Hiện nay nhiều người tin tưởng lời quảng cáo vào miếng dán thải độc chân tuy nhiên theo các chuyên gia, sản phẩm này không thực sự hiệu quả như quảng cáo.

Theo một bài đăng trên mạng xã hội gần đây khẳng định miếng đệm chân giúp giải độc cơ thể khi ngủ đã thu hút hơn 300.000 lượt xem. Theo đó, bài đăng này viết: “Miếng dán chân thải độc mang lại hiệu quả nhanh chóng và lành mạnh cho cơ thể khi ngủ, từ việc giảm viêm, thanh lọc cơ thể, đến giải độc tất cả các tạp chất”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết không có nghiên cứu khoa học nào được công nhận chứng minh miếng dán chân khử độc này có tác dụng.

Tiến sĩ Murad Alam làm việc tại khoa da liễu trường Y khoa Feinberg của Đại học Northwestern, bang Illinois, Mỹ, cho biết, đôi chân không phải là cơ quan giải độc bởi thận và gan mới là những cơ quan thực hiện hầu hết việc loại bỏ độc tố. Một trong những quảng cáo phổ biến nhất về miếng dán chân thải độc là có thể hút ra các chất độc như kim loại nặng, tuy nhiên chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định điều này.


Miếng dán thải độc không hoàn toàn có công dụng như quảng cáo. Ảnh minh họa

Không chỉ vậy, các bài đăng trên mạng xã hội này cũng đăng các clip thể hiện khi miếng dán chân được bóc ra sẽ bị đổi màu sẫm, và điều đó được cho là các chất độc được thải ra khỏi cơ thể qua đêm.

Nhưng Tiến sĩ Murad Alam cho biết, sự đổi màu này thực chất là do mồ hôi chân phản ứng với hóa chất trong miếng dán. Ông nói: “Có thể đó chỉ là một phản ứng hóa học của độ ẩm ảnh hưởng đến miếng dán chân.”

Một báo cáo tại Mỹ đã đưa ra so sánh các miếng dán chân đã qua sử dụng và chưa sử dụng sau đó mang đến phòng thí nghiệm để phân tích. Phòng thí nghiệm không tìm thấy thay đổi đáng kể nào giữa miếng dán đã và chưa sử dụng.

Tiến sĩ Adriane Fugh-Berman – giáo sư dược lý và sinh lý học tại Đại học Georgetown ở Washington, Mỹ cho biết: “Đôi chân không phải là cơ quan giải độc.”

Các chuyên gia cho biết, cơ thể người vốn đã có cơ chế lọc và loại bỏ các chất không mong muốn mà không cần sử dụng bất kỳ thiết bị bên ngoài nào. Gan, ruột, thận và tuyến mồ hôi ở lớp biểu bì (da) có chức năng loại bỏ chất độc.

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ, lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) khẳng định: “Chưa cần biết đó là nguyên liệu gì, nhưng thải độc cơ thể bằng cách dán vào gan bàn chân không có cơ sở khoa học”.

Theo thạc sĩ Trung, hiện có hai cơ chế chính thải độc cơ thể là thải độc từ bên trong ra và thải độc từ bên ngoài. Thải độc từ bên trong có thể dùng thuốc, các hoạt chất để tống độc tố ra ngoài qua đường máu, qua phân, qua nước tiểu. Riêng phương pháp giải độc bên ngoài cơ thể, người Việt đã biết cách áp dụng từ rất lâu. Chẳng hạn, khi bị ốm do cảm cúm, người ta hay dùng nước lá xông nóng, giúp nở lỗ chân lông và thải độc tố ra ngoài qua mồ hôi.

Chuyên gia khẳng định việc thải độc tố theo hai cơ chế trên là khoa học. Ông chưa thấy việc thải độc qua gan bàn chân bằng miếng dán bịt kín.

Đồng quan điểm, các chuyên gia tại Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho rằng, những loại miếng dán này không có tác dụng thải độc cơ thể. “Trước đây tôi đã trực tiếp làm thử nghiệm. Dù dán vào cơ thể hay không, miếng dán này vẫn thôi ra màu đen. Đặc biệt, việc dùng miếng dán này còn có thể gây viêm loét, hoại tử.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-gia-khuyen-cao-khong-nen-tin-loi-quang-cao-ve-mieng-dan-thai-doc-chans23-d201491.html