Hiện nay rất nhiều tài xế lạm dụng còi hơi, còi hú với hy vọng tạo ra âm thanh độc, lạ tuy nhiên sử dụng còi hơi tiềm ẩn nhiều hệ lụy.
Còi hơi ô tô bán tràn lan
Ở các nước châu Âu, người ta chỉ sử dụng còi xe vào mục đích cảnh báo nguy hiểm, việc bấm còi liên tục bị coi là hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Nhiều nơi còn hoàn toàn cấm sử dụng còi, như khu vực gần nhà trẻ, bệnh viện, trại dưỡng lão,… nhất là vào ban đêm. Vậy mà ở Việt Nam, tuy đã có nhiều quy định hướng dẫn rõ ràng việc sử dụng còi xe hợp lý, nhiều người vẫn lạm dụng còi xe, nhất là còi hơi quá mức cần thiết.
Theo ghi nhận tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vào giờ tan tầm, trên những con luôn chật kín phương tiện giao thông, cả đoàn xe nối đuôi nhau nhích từng chút một, nhưng người sau vẫn rú ga, bấm còi inh ỏi thúc giục người đi trước. Không chỉ khi đông đúc, ùn tắc, kể cả những nơi đường vắng, thoáng xe vẫn ồn ã tiếng còi. Vượt đèn đỏ bấm còi, chào nhau bấm còi, vui bấm còi, buồn cũng bấm còi,… những điều này góp phần hình thành một nếp giao thông rất thiếu văn minh, lịch sự. Khi đó, tiếng còi hợp thành một “bản giao hưởng” hỗn loạn khiến những người chung quanh phải chịu đựng một cách khó chịu.
Còi hơi hiện đang được nhiều tài xế dùng và lạm dụng gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa
Thực tế, trên thị trường hiện nay, các loại “đồ chơi” cho xe hơi, nhất là còi với âm lượng “khủng” đang là món hàng không thể thiếu. Chỉ cần bỏ ra từ vài trăm đến vài triệu đồng, chủ xe dễ dàng trang bị cho mình những chiếc còi với “công suất điếc tai”, đến nỗi mỗi lần bấm là nhiều người lái xe máy đang lưu thông gần đó phải hốt hoảng, vội vã… tránh đường.
Hầu hết các cửa hàng bán phụ tùng, “đồ chơi” xe hơi đều không bày bán những loại còi hơi, còi hụ… một cách công khai. Qua tìm hiểu, các loại còi trên có nhiều chủng loại. Còi hơi “hàng khủng”, loại dài 7 tấc hay 1,2m thường là hàng “giá bèo”, hàng nhái nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên theo một người bán hàng tại TP.HCM, đây là mặt hàng mà người chơi xe luôn có nhu cầu. Do là hàng cấm, nên phải nhìn mặt rồi mới dám báo giá. Nhưng nếu muốn, người mua có thể đặt hàng các loại “chất” hơn từ Đức, Đài Loan, Nhật Bản…, giá cũng cao hơn khá nhiều. Nếu muốn các loại còi từ Nhật Bản, Đài Loan thì phải đặt cọc trước rồi mới có hàng. Còn đối với hàng Trung Quốc thì lúc nào cũng có sẵn.
Chưa kể với việc phát triển mạnh mẽ của các trang thương mại điện tử và mạng xã hội hiện nay, nhiều shop công khai rao bán còi hơi, còi hụ…, dù biết đây là mặt hàng bị cấm kinh doanh và sử dụng trái phép.
Theo Cục Ðăng kiểm Việt Nam, ngưỡng âm thanh của còi xe đã được quy định rõ ràng, trong khoảng từ 90 đến 115 dB, các phương tiện cơ giới nếu âm thanh còi ở trên hoặc dưới ngưỡng nói trên đều vi phạm. Khi thiết kế, các nhà sản xuất đã lường trước các tính năng, yêu cầu và đặc tính vận hành của phương tiện để thiết kế còi có âm lượng phù hợp, không làm ảnh hưởng môi trường chung quanh. Nhưng trên thực tế, nhiều người sử dụng vẫn tự ý lắp đặt thêm còi hơi có cường độ âm thanh lớn. Rất nhiều xe cơ giới lưu thông trên đường hiện nay được phát hiện đã sử dụng còi vượt quá tiêu chuẩn quy định.
Những tiếng còi xe vang lên đinh tai nhức óc được nhấn vô tội vạ khiến nhiều người e ngại, đặc biệt là tiếng còi từ các phương tiện trọng tải lớn như xe container, xe tải, xe ben, xe khách… Thậm chí, một số lái xe còn lắp đặt thêm loại còi xe có âm thanh độc, lạ hoặc còi hơi, còi hú và coi việc sử dụng còi xe như là phương tiện để khẳng định bản thân…
Có thể thấy, cho đến nay khái niệm về “ô nhiễm âm thanh” vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức ở nước ta. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiếng ồn có ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe con người. Tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn mạnh sẽ phá hủy các cấu trúc nhạy cảm của tế bào thu nhận sóng âm thanh ở tai trong, dẫn tới làm giảm hoặc mất hẳn thính lực.
Nếu liên tục nghe tiếng ồn giao thông ở mức độ 70 đề-xi-ben (dB), có thể gia tăng rủi ro bệnh nhồi máu cơ tim, sống năm năm trong môi trường nhiều tiếng ồn sẽ dễ gây bệnh cao huyết áp, bệnh điếc không có khả năng hồi phục, hoặc khiến con người mắc chứng trầm cảm, mệt mỏi, cùng các bệnh liên quan đường tiêu hóa,… Không chỉ gây ra tiếng ồn còi hơi xe ô tô còn là “thủ phạm” gây ra nhiều vụ tai nạn thời gian qua khiến người dân vô cùng bức xúc.
Quy định sử dụng còi xe ô tô
Việc sử dụng còi xe phải tuân theo quy định của pháp luật. Còi xe phải được nhà sản xuất xe đăng ký tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện giao thông. Người lái xe cũng chỉ được sử dụng còi xe trên những đoạn đường, khu vực không bị cấm bấm còi, vào khoảng thời gian được phép sử dụng còi.
Theo quy định mới đây trong nghị định 34/2010 về xử lý vi phạm giao thông đường bộ, hành vi bấm còi tại những đoạn đường, khu vực cấm bấm còi chỉ bị phạt 100.000-200.000 đồng, bấm còi liên tục hoặc dùng còi hơi cũng chỉ bị phạt 300.000-500.000 đồng. Mức xử phạt trên đã tăng so với trước đây nhưng vẫn là quá nhẹ, xử phạt như thế nhiều người không sợ.
Ngoài mức xử phạt thấp, theo luật sư, hiệu quả việc kiểm tra phát hiện, xử lý những vi phạm về an toàn giao thông của cơ quan chức năng còn quá thấp. Tình trạng vi phạm về bấm còi, sử dụng còi hơi, còi hụ ầm ĩ còn xảy ra rất nhiều, trong khi số người bị phạt không bao nhiêu.
Không chỉ các loại xe lớn, xe tải sử dụng còi hơi mà hiện còn nhiều xe gắn máy cũng gắn những loại còi với tiếng kêu khủng khiếp, làm giật mình, ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông.
An Dương (T/h)
http://vietq.vn/coi-hoi-va-nhung-he-luy-khon-luong-d184189.html