Theo chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ, rửa rau củ có nhiều cách nhưng rửa dưới vòi nước chảy mới chính là phương pháp hiệu quả, đơn giản và an toàn nhất để loại bỏ thuốc trừ sâu.
Thực tế các sản phẩm tươi được xử lý bởi nhiều người trước khi mua nó từ cửa hàng tạp hóa hoặc chợ nông sản. Do đó, có thể không phải bàn tay nào cũng sạch đã chạm vào sản phẩm tươi này. Bên cạnh đó, những người người tiếp xúc với sản phẩm này cũng có thể đã bị ho, hắt hơi khiến sản phẩm này có thể bị nhiễm các vi khuẩn có khả năng truyền bệnh.
Tại Mỹ, các quan chức y tế liên bang ước tính rằng, mỗi năm gần 48 triệu người đã bị bệnh do thực phẩm bị nhiễm các vi trùng gây hại. Trong những năm gần đây, Mỹ đã có một số đợt bùng phát bệnh trên diện rộng do trái cây và rau quả bị ô nhiễm, bao gồm rau bina, dưa vàng (cantaloupe), cà chua và rau diếp.
Chuyên gia về bệnh từ thực phẩm tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho biết, sản phẩm tươi có thể bị ô nhiễm theo nhiều cách. Trong giai đoạn sinh trưởng, sản phẩm có thể bị ô nhiễm do động vật, các chất có hại trong đất hoặc nước và cách vệ sinh kém các công nhân. Sau khi sản phẩm được thu hoạch, nó đi qua nhiều bàn tay khác nhau của các công nhân, làm tăng nguy cơ ô nhiễm. Sự ô nhiễm thậm chí có thể xảy ra sau khi sản phẩm đã được mua, trong quá trình chuẩn bị thực phẩm hoặc thông qua việc lưu trữ hoặc chế biến không đúng cách.
Mỗi người đều có cách riêng để làm sạch trái cây và rau quả từ ngâm nước muối, giấm cho đến rửa sơ bằng nước lạnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng liệu cách mình đang áp dụng có thực sự loại bỏ được thuốc trừ sâu còn sót lại hay không.
Rửa rau củ dưới vòi nước là cách để loại bỏ thuốc trừ sâu hiệu quả nhất. Ảnh minh họa
Theo nghiên cứu từ Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, gọt vỏ là cách loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu hiệu quả nhất – bởi phần lớn thuốc tồn tại trên bề mặt vỏ. Tuy nhiên, điều này không áp dụng được cho tất cả loại rau củ và trái cây, đặc biệt là những loại ăn cả vỏ hoặc có kết cấu mềm. Vì vậy, việc tìm ra cách rửa phù hợp, vừa làm sạch vừa giữ nguyên dinh dưỡng, là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm.
Một nghiên cứu khác của Đại học Massachusetts (Mỹ), công bố trên nền tảng khoa học ResearchGate, cho thấy dung dịch baking soda có thể loại bỏ đến 90% dư lượng thuốc trừ sâu trên bề mặt rau củ. Các nhà khoa học giải thích rằng hầu hết các loại thuốc bảo vệ thực vật đều không ổn định trong môi trường kiềm, nên baking soda – với tính kiềm nhẹ – có khả năng phân hủy các hợp chất hóa học độc hại.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Cynthia Sass – chuyên gia dinh dưỡng và y tế công cộng đang làm việc tại Mỹ dù các phương pháp như baking soda hay giấm có hiệu quả nhất định, việc rửa dưới vòi nước chảy vẫn là cách được ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là khuyến nghị chính thức của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Lý do là vì rửa dưới vòi nước giúp tạo dòng chảy liên tục cuốn trôi bụi bẩn, dư lượng hóa chất và vi sinh vật mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc của nông sản. Ngoài ra, nước máy cũng đã có tác dụng làm giảm 26,7–62,9% lượng thuốc trừ sâu còn lại – một con số đáng kể trong điều kiện sử dụng thông thường. Đặc biệt, các loại rau củ như cà chua, dâu tây, rau lá xanh… có kết cấu mềm và dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ tốt hơn so với các phương pháp ngâm hóa chất.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không nên sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa hoặc dung dịch rửa nông sản thương mại không rõ nguồn gốc, vì các chất này có thể thấm vào thực phẩm và gây hại cho sức khỏe khi ăn vào.
Điều quan trọng hơn cả là rửa mọi loại rau củ, kể cả những loại gọt vỏ trước khi ăn, như cam, chuối hay dưa hấu. Vi khuẩn hoặc dư lượng hóa chất có thể từ vỏ lây sang phần thịt quả trong quá trình cắt gọt. Ngoài ra, cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi sơ chế và bảo quản rau củ đúng cách để hạn chế sự phát triển của vi sinh vật có hại.
Tiến sĩ Sass kết luận, dù baking soda hay giấm có thể giúp làm sạch sâu hơn trong một số trường hợp, nhưng rửa dưới vòi nước là cách an toàn, đơn giản và phù hợp nhất cho đa số người dùng. Đặc biệt, trong điều kiện sinh hoạt thường ngày, thói quen rửa kỹ bằng nước sạch đã đủ để loại bỏ phần lớn các rủi ro liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm tươi sống.
Quy chuẩn chất lượng thuốc bảo vệ thực vật yêu cầu gì?
Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT được ban hành quy định mức giới hạn chỉ tiêu chất lượng đối với thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động nhập khẩu, sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; đánh giá sự phù hợp và công bố hợp quy thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam.
Trong Quy chuẩn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) yêu cầu hàm lượng hoạt chất tối thiểu của thuốc kỹ thuật phải được đăng ký không nhỏ hơn quy định hiện hành.
Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT yêu cầu đối với chỉ tiêu vi sinh vật có trong các dạng thuốc bảo thực vật thành phẩm, mật độ vi sinh vật sống phải được đăng ký và khi xác định, mật độ trung bình không nhỏ hơn 10 lần mật độ đã đăng ký.
Đối với các thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc từ thực vật, hàm lượng hoạt chất phải được đăng ký và khi xác định, hàm lượng hoạt chất trung bình tuân theo mức sai lệch cho phép quy định cụ thể trong quy chuẩn này ở giá trị nhỏ và không giới hạn ở giá trị lớn.
Lượng cặn còn lại trên rây có đường kính lỗ 75 μm sau khi thử rây khô: Không lớn hơn 5%. Thể tích bọt tạo thành sau 1 min: Không lớn hơn 60 ml. Sản phẩm sau khi pha với nước cứng chuẩn D ở 30°C ± 2°C trong 5 min, hàm lượng hoạt chất trong dung dịch huyền phù: Không nhỏ hơn 60%.
Sản phẩm sau khi pha loãng với nước cứng chuẩn C ở 30°C ± 2°C trong 24 giờ dung dịch đồng nhất trong suốt hoặc trắng sữa không lắng cặn. Nếu có cặn thì lượng cặn còn lại trên rây có đường kính lỗ 75 μm: không lớn hơn 2%…
Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT quy định thuốc BVTV nhập khẩu phải được công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định. Đối với trường hợp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong nước việc công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định hoặc dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân.
Theo Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-gia-my-chi-cach-rua-rau-cu-tot-nhat-de-loai-bo-thuoc-tru-sau-d235479.html