17 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười hai 25, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngChuyên gia khuyến cáo: Tuyệt đối không sử dụng túi nhựa trong...

    Chuyên gia khuyến cáo: Tuyệt đối không sử dụng túi nhựa trong lò vi sóng hay ở nhiệt độ cao

    Date:

    Related stories

    Theo nhiều chuyên gia, túi nilon hay các loại túi nhựa tuyệt đối không nên cho vào lò vi sóng cùng với thực phẩm vì không chỉ gây ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe con người.

    Trên thực tế, đối với người Việt, túi nilon hay các loại túi nhựa được xem là một trong những vật dụng xuất hiện hàng ngày trong cuộc sống. Chúng vô cùng quen thuộc và thường xuyên được sử dụng để đựng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, Jeannie Nichols – Giáo viên lâu năm tại Đại học bang Michigan – Mỹ khẳng định, tuyệt đối không sử dụng túi nilon hay các loại túi nhựa trong lò vi sóng hay xử lý ở nhiệt độ cao.

    Về bản chất, túi nilon có thành phần cấu tạo lớn là từ nhựa, lại là loại nhựa không an toàn khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Chúng sẽ sản sinh ra các hạt vi nhựa, thậm chí bị đun nóng chảy một phần hoặc hoàn toàn, từ đó thẩm thấu vào thức ăn. Không chỉ gây ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, nó còn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe con người.

    Nhiều người dùng cho rằng, nếu chỉ cho túi nilon vào lò vi sóng trong thời gian ngắn và nhiệt độ thấp thì sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, lời khuyên từ các chuyên gia vẫn là tốt nhất không nên thực hiện việc cho mọi loại túi nilon vào lò vi sóng dù cho thời gian và nhiệt độ là bao nhiêu.

    Bên cạnh túi nilon, các loại túi giấy, túi nhựa cứng có khóa zip, hộp xốp, hộp giấy dùng 1 lần hay giấy bạc, cũng nằm trong danh sách những thứ không được cho vào lò vi sóng. Một số loại như túi, hộp giấy hay giấy bạc có thể cháy nổ trong quá trình lò vi sóng hoạt động.

    Với màng bọc thực phẩm hay các loại hộp nhựa chuyên dụng đựng thực phẩm, trước khi cho vào lò vi sóng, người dùng cần kiểm tra kỹ các ký hiệu hay các hướng dẫn sử dụng được ghi rõ ở bao bì sản phẩm. Các loại an toàn khi dùng trong lò vi sóng thường sẽ có ký hiệu thiết bị, hoặc có ký hiệu chất liệu, làm từ nhựa số 5 PP hoặc BPA Free.

    Trên thị trường hiện nay cũng có một số loại hộp giấy, hộp bìa có thể xử lý với lò vi sóng. Tuy nhiên số lượng vẫn còn ít và chưa quá phổ biến. Các chuyên gia nói thêm, dù được cho phép song các loại hộp giấy này vẫn có giới hạn nhất định về nhiệt độ và thời gian quay trong lò vi sóng.

    Cũng theo một nhóm các nhà khoa học ở Trường đại học Nebraska-Lincoln, Mỹ, tiến hành thí nghiệm đối với các hộp và túi nhựa polypropylene và polyethylene đựng thức ăn cho trẻ em. Hai loại nhựa này đều được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ công nhận là an toàn. Sau 3 phút được hâm nóng trong lò vi sóng ở công suất 1.000 watt, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích thức ăn để tìm hạt vi nhựa và hạt nano vi nhựa. Họ ước tính chỉ trong 3 phút đó, mỗi cm2 nhựa đã giải phóng ra 4,22 triệu hạt vi nhựa và 2,11 tỷ hạt nano vi nhựa.

    Kỹ sư Kazi Husain, chuyên gia trong nhóm nghiên cứu, nhận định, khi chúng ta ăn một loại đồ ăn nào đó, thường chúng ta chỉ được cung cấp thông tin hoặc tự ước tính lượng calo và các chất dinh dưỡng khác nạp vào cơ thể, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng không kém là cần biết lượng hạt nhựa có trong thức ăn đó.

    Dùng lò vi sóng để hâm nóng nước và các sản phẩm từ sữa đựng trong đồ chứa bằng nhựa làm tăng khả năng thức ăn bị nhiễm vi nhựa. Hạt nhựa luôn luôn được giải phóng ngay cả ở điều kiện nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh, nhưng ít hơn nhiều so với khi dùng trong lò vi sóng.

