Theo chuyên gia tại Mỹ, người dân cần loại bỏ một số thực phẩm nhất định khỏi nhà bếp có thể giúp kéo dài tuổi thọ như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều đường, nhiều muối…
Ông Dan Buettner, chuyên gia nghiên cứu về tuổi thọ của Mỹ đã tham gia vào nghiên cứu chế độ ăn uống và lối sống của người dân tại các Vùng Xanh – những khu vực có nhiều người sống qua tuổi 100. Ông cho rằng việc loại bỏ một số thực phẩm nhất định khỏi nhà bếp có thể giúp kéo dài tuổi thọ. Mặc dù việc từ bỏ vài món quen thuộc có thể khó khăn, lợi ích sức khỏe lâu dài rất đáng để cân nhắc.
Lối sống ở Vùng Xanh tập trung vào các thực hành ăn uống và giữ gìn sức khỏe đặc biệt, có thể áp dụng ở bất cứ đâu trên thế giới, dù đôi khi cần thay thế các món ăn ưa thích bằng lựa chọn lành mạnh hơn.
Trong một video gần đây, ông Buettner tuyên bố: “Tôi không phản đối việc thỉnh thoảng bạn ra ngoài và tự thưởng cho mình, nhưng đây là thực phẩm không bao giờ nên xuất hiện trong nhà bạn”.
Thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều muối và đường đều không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Thịt chế biến sẵn
Chuyên gia Dan Buettner cho biết: “Chúng ta biết rằng chúng có liên quan đến ung thư”. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh cũng chỉ ra mối liên hệ giữa thịt chế biến sẵn và thịt đỏ (như giăm bông, thịt xông khói, thịt bò muối và một số loại xúc xích) với nguy cơ ung thư ruột kết. Ba hóa chất liên quan đến thịt – haem, nitrat và amin dị vòng, được cho là làm tăng nguy cơ này. Các hóa chất này, có tự nhiên trong thịt, được thêm vào trong quá trình chế biến hoặc tạo ra khi nấu nướng, có thể gây tổn hại tế bào ruột. Theo thời gian, tổn thương tích tụ này có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Giảm lượng thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn trong chế độ ăn là một cách để giảm thiểu rủi ro sức khỏe. Thay vào đó, có thể lựa chọn các loại thực phẩm như thịt gà, gà tây, trứng và protein từ thực vật để đảm bảo hồ sơ dinh dưỡng đa dạng.
Đồ ngọt, đồ uống có đường
Đường là một phần của chế độ dinh dưỡng cân bằng nếu ăn một cách hợp lý. Nhưng nếu ăn quá nhiều đường một cách thường xuyên và có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng và làm tăng nguy cơ béo phì và mắc các bệnh mạn tính và thậm chí một số bệnh ung thư.
Chuyên gia Dan Buettner chỉ rõ đồ uống có đường và đồ ngọt đóng gói là những thủ phạm chính gây ra việc tiêu thụ quá nhiều đường tinh luyện. Để chống lại sự thôi thúc, ông khuyên không nên để những món này trong tầm tay ở nhà. Nếu muốn thưởng thức những thứ này, hãy ra ngoài mua. Đừng để chúng cám dỗ mọi lúc trong nhà.
Việc tiêu thụ quá nhiều đường nổi tiếng với tác động tiêu cực đến sức khỏe, có khả năng dẫn đến tăng cân, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường type 2 và các vấn đề về gan. Vì vậy nên chuyển sang dùng trái cây tươi hoặc khô giúp thỏa mãn cơn thèm ngọt đồng thời tăng cường hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu như chất xơ, vitamin và khoáng chất. Trái cây có hàm lượng calo thấp hơn đồ ăn vặt có đường, do đó hỗ trợ kiểm soát cân nặng hiệu quả. Trái cây khô có thể là lựa chọn tốt nhất cho những người thực sự thích đồ ngọt. Do đã được khử nước, trái cây khô có hàm lượng dinh dưỡng và đường rất cô đặc, khiến nó thậm chí còn ngọt hơn và giàu calo hơn trái cây tươi, vì vậy hãy lưu ý đến khẩu phần ăn.
Thức ăn vặt nhiều muối
Ngoài ra, chuyên gia về tuổi thọ này cũng đề nghị tránh xa các món ăn vặt nhiều muối như khoai tây chiên giòn. Việc hấp thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe, bao gồm huyết áp cao, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các biến chứng chức năng thận, cũng như khả năng đột quỵ cao hơn.
Người trưởng thành được khuyên nên hạn chế lượng muối tiêu thụ không quá 6g mỗi ngày (khoảng một muỗng cà phê). Con số này bao gồm cả muối tự nhiên có trong thực phẩm và bất kỳ lượng muối nào thêm vào trong hoặc sau khi nấu.
Trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như thêm vào hoặc loại bỏ các loại thực phẩm cụ thể, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến bác sĩ nắm rõ bệnh sử của bạn. Họ có thể hướng dẫn bạn cách thực hiện những thay đổi này một cách an toàn mà không làm ảnh hưởng đến các chất dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn.
Đảm bảo tất cả các sản phẩm thực phẩm đều an toàn cho người tiêu dùng
Với mục tiêu xây dựng và duy trì hệ thống để đảm bảo tất cả các sản phẩm thực phẩm đều an toàn cho người tiêu dùng và không gây hại đến sức khỏe; đảm bảo tổ chức tuân thủ các quy định pháp lý, tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế liên quan đến an toàn thực phẩm, như HACCP, ISO 22000… và các quy định cụ thể của từng quốc gia, khu vực và quốc tế, trước đó Bộ Y tế đã đề xuất giải pháp bắt buộc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng GMP đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe; áp dụng HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương đối với Thực phẩm dinh dưỡng y học dùng cho mục đích y tế đặc biệt; Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; Thực phẩm bổ sung.
Các cơ sở khác phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bộ Y tế cho biết, khi các quy định an toàn thực phẩm được áp dụng hiệu quả, sẽ giảm số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh tật liên quan đến thực phẩm. Điều này làm giảm gánh nặng tài chính cho hệ thống y tế công cộng, giảm chi phí điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Môi trường an toàn và ổn định trong ngành thực phẩm làm tăng sự tin tưởng của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến việc tăng cường đầu tư vào ngành chế biến thực phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, từ đó tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm giúp các sản phẩm thực phẩm của quốc gia có cơ hội gia nhập thị trường quốc tế dễ dàng hơn. Điều này có thể làm tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại và tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho nền kinh tế quốc gia. Các quy định rõ ràng và hệ thống quản lý chất lượng giúp Nhà nước quản lý hiệu quả hơn các hoạt động liên quan đến thực phẩm. Điều này dẫn đến việc sử dụng tài nguyên và ngân sách công một cách hợp lý hơn, và cải thiện năng suất trong các hoạt động kiểm tra và giám sát.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-gia-my-chi-ra-nhung-thuc-pham-nen-loai-khoi-bep-de-song-tho-d233161.html