Ngày 11/01/2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 409/VPCP-KTTH về thuế bảo vệ môi trường trong đó đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong năm 2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ Báo cáo quốc hội xem xét, cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường sang Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019).
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong năm 2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế bảo vệ môi trường.
Mục đích của thuế môi trường là trên cơ sở tác động trực tiếp vào lợi ích kinh tế của người gây ô nhiễm.
Mục đích của thuế môi trường là trên cơ sở tác động trực tiếp vào lợi ích kinh tế của người gây ô nhiễm, việc sử dụng công cụ này sẽ làm thay đổi hành vi của họ theo hướng có lợi cho môi trường, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò quan trọng của thuế môi trường thì việc mỗi nhà nước ban hành thuế môi trường với mục đích sau:
Trước hết, làm cho con người hạn chế sử dụng các sản phẩm tác động xấu đến môi trường; dần dần chuyển sang sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, ít tác động xấu đến môi trường hơn, định hướng nền kinh tế phát triển thân thiện với môi trường.
Thứ hai, làm con người thay đổi thái độ đối với môi trường sống, chú trọng khai thác tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả và thân thiện với môi trường; tự giác thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ ba, làm cho các nhà sản xuất thường xuyên cải tiến đổi mới công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm. Nếu đánh thuế môi trường mà giá nhiên liệu tăng thì điều này sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người dẫn tới việc ra đời của các công nghệ chu trình và sản phẩm mới.
Thứ tư, thuế môi trường có mục đích giúp đạt hiệu quả bảo vệ môi trường nhanh hơn so với công cụ pháp lý. Hay nói cách khác, thông qua việc tác động vào lợi ích kinh tế của các chủ thể trong quan hệ quản lý môi trường nên việc sử dụng thuế môi trường sẽ đảm bảo các chủ thể này thực thi pháp luật hiệu quả hơn.
Thứ năm, tạo nguồn lực tài chính cần thiết, tăng thu cho ngân sách nhà nước để quản lý và bảo vệ môi trường. Thuế môi trường huy động nguồn lực tài chính cho ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu chi tiêu của nhà nước trong đó có nhu cầu chi tiêu cho hoạt động quản lí và bảo vệ môi trường, tạo điều kiện phát triển tốt và bền vững hơn, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo moitruong.com.vn