13.2 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng Một 18, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngChuyên gia chỉ ra những sai lầm cần tránh khi dùng mì...

    Chuyên gia chỉ ra những sai lầm cần tránh khi dùng mì chính

    Date:

    Related stories

    Mì chính là loại gia vị quen thuộc trong chế biến thực phẩm tuy nhiên có nhiều bà nội trợ mắc sai lầm gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

    TS. BS Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Tư vấn dinh dưỡng người lớn Trung tâm Tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế – Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, mì chính có tên khoa học là monosodium glutamate (mononatri glutamate).

    Bản chất của mì chính gồm natri và glutamate. Natri là thành phần quen thuộc trong muối ăn, còn glutamate là một trong hơn 20 loại axit amin phổ biến trong tự nhiên, tồn tại cả ở cơ thể người và các loại động thực vật khác.

    Một trong những vai trò đặc biệt của axit amin là khả năng tạo vị cho thực phẩm, ví dụ như methionine tạo vị đắng, aspatic tạo vị chua, còn glutamate có đặc tính tự nhiên là mang lại vị ngọt, ngon cho món ăn. Khả năng tạo vị của glutamate được một Giáo sư người Nhật Bản là TS.Kikunae Ikeda khám phá ra vào năm 1908, khi ông nghiên cứu và phát hiện ra glutamate chính là thành phần mang đến vị ngon cho nước dùng dashi của người Nhật, cũng như vị ngon của các thực phẩm như cà chua, măng tây, pho mát hay thịt. Ông đặt tên cho vị của glutamate là vị umami với hàm nghĩa vị ngon.

     Mì chính dùng sai có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe cần tránh

    Các thực phẩm càng giàu glutamate thì vị umami càng đậm đà và hầu hết thực phẩm chúng ta ăn vào đều chứa glutamate ở những mức độ khác nhau: các loại thịt chứa khoảng 10 – 20mg glutamate/100g thực phẩm, tuy nhiên hàm lượng này tăng cao khi thực phẩm được chế biến với nhiệt độ; thân mềm 2 mảnh như sò điệp chứa đến 140mg glutamate/100g; rau củ quả cũng rất giàu glutamate như bắp cải chứa 50mg/100g, cà chua chứa đến 250mg/100g… Đặc biệt, sữa là thực phẩm giàu glutamate, trong đó sữa mẹ có hàm lượng glutamate cao vượt trội lên đến 2700mg/100ml sữa mẹ.

    Dù đóng vai trò quan trọng trong chế biến thực phẩm tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), mì chính cũng giống như mọi loại gia vị khác, dù đem lại chất ngọt nhưng lại không thể thay thế cho vị ngọt tự nhiên từ rau củ, trứng, thịt… Đương nhiên, các bà nội trợ vẫn có thể dùng mì chính trong quá trình nấu ăn cho gia đình nhưng không nên lạm dụng, đồng thời cần biết dùng đúng cách. Việc nêm mì chính sai thời điểm, dùng quá mức quy định có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe của cả gia đình.

    Lạm dụng mì chính không tốt cho sức khỏe

    Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng quốc gia), người dùng có thể sử dụng mì chính như bao loại gia vị khác ví dụ như hạt tiêu, muối… tùy thuộc khẩu vị của mỗi người, cũng không cần lo lắng nhiều về nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên, dùng quá nhiều mì chính khi nấu ăn có thể gây khô cổ, cảm thấy khát nước. Thậm chí, người có cơ địa quá mẫn cảm nếu ăn nhiều mì chính còn có thể cảm thấy chóng mặt, hồi hộp, tê mỏi chân tay…

    Dùng mì chính ở nhiệt độ cao không tốt cho người dùng

    PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm cho biết khi nấu ăn ở nhiệt độ trên 260 độ C, nấu trong thời gian dài thì không chỉ mì chính mà tất cả đồ ăn thông thường cũng bị chuyển hoá sang một chất khác, có thể không tốt cho người ăn. Nếu bổ cho mì chính vào lúc đang nấu đồ ăn ở nhiệt độ cao thì phản ứng hóa học sẽ xảy ra khiến mì chính thành natri pyroglutamic acid. Chất này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây hại cho sức khỏe.

    Chuyên gia khuyên người tiêu dùng tuyệt đối không nêm mì chính ở nhiệt độ cao, khi nấu chín thức ăn hãy bắc ra khỏi bếp mới cho mì chính. Nhiệt độ thích hợp để hòa tan mì chính là khoảng 70 – 90 độ C.

    Nêm mì chính vào các món nguội sẽ không tan được

    Theo PGS. Lâm, mì chính rất khó hòa tan ở nhiệt độ quá thấp. Nếu các bà nội trợ cho mì chính vào khi thức ăn đã nguội thì mì chính không tan được, như vậy sẽ khiến món ăn không những không ngon mà còn dễ gây hại cho đường tiêu hóa. Cần hòa tan mì chính với nước ấm trước khi trộn vào thức ăn nguội để tăng vị ngon cho món ăn

    Nêm mì chính vào món ăn chua có giấm có hại sức khỏe

    Chuyên gia cho hay, mì chính không dễ hòa tan trong môi trường axit nên việc thêm mì chính vào các món nộm, gỏi chua ngọt có chứa giấm không những làm thay đổi hương vị của món ăn mà còn có hại cho sức khỏe.

    Nêm mì chính vào các món ngọt gây khó chịu

    Tuyệt đối không nên thêm bột ngọt vào thức ăn có vị ngọt tự nhiên như cà chua, tôm… vì sẽ làm mất hương vị ngọt, độ ngọt của món ăn và gây vị khó chịu.

    Cho trẻ nhỏ dùng mì chính

    Theo tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam), đến nay các nhà khoa học vẫn chưa có bằng chứng hoàn thiện cho thấy mì chính có thể kích thích, gây độc khi sử dụng ở liều thông thường. Tuy nhiên, một số đối tượng cần cẩn trọng khi sử dụng loại gia vị này, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

    Theo vị chuyên gia, vị giác của trẻ nhỏ đang trong quá trình hình thành nên phụ huynh cần hết sức thận trọng trong quá trình nêm nếm gia vị. Trẻ vốn yêu thích vị ngọt nên trong nhiều trường hợp con sẽ ăn nhiều và ngon miệng hơn với các món được cho thêm mì chính, khi không cho mì chính thì lại bỏ ăn, điều đó dễ khiến bố mẹ lạm dụng loại gia vị này. Bên cạnh đó, mì chính cũng là một chất có chứa natri, do vậy, chuyên gia cảnh báo người cao tuổi, người bị huyết áp cao, người bị phù thũng cũng nên thận trọng, cần hỏi ý kiến với bác sĩ trước khi sử dụng.

     An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-chi-ra-nhung-sai-lam-can-tranh-khi-dung-mi-chinh-d199645.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img