Đầu tôm có chứa nhiều tạp chất, trong đó có nhiều chất không có lợi cho sức khỏe, vì vậy người tiêu dùng không nên sử dụng.
Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) Gao Minmin cho rằng, nếu tôm nuôi ở vùng nước có kim loại nặng cao sẽ tích tụ kim loại nặng ở phần đầu. Theo một khảo sát về các loại tôm từ Trung Quốc cho thấy sau khi tiến hành thử nghiệm với tôm tươi sống được đun sôi với hàm lượng kim loại nặng asen là 0,15 ml/kg, trong khi tôm đông lạnh và tôm chết có hàm lượng asen kim loại nặng là 0,16 ml/kg. Khi các chuyên gia đo riêng phần đầu tôm và thân tôm, kết quả thấy rằng hàm lượng asen kim loại nặng trong đầu tôm cao tới 0,35 ml/kg.
Không nên ăn đầu tôm vì có thể nhiễm kim loại nặng. Ảnh minh họa
Tại sao đầu tôm lại có hàm lượng kim loại nặng cao hơn? Trên thực tế, điều này là do dạ dày và phổi của tôm nằm ở trong đầu tôm. Khi tôm ăn một lượng kim loại nặng nhất định, vị trí đầu tiên chúng tích trữ lại chính là đầu, vì vậy đầu tôm được cho là bộ phận không nên ăn.
Thông tin thêm về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa) cho hay, đầu tôm là một khoang rỗng, có vỏ cứng, trong đó có chứa các bộ phận chính của tôm như hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết…
Hệ tiêu hóa của tôm gồm 2 phần: Dạ dày và ruột. Dạ dày của tôm cũng nằm ngay trong khoang đầu, là nơi chứa thức ăn khi tôm kiếm mồi. Tôm là động vật ăn tạp, thức ăn của tôm khá đa dạng gồm: Côn trùng, tảo, ấu trùng của ký sinh trùng (giun sán), xác động vật và thực vật thối rữa.
Như vậy, dạ dày của tôm có chứa rất nhiều chất bẩn, trứng ký sinh trùng và vi sinh vật có hại với sức khỏe con người, vì vậy cần loại bỏ phần đầu chứa dạ dày khi ăn tôm.
Hơn nữa, phần đầu là phần chứa chất thải của tôm và tích tụ nhiều kim loại nặng như asen. Đối với phụ nữ mang thai, độc tính của kim loại nặng asen thường rất mạnh, ăn nhiều có thể dẫn đến dị tật thai nhi hoặc sảy thai. Chính vì vậy, tôm to cần chế biến sạch, loại bỏ đầu để đảm bảo an toàn.
Nói về nguyên nhân không nên ăn đầu tôm, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản 1 cho rằng, phần đầu tôm luôn bị phân hủy đầu tiên khi tôm chết vì là nơi chứa nội quan như ruột, thức ăn đưa vào, mang, cơ quan hô hấp nên cũng có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng… Khi ăn đầu tôm không chỉ “nạp” các chất bẩn mà còn có nguy cơ nhiễm khuẩn, chất độc nếu chưa đạt được nhiệt độ nấu chín.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-gia-chi-ra-ly-do-khong-nen-an-dau-tom-to-d206778.html