19 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngChuyên gia dinh dưỡng chỉ ra những loại thực phẩm không có...

    Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra những loại thực phẩm không có vị mặn nhưng chứa lượng muối cao

    Date:

    Related stories

    Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có rất nhiều loại thực phẩm dù không có vị mặn nhưng lượng chứa hàm lượng muối ở mức cao cần lưu ý khi sử dụng.

    Những thực phẩm chứa nhiều muối

    TS Hoàng Thị Đức Ngàn, Viện Dinh dưỡng quốc gia lưu ý, hàng triệu thực phẩm có thể có hàm lượng muối ở mức cao nhưng không có vị mặn rõ rệt khiến con người khó phân biệt để chọn lựa phù hợp.

    Bánh mì và các loại bánh ngọt, bánh nướng thường chứa muối để tăng độ dẻo và độ đậm đà cho bánh, nhưng lại không mang vị mặn rõ rệt. Ví dụ, 100 gram bánh mì gối, ngọt (khoảng 4 lát) chứa trung bình 276 mg natri (tương đương 0,7 gram muối).


    Ăn thực phẩm nhiều muối gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe. Ảnh minh họa

    Thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, thịt nguội, chả lụa). Các sản phẩm này thường chứa nhiều muối để bảo quản thực phẩm trong thời gian dài. Ước tính, trong 80 gram chả lợn chứa tới 775mg natri, tương đương 1,94gram muối (chiếm gần 40% lượng muối giới hạn tiêu thụ trong 1 ngày).

    Phô mai và nhiều loại sữa có chứa natri để tạo độ ngon và giúp bảo quản sản phẩm. Trong 15 gram phô mai thông thường có thể chứa tới 165 mg natri (tương đương 0,41 gram muối).

    Một số loại ngũ cốc có thêm muối để tăng hương vị vì muối có tác dụng làm tăng hương vị khác bằng cách ức chế vị đắng, tăng cảm giác ngọt, dịu vị chua trong thực phẩm. Lượng muối trong mỗi phần ngũ cốc ăn sáng có thể dao động từ 0 – 15% lượng muối khẩu phần trung bình hàng ngày, tùy thương hiệu.

    Nước sốt và gia vị bao gói sẵn (sốt cà chua, mayonnaise) là những loại thực phẩm tiêu thụ với lượng nhỏ nên thường dễ bỏ qua, trong khi nhiều loại gia vị công nghiệp chứa một lượng muối đáng kể. Ví dụ 100 gram nước sốt cà chua có 907 mg natri (tương đương 2,3 gram muối).

    Bánh và bim bim thường chứa muối nhưng có vị mặn không rõ ràng, đặc biệt với các loại bánh có hương vị ngọt. Ví dụ, trong một gói khoai tây chiên cỡ nhỏ có chứa 170 mg natri, tương đương 0,43 gram muối, chiếm 8,5% lượng muối khuyến nghị cho 1 ngày.

    Mì ăn liền các loại thường chứa lượng muối cao. Trong 100 gram mì ăn liền có khoảng 2.593 mg natri, tương đương 6,4 gram muối. Nếu một người trưởng thành ăn 1 gói mì ăn liền trọng lượng 100 gram là đã vượt ngưỡng muối tiêu thụ khuyến nghị cho 1 ngày.

    Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mức tiêu thụ muối đối với một người trưởng thành nên dưới 5 gram/ngày (tương đương khoảng 2.000 mg natri) để dự phòng và hạn chế các biến chứng của bệnh tim mạch, đặc biệt là tăng huyết áp. Trẻ em trung bình chỉ cần từ 1 – 3 gram muối/ngày, tùy theo độ tuổi.

    Tác hại khi ăn nhiều muối

    Nói tới tác hại khi ăn quá nhiều muối các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, muối chứa khoảng 40% natri và 60% clorua, thường được dùng làm gia vị của món ăn hoặc dùng làm chất bảo quản thực phẩm. Natri là một loại khoáng chất thiết yếu cho hoạt động của hệ thần kinh và cơ bắp, cộng với clorua sẽ giúp cân bằng nước và khoáng chất trong cơ thể. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều muối có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe của cơ thể.

    Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây ra rối loạn khác cho sức khỏe.

