Hiện nay nhiều người có thói quen uống cà phê vào buổi sáng. Điều này là hoàn toàn bình thường nhưng với những người đang uống thuốc thì cần tránh uống cà phê chung vì có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ), caffeine có khả năng kích thích dạ dày và làm cản trở sự hấp thụ thuốc trong máu. Hệ quả là dẫn đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn như bồn chồn, nhức đầu. Nhiều nghiên cứu cho thấy caffeine trong cà phê có thể ảnh hưởng đến quá trình phân giải, hấp thụ, chuyển hóa và bài tiết thuốc. Do đó, uống cà phê chung với một số loại thuốc có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

Thuốc cảm lạnh và dị ứng OTC

Một số loại thuốc cảm lạnh có chứa chất kích thích pseudoephedrine, tác dụng thu hẹp các mạch máu trong đường mũi để giảm sưng và ngạt mũi. Tuy nhiên, chất này cũng kích thích tế bào trong não chịu trách nhiệm về phản ứng “chiến đấu hay chạy trốn của cơ thể”. Theo tiến sĩ Ngo-Hamilton, chuyên gia tư vấn lâm sàng tại BuzzRx, dược sĩ Trung tâm Y tế Đại học Minnesota (Mỹ), uống cà phê có thể làm trầm trọng thêm phản ứng này, khiến người dùng thuốc cảm thấy bồn chồn và lo lắng.

Các loại thuốc không kê đơn chứa pseudoephedrine, được bán nhiều, có thể mua dễ dàng tại các cửa hàng thuốc. Tiến sĩ Ngo-Hamilton khuyến nghị nên uống các loại thuốc này hai giờ trước hoặc 4 giờ sau khi uống một tách cà phê.


Nếu đang uống thuốc trị tiểu đường, huyết áp… thì không nên uống cà phê vào buổi sáng

Thuốc điều trị tiểu đường

Cứ 10 người Mỹ thì có một người sử dụng insulin để kiểm soát bệnh tiểu đường. Insulin không tương tác trực tiếp với caffeine nhưng nó vẫn xung đột với thói quen uống cà phê buổi sáng. Theo tiến sĩ Ngo-Hamilton, uống cà phê làm tăng lượng đường trong máu, đặc biệt nếu có thêm kem và đường, từ đó làm giảm hiệu quả của thuốc.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, các loại đồ uống chứa caffeine đều có thể làm tăng lượng insulin và lượng đường trong máu. Ngoài insulin, tiến sĩ Ngo-Hamilton khuyến cáo sử dụng thuốc điều trị đường huyết metformin chung với cà phê cũng có thể gây nguy hại sức khỏe.

Tiến sĩ Ngo-Hamilton khuyến nghị người bệnh theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên để xác định có nên uống cà phê khi dùng thuốc hay không.

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh là loại thuốc giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh và cà phê đều gây kích thích hệ thần kinh trung ương, nên khi uống chung sẽ khiến các kích thích mạnh hơn, gây bồn chồn và mất ngủ. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị dị ứng, chẳng hạn như fexofenadine, cũng không nên uống chung với cà phê vì cũng có thể tạo kích thích quá mức lên hệ thần kinh và gây cảm giác bồn chồn.

Thuốc tuyến giáp

Với những người bị suy giáp thì tuyến giáp sẽ không tiết đủ hoóc môn tuyến giáp. Thiếu hoóc môn tuyến giáp khiến cơ thể xuất hiện các biểu hiện như tăng cân, da khô, đau khớp, rụng tóc nghiêm trọng, thậm chí là kinh nguyệt không đều ở phụ nữ. Những người bị suy giáp sẽ cần dùng thuốc để cân bằng loại hoóc môn tuyến giáp. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy cà phê lại làm giảm đến 50% hiệu quả của thuốc điều trị bệnh này.

Thuốc trị hen suyễn

Thuốc trị hen suyễn sẽ giúp người bệnh dễ thở hơn bằng cách làm giãn các cơ phổi và khí quản. Caffeine trong cà phê không chỉ làm giảm hiệu quả của thuốc mà còn gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, bồn chồn, đau dạ dày và cáu kỉnh, đặc biệt là ở trẻ em.

Thuốc trị Alzheimer

Alzheimer là bệnh thoái hóa thần kinh dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến người trên 65 tuổi. Các loại thuốc điều trị như donepezil, rivastigmine và galantamine bị ảnh hưởng rất nhiều nếu dùng chung với caffeine. Thuốc hoạt động bằng cách duy trì chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine trong não. Tuy nhiên, caffeine lại làm suy yếu tác dụng này của các loại thuốc vừa nêu, theo Healthline.

Thuốc huyết áp

Hiệp hội các trường Cao đẳng Dược Mỹ ước tính các bác sĩ đã kê 117 triệu đơn thuốc chẹn beta điều trị bệnh cao huyết áp cho 26 triệu người Mỹ. Chúng có tác dụng hạ đường huyết và ngăn chặn tác dụng của hormone hoặc adrenaline. Điều này giúp cải thiện lưu lượng máu và giảm nhịp tim. Tuy nhiên, sau khi uống cà phê hoặc các loại đồ uống chứa caffein, nhịp tim tăng trở lại, cuối cùng làm tăng huyết áp. Đây không phải tương tác thuốc trực tiếp, mà giống với một dạng kháng thuốc, theo tiến sĩ Ngo-Hamilton. Bà đề nghị uống thuốc hai giờ trước hoặc 4 giờ sau khi uống một tách cà phê.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13836:2023 cà phê và sản phẩm cà phê – xác định cỡ hạt cà phê rang xay

Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các phương pháp phân tích cỡ hạt của cà phê rang xay (cà phê bột) bằng phương pháp lắc ngang sử dụng sàng có chổi tròn để giảm thiểu hạt bị tắc, kết vón và kết dính. Tiêu chuẩn này quy định các nguyên tắc chung liên quan đến thiết bị, cách tiến hành và biểu thị kết quả. Phương pháp này có thể áp dụng cho cà phê rang xay có cỡ hạt trong dải từ 150 μm đến 2 μm.

Về nguyên tắc cần tách mẫu cà phê rang xay bằng máy sàng ngang có chổi tròn trên từng sàng thử nghiệm để có được phép phân tích đáng tin cậy. Máy được trang bị đồng hồ hẹn giờ, phạm vi đếm ít nhất trong 10 min, cũng như tất cả các phụ kiện cần thiết để thiết bị hoạt động tốt và an toàn.

Khi lấy mẫu thử cân khay hứng phải đảm bảo khay sạch hoàn toàn. Cân từng sàng cùng với chổi và lắp ráp theo thứ tự cỡ lỗ tăng dần hướng lên phía trên cùng của khay hứng. Cân phần mẫu thử thu được chính xác đến 0,1 g.

Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm ít nhất các thông tin sau: bất kỳ thông tin cần thiết để nhận biết về mẫu (kiểu, xuất xứ và tên gọi của mẫu); ngày và kiểu quy trình lấy mẫu (nếu biết); ngày nhận mẫu; ngày thử nghiệm; các kết quả thử nghiệm và các đơn vị biểu thị kết quả cũng như thông tin thống kê về độ chính xác của các kết quả này, nếu được yêu cầu; bất kỳ phát hiện đặc biệt được thực hiện trong quá trình thử nghiệm; bất kỳ thao tác nào của quy trình không được quy định trong tiêu chuẩn này hoặc được coi là tùy chọn, có thể ảnh hưởng đến kết quả.

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/nhung-loai-thuoc-khong-nen-uong-chung-voi-ca-phe-vao-buoi-sang-d224365.html