35 C
Hanoi
Thứ Hai, Tháng 5 5, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngChuyên gia chỉ cách lắp điều hòa để rắn hay côn trùng...

    Chuyên gia chỉ cách lắp điều hòa để rắn hay côn trùng không thể chui vào trú ngụ

    Date:

    Related stories

    Theo các chuyên gia điện máy, điều hòa là thiết bị cần thiết cho mỗi gia đình tuy nhiên đây cũng là nơi trú ngụ của rắn, côn trùng nếu lắp đặt cục nóng sai vị trí nhất là ở những nơi có nhiều cây xanh xung quanh.

    Với thời tiết nóng nực hiện nay, điều hòa là thiết bị không thể thiếu đối với mỗi gia đình. Trong quá trình sử dụng điều hòa, các gia đình không tránh khỏi những sự cố không mong muốn, đặc biệt là việc các loại động vật như thạch sùng, rắn chui vào điều hòa gây tâm lý hoảng sợ, bất an.

    Điển hình mới đây do trời nắng nóng, chị Nguyễn Thị H. (Quảng Nam) định bật máy để ngủ thì phát hiện một chiếc đuôi lạ thò ra từ khe máy. Khi nắp máy được mở ra, cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt khi cả “ổ” rắn nằm trong chiếc điều hòa. Ngay sau đó chị đã phải gọi thợ sửa máy và lần lượt bắt được tổng cộng 7 con rắn ẩn náu bên trong.

    Qua quan sát, người dân nhận định đây là loại rắn cườm, thuộc họ rắn nước và hoàn toàn không có độc. Được biết, khu vực phía sau nhà chị H. có nhiều cây cối rậm rạp, rất có thể đây là con đường mà đàn rắn đã theo đường ống dẫn của máy điều hòa để bò vào trú ngụ.

    Trước đó tại Tây Ninh cũng có một gia đình bị rắn chui vào điều hòa. Cụ thể, theo anh Nguyễn Duy Tân (28 tuổi, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đến bảo dưỡng điều hòa tại nhà một người dân cùng xã. Nữ chủ nhà nói nghi ngờ có rắn bên trong điều hòa khi liên tục nghe thấy những âm thanh kỳ lạ. Trước đó, người này cũng trông thấy đuôi rắn thò ra, tỏ ra vô cùng kinh hãi. Đây là một căn nhà cấp 4, nằm cạnh một bãi đất trống, cây cỏ mọc dại nhiều. Anh Tân đã kiểm tra và phát hiện bên trong có 4 con rắn màu xanh, không rõ chủng loại, đang bò lổm ngổm.


    Rắn chui vào điều hòa gây hỏng hóc cần tránh lắp đặt cục nóng ở những nơi có nhiều cây xanh rậm rạp. Ảnh minh họa

    Liên quan tới tình trạng động vật, côn trùng trú ngụ trong máy điều hòa, TS Trần Thanh Bình, Hội Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh và Điều hòa không khí cho biết, ngoài rắn, một số loài động vật khác có thể chui vào điều hòa như: gián, thằn lằn, chuột, thạch sùng… gây chập thiết bị, nghiêm trọng hơn là đe dọa tính mạng con người. Chúng thường chui qua lỗ thông tường từ trong ra ngoài khi thợ lắp đặt không bịt lỗ này bằng vữa (hoặc cao su non), theo đường ống thải hoặc cửa thông gió điều hòa.

    “Các loại động vật máu lạnh thích chỗ ấm nóng, nên khi bật điều hoà chiều lạnh nhà không có muỗi. Nếu không làm kín lỗ xuyên qua tường, mùa đông trong nhà ấm hơn các động vật máu lạnh sẽ chui vào ẩn náu”, TS Trần Thanh Bình nói.

    Đối với thạch sùng là loài động vật dễ bắt gặp ở trong nhà. Chúng thường bò trên tường nhà, trần nhà để tìm thức ăn như gián, nhện, ruồi muỗi, kiến,… Thạch sùng thường không chủ động đến gần con người, vì thế nên không gây nhiều nguy hiểm. Chúng còn có lợi ích trong việc bắt côn trùng và muỗi trong nhà. Tuy nhiên, loài động vật này cũng gây không ít khó chịu cho các gia đình. Chúng thường bò trên tường nhà, đặc biệt là khi thạch sùng chui vào điều hòa chất thải và cả xác của chúng không chỉ gây mất vệ sinh, mà còn tạo mùi hôi khó chịu.

