi nitơ thành N2O một cách tự nhiên. Cộng thêm việc sử dụng và giải phóng phân bón càng đẩy nhanh quá trình này bằng cách đưa thêm nitơ vào môi trường.

Quá trình khai thác dầu khí, khai thác than và bãi chôn lấp đang tạo ra 55% lượng khí CH4. Khoảng 32% lượng khí thải CH4 đến từ hoạt động chăn nuôi và các động vật nhai lại lên men thức ăn trong dạ dày của chúng. Phân bón và canh tác lúa cũng gây ra phát thải khí thải CH4 trong ngành nông nghiệp.

Như vậy, để giảm phát thải khí nhà kính cần phải có sự kiếm soát, thay thế để giảm các yếu tố gây nên hiệu ứng khí nhà kính.

Khí nhà kính gây nên những tác hại gì?

Cháy rừng tự phát: Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây cháy rừng hiện nay là sự biến đổi của khí hậu. Hiệu ứng nhà kính gia tăng, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng khô hạn khiến tình trạng cháy rừng ngày càng phổ biến hơn. Tình trạng này càng gia tăng vào mùa hè, khi mà thời tiết trở lên khắc nghiệt hơn, cháy rừng tự phát xảy ra càng nhiều hơn.

Ô nhiễm và thiếu hụt nguồn nước: Hiệu ứng nhà kính là tác nhân lớn ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước trên trái đất và gây thiếu hụt nước cho các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp và sinh hoạt.

Ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và đời sống của con người: Không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, khí nhà khí còn làm ảnh hướng tới môi trường không khí. Đây đều là những yếu tố chính làm suy giảm hệ miễn dịch, dẫn đến quá trình phát sinh bệnh tật, tàn phá sức khỏe con người.

Bên cạnh đó thời tiết thay đổi, mưa nắng nhiều cũng là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển. Ngày càng có nhiều bệnh lạ xuất hiện mà con người không có sự đề phòng nên dẫn tới tỷ lệ tử vong cao.

Tàn phá môi trường sống của các loài sinh vật và dẫn đến tuyệt chủng: Hiện tượng trái đất nóng lên, cháy rừng, ô nhiễm nguồn đất, nước làm các loài sinh vật mất dần nơi trú ẩn. Ngày nay, rất nhiều loại sinh vật đã tuyệt chủng do không thể thích nghi được với tình trạng biến đổi khí hậu.

VNCPC (tổng hợp)

https://vncpc.org/con-nguoi-tao-ra-khi-nha-kinh-nhu-the-nao/