Một nghiên cứu của Đại học Newcastle và Đại học Flinders (Australia) cho thấy, chỉ một vết xước nhỏ trên lớp chống dính nồi cơm điện có thể giải phóng khoảng 9.100 hạt nhựa trong quá trình nấu.
Các lõi nồi cơm điện thông thường làm bằng kim loại (chủ yếu là nhôm), có khả năng dẫn nhiệt tốt. Trên bề mặt lõi nhôm thường phủ một lớp chống dính giúp cơm không bị dính vào nồi sau khi nấu, gọi là teflon. Teflon là chất trơ, không phản ứng với cơm trong nồi khi nấu. Lớp teflon sẽ bắt đầu hư hỏng khi đun nóng từ 230 đến 260 độ C và phân hủy khi đạt trên 350 độ C.
Một nghiên cứu của Đại học Newcastle và Đại học Flinders (Australia) cho thấy, chỉ một vết xước nhỏ trên lớp chống dính có thể giải phóng khoảng 9.100 hạt nhựa trong quá trình nấu. Nếu lớp chống dính bị hỏng, kích thước từ vài milimet trở lên sẽ giải phóng 2,3 triệu hạt vi nhựa, nhựa nano và có khả năng xâm nhập vào thực phẩm.
Theo TS. Vũ Thị Tần (Đại học Bách khoa Hà Nội), khi lõi bị trầy xước, lớp phủ teflon sẽ bong ra, lẫn vào cơm. May mắn là nhiệt độ tối đa của nồi cơm điện là 100 độ C, cao hơn mức nhiệt này nồi sẽ tự tắt hoặc giữ ấm. Điều này đồng nghĩa khi nấu cơm (100 độ C) teflon không phân hủy. Nếu chẳng may ăn phải, chất này không phản ứng với các tế bào cơ thể mà bị đào thải ra ngoài.
Nồi cơm điện bị bong tróc không nên sử dụng. Ảnh minh họa
TS Tần cũng cho rằng, độc hại nhất nằm ở việc sử dụng sai mục đích. Có những gia đình lấy lõi nồi cơm điện ra nấu nướng, chiên xào ở nhiệt độ cao, làm teflon bị phân hủy mạnh. Đặc biệt nguy hại khi dùng lõi nồi đun đồ chua, bởi thức ăn có tính axit sẽ dễ ăn mòn lớp kim loại.
Teflon cũng giống như microplastic (vi nhựa) đã bong lớp chống dính thì không nên dùng để nấu cơm. Lớp phủ này gọi là teflon, thành phần chính là polytetrafluoroethylene. Chất này khi phản ứng với nhiệt độ cao sẽ tạo ra axit perfluorooctanoic, hay được gọi là C8.
Năm 2017, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã xếp C8 vào nhóm các chất gây ung thư nhóm 2B. Không chỉ nồi cơm điện mà chảo chống dính cũng bị đồn thổi gây ung thư, tất cả là do C8. Khi teflon được phủ vào lòng nồi cơm điện, nó sẽ giúp việc nấu chín đồ ăn thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khi nấu ở nhiệt độ cao, C8 thực sự đã bay hơi.
Mặc dù teflon là chất khó hấp thụ, dù có đi vào cơ thể người cũng bị đào thải ra, tuy nhiên, phần độc hại chính là phần keo dính chất teflon với lòng nồi nhôm. Phần keo này là chất dễ phân hủy bởi nhiệt, tạo ra các chất nguy hại cho con người khi ở nhiệt độ cao. Nếu dùng lâu dài, lớp chống dính lẫn keo bám dính sẽ bong tróc ra theo đường ăn uống vào cơ thể con người.
Ngoài ra, nếu lớp chống dính này bị trầy xước, hiệu suất chống dính của nồi cơm điện sẽ giảm, gây khó khăn trong việc lau chùi. Nó cũng dễ khiến thức ăn bị cháy, sản sinh ra chất gây ung thư là acrylamide. Đồng thời, lớp chống dính bị xước sẽ làm lộ ra hợp kim nhôm trong lòng nồi cơm điện. Nếu tiếp tục nấu cơm trong tình trạng này, nguyên tố nhôm có thể bị hòa tan. Đặc biệt, trong trường hợp nếu dùng nồi cơm điện để nấu các món canh chua cay, sườn xào chua ngọt, nhôm sẽ dễ bị hòa tan hơn. Khi con người hấp thụ quá nhiều nhôm sẽ ảnh hưởng tới xương và thần kinh.
Những hãng sản xuất nồi cơm điện có tên tuổi luôn tuân thủ yêu cầu về an toàn thực phẩm khi sản xuất, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng còn những sản phẩm nồi cơm rẻ tiền, kém chất lượng của các thương hiệu không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường thường chỉ phun lớp sơn chống dính mỏng, đây là loại chất độc hại dễ bị phân hủy khi nấu và gây nguy hiểm cho người sử dùng. Vì vậy khi lựa chọn nồi cơm điện không nên ham rẻ.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/nhieu-nguy-co-khi-su-dung-noi-com-dien-bong-troc-lop-chong-dinh-d213225.html