Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có nhiều loại thực phẩm không nên bảo quản trong tủ lạnh điển hình như tỏi, hành tây, gừng, cơm nguội.
Có thể nói, sự ra đời của những chiếc tủ lạnh đã làm thay đổi đáng kể cuộc sống của cả nhân loại. Trong thời đại hiện đại, tủ lạnh trở thành vật dụng không thể thiếu trong mọi gia đình. Cùng với sự gia tăng về nhu cầu sử dụng, những chiếc tủ lạnh ngày càng được cải tiến về công năng cũng như mẫu mã.
Tin tưởng vào mục đích thiết kế ra tủ lạnh, người tiêu dùng cứ vậy mà làm theo, mua thực phẩm về là nhanh chóng “cho vào tủ lạnh không để bên ngoài bị hỏng”. Thế nhưng, các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm không tán đồng với quan điểm này. Với họ, tủ lạnh không phải là nơi để lưu trữ mọi thứ, có những thực phẩm nên để bên ngoài sẽ tốt hơn, vì như vậy sẽ giữ được trọn vẹn dinh dưỡng.
Theo Tiến sĩ Dimple Jangda, chuyên gia dinh dưỡng và tiêu hóa ở Ấn Độ, một trong những loại thực phẩm không nên để vào trong tủ lạnh vì chúng rất dễ gây ra tác hại không mong muốn cho sức khỏe nếu duy trì thói quen này.
Tỏi
Tiến sĩ Dimple Jangda cho rằng, người tiêu dùng không nên mua tỏi đã bóc vỏ và cho vào tủ lạnh vì sẽ nhanh chóng bị mốc. Nấm mốc trong tỏi có liên quan đến bệnh ung thư và độ ẩm trong tủ lạnh sẽ đẩy nhanh sự phát triển của nấm mốc.
Tiến sĩ Jangda gợi ý, người tiêu dùng có thể chọn mua tỏi khô, giữ nguyên cả củ, để ở nhiệt độ thường vẫn có thể sử dụng được lâu. Nếu muốn thuận tiện hơn cũng có thể mua tỏi đóng hộp làm sẵn hoặc ngâm tỏi đã bóc vỏ vào giấm rồi bảo quản trong tủ lạnh.
Không nên bảo quản tỏi trong tủ lạnh vì chúng dễ bị ẩm mốc. Ảnh minh họa
Hành tây
Ngoài tỏi, hành tây cũng thường được cho nhầm vào tủ lạnh. Tiến sĩ Jangda khuyến cáo nếu bảo quản hành tây trong tủ lạnh không đúng sẽ hấp thụ vi khuẩn xung quanh và làm tăng nguy cơ hư hỏng. Ở một số gia đình còn đặt những lát hành tây ở góc phòng bệnh nhân để hấp thụ vi khuẩn có hại, điều này cũng chứng tỏ khả năng hấp thụ vi khuẩn của hành tây. Vì vậy, dù bề ngoài hành tây không có vẻ bị mốc nhưng có thể đã hấp thụ một lượng lớn vi khuẩn từ tủ lạnh, về lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều gia đình chỉ vệ sinh tủ lạnh một hoặc hai lần một năm, vì vậy có thể tưởng tượng vi khuẩn trong tủ lạnh có thể truyền sang thực phẩm dễ dàng như thế nào, khiến nó trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe. Chuyên gia này khuyên nên đặt hành tây trên kệ khô ráo, tránh ẩm ướt của tủ lạnh, có thể kéo dài thời gian sử dụng và giúp hành không bị hư hỏng.
Gừng tươi
Tiến sĩ Jangda cũng đề cập đến vấn đề bảo quản gừng tươi. Khi để trong tủ lạnh, gừng tươi nhanh chóng bị thối, hư hỏng hơn bên ngoài và nấm mốc trong gừng có liên quan đến suy thận và gan. Mặc dù bản thân gừng tươi có lợi cho sức khỏe thận nhưng việc bảo quản không đúng cách có thể gây hại.
Cơm nguội
Tiến sĩ Jangda cũng nhắc nhở việc bảo quản cơm nguội trong tủ lạnh là không đủ an toàn. Nhiều người cho cơm vào tủ lạnh với suy nghĩ sẽ diễn ra quá trình thoái hóa ngược, tinh bột sẽ biến thành tinh bột kháng, nên ăn không sợ béo. Thực tế tinh bột dễ bị nấm mốc nhất. Nếu phải để trong tủ lạnh thì không nên giữ quá 24h.
Tiến sĩ Janine Bowring, ở Canada cũng đồng ý và nói rằng “không bao giờ ăn thức ăn thừa”. Vì thức ăn thừa có xu hướng nhanh chóng bị nấm mốc nên để trong tủ lạnh sẽ bị hỏng nhanh hơn nhiều so với các thực phẩm khác. Ngoài ra, tiến sĩ Bowring còn đề cập cơm nguội có thể sinh ra một loại vi khuẩn có tên là Bacillus cereus có liên quan đến ngộ độc thực phẩm.
Chuối
Theo Natalie Alibrandi, một nhà khoa học thực phẩm có trụ sở tại London và Giám đốc điều hành của Nali Consulting (một tổ chức của các nhà khoa học thực phẩm và đồ uống có trụ sở tại London và Hà Lan), chuối không nên để trong tủ lạnh, đặc biệt là nếu chúng chưa chín.
Thông thường, khi mua chuối ở cửa hàng tạp hóa, chúng chưa chín. Do đó, tốt nhất nên để chúng bên ngoài cho chín. Nhiệt độ thấp trong tủ lạnh có thể làm chậm quá trình chín hóa học của quá trình chín, do đó có thể khiến chuối không thể chín mềm và ngọt”, Alibrandi nói.
Quả bơ
Giống như chuối, Alibrandi khuyên nên giữ để quả bơ bên ngoài tủ lạnh vì những lý do tương tự. Nếu mua một quả bơ chưa chín, cứng như đá, việc bảo quản nó trong tủ lạnh sẽ chỉ giữ cho nó càng lâu ăn được. Một lần nữa, nhiệt độ mát trong tủ lạnh làm chậm quá trình chín. Hầu hết các tủ lạnh được giữ ở nhiệt độ 40 ° F trở xuống, điều này không tạo ra môi trường lý tưởng cho một quả bơ chưa chín và sẽ khiến nó mất đi hương vị thơm ngon.
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Khoa Thực vật học và Khoa học Thực vật, Đại học California (Mỹ) cho thấy rằng bơ nên được giữ ở khoảng 20 độ C. Vì vậy một nơi khô ráo, thoáng mát như trong nhà bếp rất thích hợp. Khi đó, bơ chín sẽ giữ được tối ưu chất dinh dưỡng của nó.
Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-gia-dinh-duong-canh-bao-nhung-loai-thuc-pham-bao-quan-trong-tu-lanh-de-bi-nam-moc-hong-nhanh-d218488.html