    Ngoài ra, thạch sùng chui vào điều hòa có thể gây chập mạch, làm hỏng điều hòa. Đặc biệt, mạch điều hòa bị hỏng do thạch sùng chui vào sẽ không được các hãng bảo hành theo điều kiện đã ghi sẵn của nhà sản xuất. Việc này ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình và gây bất tiện, nhất là trong những ngày hè nắng nóng cao điểm này.

    Cách lắp đặt máy để côn trùng không chui được vào điều hòa

    Theo chuyên gia, việc rắn bò vào máy điều hòa không chỉ gây hoang mang, sợ hãi cho người dân, mà còn đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của các gia đình. Để phòng tránh điều này xảy ra, bạn cần kiểm tra máy điều hòa trong nhà một cách thường xuyên, xem có các sinh vật lạ bên trong không để có thể xử lý kịp thời, không cho chúng làm tổ.

    Khi lắp đặt điều hòa không nên đặt giàn nóng quá gần mái tôn hoặc cây xanh. Nếu cây cối bên ngoài giáp với phần mái, rắn hoặc các loài khác có thể bò lên mái nhà, chui vào máy lạnh theo đường dây đồng. Khi khoan tường để đưa ống thoát nước và dây đồng vào, cần phải kiểm tra khe hở tại vị trí đó, nếu khoảng trống quá lớn cần phải bịt kín lại sau khi hoàn thành việc lắp đặt.

    Với những gia đình có cây cối, vườn tược rậm rạp, không nên lắp đặt ống thoát nước sát mặt đất, điều này tạo cơ hội dễ dàng cho rắn bò vào máy điều hòa. Ngoài ra để đề phòng rắn quanh nhà, có thể sử dụng các loại bột chuyên dụng như bột Enta snake powder, bột hùng hoàng,… rắc xung quanh để đuổi rắn.

    Ngoài ra người tiêu dùng cũng có thể trồng các loại cây như sả, hoa thiên lý,… là các loại cây có khả năng đuổi rắn hiệu quả nhờ mùi hương nồng đặc trưng, khiến rắn tránh xa nhà của bạn. Đồng thời, các gia đình cũng nên thường xuyên diệt chuột để triệt tiêu nguồn thức ăn của rắn.

    Nếu phát hiện rắn trong điều hòa, không nên tự bắt bằng tay không vì nguy cơ bị cắn hoặc điện giật. Thay vào đó, người dân cần ngắt điện, gọi thợ bảo hành hoặc kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Họ sẽ có cách để mở và sửa chữa bằng các dụng cụ an toàn.

    Theo chuyên gia của Hội Khoa học Kỹ thuật lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam, vị trí tốt nhất để lắp cục nóng điều hòa là ở khu vực có mái che chắn, không bị các tác nhân bên ngoài môi trường làm ảnh hưởng. Đặc biệt, tránh lắp cục nóng điều hòa ở khu vực gần cửa sổ, cửa nhôm hay đặt cục nóng ở những nơi không đảm bảo sự bằng phẳng về bề mặt, có dấu hiệu rung lắc khi vận hành, không lắp đặt ở khu vực có thể sản sinh ra nhiệt lượng cao như mái tôn để tránh cháy nổ. Không lắp cục nóng quá gần trần nhà hoặc nơi cây cối rậm rạp để tránh các loài vật như chuột, rắn… chui vào trú ngụ.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5687:2024 về hệ thống điều hòa không khí

    Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các yêu cầu hệ thống thông gió và điều hòa không khí phải được thiết kế để đảm bảo điều kiện tiện nghi nhiệt và yêu cầu vệ sinh cho người và mọi hoạt động dự kiến, đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

    Khi thiết kế thống gió và điều hòa cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật, kể cả giải pháp về công nghệ và kiến trúc nhằm đảm bảo thiết bị phải đáp ứng các yêu cầu về nhiệt độ và độ ẩm trong nhà. Ngoài ra cũng cần tính toán tới mức đầy tải hoặc mức tải một phần, tải lạnh, tải nhiệt, độ ồn và độ rung tiêu chuẩn phát ra. Phải có lớp cách nhiệt. Đường ống dẫn không khí và vật liệu cách nhiệt phải được chế tạo từ những vật liệu được phép dùng trong xây dựng.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-chi-cach-lap-dieu-hoa-de-ran-va-thach-sung-khong-the-chui-vao-tru-ngu-d232828.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img