    Hiện các nhà khoa học chưa rõ mức độ độc hại của vi nhựa đối với cơ thể con người đến đâu, nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy nhiễm độc vi nhựa có thể liên quan đến các vấn đề về tiêu hóa và các quá trình sinh học quan trọng khác trong cơ thể.

    Điều chắc chắn là càng ăn ít đồ ăn chứa trong hộp, túi nhựa thì càng an toàn. Thí nghiệm cho tế bào thận nuôi cấy tiếp xúc với hạt nhựa ở mức độ giống như trong lò vi sóng cho thấy nguy cơ đáng lo ngại. Nhóm nghiên cứu nhận thấy 77% các tế bào thận tiếp xúc với nhựa ở mức độ cao đều bị chết.

    Liên quan tới vấn đề này, bác sĩ Tạ Tùng Duy – Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng cho rằng, một số loại nhựa khi đun nóng trong lò vi sóng có thể giải phóng các chất hóa học như phthalates, khả năng tan vào thực phẩm và chúng ta sẽ nuốt phải nó khi ăn. Những hợp chất hóa học này đặc biệt có hại cho hệ thống nội tiết tố và sự trao đổi chất.

    Bộ đồ ăn làm bằng PP (polypropylene) là loại hộp nhựa duy nhất có thể cho vào lò vi sóng. Tuy nhiên, một số hộp cơm dùng trong lò vi sóng được làm bằng nhựa PP nhưng nắp bằng nhựa PETE (polyethylene terephthalate), không chịu được nhiệt độ cao nên cần phân biệt kỹ khi sử dụng.

    Nguy cơ gây bệnh của lò vi sóng cho đến nay vẫn là giả thuyết, không có bằng chứng chắc chắn. Mặc dù vậy, để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên sử dụng đồ đựng được đánh dấu là “an toàn với lò vi sóng” để nấu hoặc hâm nóng thức ăn và không sử dụng vượt quá thời gian khuyến nghị. Bất kỳ phương pháp làm nóng nào cũng có thể thay đổi thành phần dinh dưỡng của thực phẩm.

    Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt ra các mục tiêu nhằm đảo ngược quỹ đạo rác thải nhựa khi cam kết cắt giảm 50% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030 rác thải nhựa đại dương. Kế hoạch hành động này cũng cam kết Chính phủ sẽ loại bỏ nhựa dùng một lần tại các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12259:2018- ISO 18606:2013 về bao bì và môi trường- tái chế

    Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các quy trình và yêu cầu cho bao bì phù hợp để tái chế hữu cơ. Bao bì được cho là có khả năng thu hồi thông qua tái chế hữu cơ chỉ khi tất cả các bộ phận riêng rẽ đáp ứng yêu cầu.

    Về kiểm soát các thành phần không được cho vào bao bì hoặc vật liệu bao bì dự kiến để tái chế hữu cơ các thành phần đã biết hoặc được cho là sẽ trở thành chất nguy hại cho môi trường trong quá trình xử lý sinh học. Từng vật liệu bao bì khi nghiên cứu phải được nhận biết và xác định đặc tính trước khi thử nghiệm, gồm ít nhất thông tin và các nhận biết về thành phần của vật liệu bao bì; xác định sự có mặt của các chất nguy hại cho môi trường, ví dụ: các kim loại được quy định; xác định hàm lượng cácbon hữu cơ, tổng các chất rắn khô, chất rắn bay hơi của vật liệu bao bì sử dụng cho phép thử phân hủy sinh học và phân rã.

    Khi được thiết kế để có thể tái chế hữu cơ, mỗi bao bì, vật liệu bao bì hoặc bộ phận bao bì phải có thể phân hủy sinh học hoàn toàn và rõ ràng khi được chứng minh trong các phép thử phòng thí nghiệm và theo các tiêu chí cũng như mức đạt theo quy định.

    Khi được thiết kế để có thể tái chế hữu cơ, mỗi bao bì, vật liệu bao bì hoặc bộ phận bao bì phải phân rã trong một quy trình xử lý chất thải sinh học theo các tiêu chí cũng như mức đạt theo quy định mà không có bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đến quy trình đó.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-khuyen-cao-tuyet-doi-khong-su-dung-tui-nhua-trong-lo-vi-song-d224663.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img