Nhiều người thường sử dụng baking soda và giấm để làm sạch tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu trộn chúng với nhau thì hiệu quả không như mong đợi.

Giấm và baking soda đều là những chất tẩy rửa tốt, dễ tìm và đặc biệt có giá thành rất rẻ. Nhiều người cho rằng nếu kết hợp các loại chất tẩy rửa với nhau việc làm sạch sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Thực tế, không phải sự kết hợp nào cũng đem lại kết quả tốt, giấm và baking soda là một ví dụ.

Ruojie Vanessa Zhang, Phó giáo sư khoa học thực phẩm tại Đại học Missouri (Mỹ) cho biết, baking soda có tên khoa học là natri bicarbonate, hoạt động như một chất bazơ có độ pH bằng 9, mang lại hiệu quả cao trong việc trung hòa và loại bỏ các vết dầu mỡ. Còn giấm là dung dịch axit axetic loãng, hoạt động như một axit có độ pH bằng 2, phá vỡ thành công các cặn khoáng như canxi và magie có trong nước cứng.


Không nên kết hợp giấm trắng với baking soda trong việc tẩy rửa vì có thể giảm tác dụng. Ảnh minh họa

Khi kết hợp, phản ứng giữa hai hợp chất này tạo thành axit cacbonic (H2CO3). Chất này không ổn định và cuối cùng bị phân hủy. Thực tế, khí cacbonic được sinh ra trong phản ứng là thứ làm cho nó sủi bọt, trông rất hấp dẫn và có vẻ sẽ mang lại tác dụng làm sạch. Tuy nhiên, sau khi hết sủi bọt, thứ còn lại sẽ chỉ còn nước và CO2.

Theo bà Amanda Morris, Phó Chủ nhiệm khoa Hóa học, Đại học Công nghệ Virginia (Mỹ), lý do không nên trộn baking soda và giấm để làm sạch là chúng về cơ bản sẽ loại bỏ nhau khi kết hợp, trừ khi sử dụng chúng đúng cách và đúng lúc. Việc kết hợp baking soda và giấm sẽ không gây hại nhưng cũng đừng mong đợi hỗn hợp này có tác dụng làm sạch tốt.

Cách làm sạch hiệu quả nhất với baking soda và giấm là dùng chúng riêng biệt. Hãy tận dụng các đặc tính hóa học của mỗi loại: Baking soda là một chất tẩy dầu mỡ tuyệt vời, còn giấm sẽ khử mùi và làm biến mất cặn nước cứng. Nếu sử dụng cả baking soda và giấm để làm sạch, tốt nhất không kết hợp chúng với lượng bằng nhau vì điều này có thể làm cho chúng trung hòa và triệt tiêu lẫn nhau.

Do đó cách làm sạch hiệu quả khi sử dụng baking soda với giấm đó là trộn một phần baking soda với hai phần giấm. Hỗn hợp này tạo ra khí cabonic sủi bọt, có tác dụng làm sạch và làm thông thoáng bồn rửa. Đặt một chiếc khăn ẩm có tẩm giấm lên vùng bị ố, bám bẩn. Sau vài giờ, lấy miếng vải ra và chà lên khu vực bám bẩn đó bằng hỗn hợp bột baking soda với nước. Vệt ố sẽ nhanh chóng bị phân rã và rửa sạch nhanh chóng. Thêm nửa chén baking soda vào bột giặt để tăng tốc quá trình làm sạch, sau đó sử dụng một chén giấm trong chu kỳ xả để diệt vi khuẩn và làm mềm vải.

Về cách bảo quản backing soda, sau khi sử dụng xong phần còn thừa không nên vứt bỏ một cách lãng phí mà cho vào một chiếc hộp kín, đặt ở nơi khô ráo và thoáng mát. Để đảm bảo và giữ nguyên chất lượng sản phẩm. Nên tránh để ở những nơi có nhiệt độ nóng như bếp, điện, ánh nắng mặt trời,.. Đặc biệt, trước khi sử dụng những lần sau nên kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm. Ngoại trừ kiểm tra thời hạn trên bao bì.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12779:2019 về giấm lên men

Tiêu chuẩn này quy định về yêu cầu cảm quan đối với giấm phải có màu sắc đặc trưng, tùy thuộc vào nguyên liệu được sử dụng. Mùi đặc trưng của sản phẩm, nguyên liệu được sử dụng không có mùi lạ. Vị chua đặc trưng của sản phẩm, không có vị lạ. Phải có dạng lỏng, đồng nhất.

Sản phẩm giấm lên men phải chứa trong các dụng cụ khô, sạch, có nắp đậy. Vật liệu làm dụng cụ chứa đựng phải đảm bảo an toàn thực phẩm, không ảnh hưởng đến chất lượng giấm và sức khỏe của người sử dụng.

Ghi nhãn sản phẩm theo quy định hiện hành và TCVN 7087. Ngoài ra, cần ghi nhãn sản phẩm bao gói sẵn để bán lẻ như: Tên sản phẩm: “Giấm” (“Dấm”) hoặc “Giấm lên men”, có thể kèm theo tên nguyên liệu chế biến giấm: “Giấm X” hoặc “Giấm X lên men” trong đó “X” là tên nguyên liệu hoặc tổ hợp tên các nguyên liệu liệt kê theo thứ tự giảm dần tỷ lệ sử dụng. Thành phần nguyên liệu. Chỉ tiêu chất lượng chính: Hàm lượng axit tổng số, tính theo axit axetic, biểu thị theo g/100 ml.

Việc ghi nhãn bao gói không dùng để bán lẻ phải đảm bảo đầy đủ tên sản phẩm, dấu hiệu nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc nhà đóng gói, nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu và hướng dẫn bảo quản phải được ghi trên nhãn; các thông tin nêu phải ghi trên nhãn hoặc trong các tài liệu kèm theo. Tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc nhà đóng gói, nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu có thể thay bằng ký hiệu nhận biết, với điều kiện là ký hiệu đó có thể dễ dàng nhận biết cùng với các tài liệu kèm theo.

Sản phẩm phải được bảo quản ở nơi sạch, tránh ánh nắng trực tiếp. Sản phẩm phải được vận chuyển bằng các phương tiện sạch, hợp vệ sinh.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-gia-khuyen-cao-khong-nen-tron-baking-soda-va-giam-de-lam-sach-s25-d218294.html