    Khi ăn một bữa ăn có lượng muối quá cao hoặc tiêu thụ quá nhiều muối trong một ngày, sẽ gây ra cảm giác đầy hơi do thận không thể lọc hết lượng natri dư thừa ra khỏi máu. Sự tích tụ natri trong cơ thể sẽ gây giữ nước nhằm cố gắng làm mờ đi nồng độ natri, tạo ra hiện tượng sưng tấy, nhất là ở bàn tay và bàn chân. Việc ăn một bữa có nồng độ muối cao cũng có thể làm tăng lưu thông máu qua các mạch máu và động mạch, gây ra tăng huyết áp tạm thời.

    Khi tiêu thụ lượng muối cao có thể cảm thấy khô miệng và khát nước, vì vậy có thể sẽ uống nhiều nước hơn, dẫn đến thường xuyên đi tiểu. Tuy nhiên, nếu không uống đủ nước, natri sẽ tích tụ trong cơ thể và có thể vượt quá mức an toàn, dẫn đến tình trạng tăng nồng độ natri trong máu.

    Sự tăng nồng độ natri trong máu có thể làm cho nước di chuyển từ tế bào vào máu để cố gắng giảm thiểu sự dư thừa của natri. Nếu không được chữa trị kịp thời, sự biến đổi lượng chất lỏng này có thể gây ra các triệu chứng như rối loạn nhận thức, co giật, ngất và có thể thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

    Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, việc tiêu thụ quá nhiều muối trong thời gian dài có thể gây tăng huyết áp và tăng khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày. Hơn nữa, việc tiêu thụ quá nhiều muối cũng có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và gia tăng quá trình lão hóa, dẫn đến tử vong sớm.

    Tiêu thụ quá nhiều muối trong khẩu phần ăn có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến xương. Muối làm mất canxi từ xương, trong khi canxi lại là yếu tố cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe và sự chắc khỏe của xương. Quá trình mất canxi từ xương có thể làm cho chúng yếu và dễ gãy hơn, đồng thời gia tăng nguy cơ loãng xương.

    Việc tiêu thụ quá nhiều muối sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thận, một cơ quan quan trọng trong sinh lý của nam giới. Khi ăn quá mặn, cơ thể phải hấp thụ nhiều nước hơn và đòi hỏi thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Nếu bị bệnh thận, sử dụng đồ ăn mặn có thể làm cho bệnh trở nên nặng hơn. Vì vậy, việc giảm lượng muối trong chế độ ăn có thể cải thiện sức khỏe và chức năng của thận. Ngoài ra, muối còn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh, chẳng hạn như sỏi thận, viêm thận và tăng mỡ trong thận.

    Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-193: 2021/BNNPTNT về muối thực phẩm

    Quy chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định đối với muối (Natri clorua) thực phẩm, quy định các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử, lấy mẫu và quy định về quản lý đối với muối thực phẩm.

    Theo đó muối thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật: Hàm lượng NaCl không nhỏ hơn 89% khối lượng chất khô; độ ẩm không lớn hơn 9,0%; Hàm lượng chất không tan trong nước không lớn hơn 0,3% khối lượng chất khô; I ốt không nhỏ hơn 20mg/kg và không lớn hơn 40mg/kg; Asen không lớn hơn 0,5mg/kg; chì không lớn hơn 2,0mg/kg…

    Yêu cầu kỹ thuật đối với chất phụ gia thực phẩm và I-ốt bổ sung vào muối thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm. I-ốt bổ sung vào muối phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với kali iodat (KIO3) theo quy định tại QCVN 3-6:2011/BYT của Bộ Y tế về các chất được sử dụng để bổ sung i-ốt vào thực phẩm.

    Việc ghi nhãn muối thực phẩm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Muối thực phẩm phải được tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm dựa trên kết quả kiểm nghiệm của phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17025.

    Muối thực phẩm phải được kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật An toàn thực phẩm, Thông tư số 39/2018/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm muối nhập khẩu và các văn bản pháp luật có liên quan.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-dinh-duong-chi-ra-nhung-loai-thuc-pham-khong-co-vi-man-nhung-chua-luong-muoi-cao-d228339.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img