12 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngChuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng về mua và sử dụng...

    Chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng về mua và sử dụng kit test cúm A

    Date:

    Related stories

    Liên tiếp nhiều ca nhiễm cúm A gia tăng thời gian gần đây khiến người dân đổ xô đi mua kit test cúm, điều này vô tình khiến thị trường loạn giá, khan hàng, các chuyên gia đã đưa ra các khuyến cáo người tiêu dùng.

    Loạn giá kit test cúm A

    Hiện nay, tình trạng dịch cúm A gia tăng khiến nhu cầu mua kit test tăng theo. Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao Động, việc mua kit test cúm A tại các hiệu thuốc khá khó khăn, trong khi mặt hàng này được rao trên mạng xã hội với giá cao ngất ngưởng.

    Anh Hoàng Văn Chiến (43 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, gần 2 ngày nay, anh có biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi mình mẩy, viêm họng, chảy nước mũi. Mặc dù anh Chiến đã uống thuốc hạ sốt nhưng không cắt cơn.

    “Với những biểu hiện trên tôi nghĩ mình mắc COVID-19, nhưng sau khi test cho kết quả âm tính. Tôi nghĩ có thể mình bị mắc cúm A.


    Trên thị trường mẫu kit test đa dạng với nhiều loạn giá khác nhau.

    Tôi đi nhiều hiệu thuốc lớn nhỏ ở Đống Đa, Cầu Giấy và lên hẳn Hoàn Kiếm vẫn không cửa hàng nào bán test cúm. Sau đó, tôi có tìm trên các hội nhóm thấy rất nhiều loại và giá cả cũng khác nhau. Có người bán 80.000 đồng/que test, có người bán tới 230.000 đồng/que test”, anh Chiến chia sẻ.

    Hay như trường hợp con trai 3 tuổi của chị Nguyễn H. (Hoàng Mai, Hà Nội) sốt nhiều ngày liên tục. Ngày thứ 3, thấy trẻ vẫn chưa cắt sốt (trên 38.5 độ), người mỏi mệt, kém ăn, người mẹ vô cùng bất an. “Xung quanh nhiều người mắc cúm A và Hà Nội đang có dịch này vì vậy tôi nghi ngờ con cũng mắc cúm A”, chị H. nói.

    Lo lắng, chị cho con đến một phòng khám tư cạnh nhà để test cúm A với giá 349 nghìn đồng. “Làm xét nghiệm buổi sáng, đến trưa chúng tôi nhận được kết quả. Cháu không bị cúm A, sau khi thăm khám tại một bệnh viện, con được chẩn đoán viêm Amidan cấp”, chị H. thông tin.

    Do nhu cầu test cúm của người dân tăng, dịch vụ này trên mạng xã hội cũng vô cùng sôi động. Chỉ cần gõ từ khóa, hàng loạt kết quả hiện ra với quảng cáo sẵn sàng cung cấp dịch vụ này với mức giá cũng rất đa dạng. Giá các loại kit test này có giá dao động từ vài chục cho đến hơn 200.000 đồng/kit.

    Lời khuyên từ các chuyên gia

    Về vấn đề này BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, cho biết test cúm A khá nhạy, khi sốt ngày đầu tiên nếu thực hiện test có thể ra kết quả (dương tính hoặc âm tính). “Độ chính xác cao nhưng người dân không cần thiết phải test”, BS Khanh chia sẻ.

    Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2 gây ra. BS Trương Hữu Khanh, cho biết bệnh cúm có thể tự khỏi. Khi sốt quá cao, cần loại trừ mắc sốt xuất huyết, người dân mới nên test.


    Người dân không nên quá hoang mang, tích trữ kit test trong nhà

    Người có yếu tố nguy cơ như lớn tuổi, suy giảm miễn dịch có bệnh nền (tiểu đường, huyết áp…), phụ nữ mang thai… nên tới cơ sở y tế để được test nhằm có kết quả chính xác. BS Khanh không khuyến cáo người dân tự test vì có thể kết quả sai dẫn đến xử trí bệnh sai ví dụ uống thuốc không đúng gây kháng thuốc…

    “Tại cơ sở y tế, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định có nên test hay không. Việc test tràn lan gây lãng phí và có thể kết quả không chính xác. Điều trị tại nhà cúm A như các bệnh về viêm đường hô hấp trên. Người bệnh sử dụng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng virus”, BS Khanh khẳng định.

    Về vấn đề một số người chia sẻ, triệu chứng cúm A nặng hơn Covid-19, BS Khanh cũng giải thích do người đó chưa từng mắc cúm A. Cúm A có 2 dạng, với những người có miễn dịch (ví dụ từng mắc cúm, chích ngừa vắc xin) triệu chứng sẽ nhẹ hơn.

    Nhóm thứ 2 là những người chưa miễn dịch (chưa mắc cúm, chưa tiêm vắc xin cúm) sẽ có triệu chứng nặng hơn như sốt cao, mệt mỏi… Thời gian khỏi bệnh từ 5-7 ngày. Trường hợp bệnh trở nặng như tím tái, thở nhanh, thở mệt… người dân phải đến ngay cơ sở y tế.

    Ngoài ra, theo BS Nguyễn Trí Thức – Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đưa ra lời khuyên, đôi khi các triệu chứng cúm A tự khỏi, hoặc nhẹ có thể điều trị tại nhà. Nhưng nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, người bệnh không được chủ quan mà nên đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra. Đặc biệt, người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi, và người mắc các bệnh mạn tính như: hen suyễn, bệnh phổi, đái tháo đường… bệnh dễ biến chuyển thành ác tính.

    Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là gây phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao. Cần lưu ý thêm với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A cũng có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai. “Chính vì vậy, người dân nên đề cao cảnh giác, chủ động phòng bệnh. Khi mắc bệnh nếu thấy có các biểu hiện bất thường cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế tin cậy, tốt nhất là cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng đáng tiếc”, BS Nguyễn Trí Thức thông tin.

    Bảo Linh (t/h)
    https://vietq.vn/loan-gia-kit-test-cum-a-tren-thi-truong-nhieu-chuyen-gia-khuyen-cao-d202803.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img