Gần đây, một xu hướng nổi bật trên TikTok là sử dụng muối hồng pha với nước chanh để giảm cân tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng người tiêu dùng nên cẩn trọng vì có thể gây tác dụng ngược.
Theo các video lan truyền, việc uống muối hồng Hawaii pha với chanh thậm chí có người còn thêm giấm và tiêu được cho là giúp giảm cân nhanh chóng. Một trong các video hướng dẫn đã thu hút hơn 60.000 lượt thích và hơn 11.000 lượt lưu. Tuy nhiên, theo chuyên trang kiểm chứng thông tin Snopes của Mỹ, tuyên bố này là sai sự thật và không có cơ sở khoa học.
Để xác minh, Snopes đã liên hệ với bà Alison Childress, Phó Giáo sư thực hành tại Khoa Khoa học Dinh dưỡng – Đại học Kỹ thuật Texas (Mỹ), đồng thời là chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng. Theo bà, mẹo uống muối hồng không những không giúp giảm cân, mà còn có thể gây tăng cân.
“Muối hồng không mang lại lợi ích giảm cân đáng kể,” bà Childress trả lời qua email. “Ngược lại, tiêu thụ nhiều natri có thể khiến cơ thể giữ nước, từ đó dẫn đến tăng cân do giữ nước chứ không phải do tăng mỡ.”
Khi được hỏi liệu mẹo này có mang lại chút hiệu quả nào trong việc giảm cân hay không, bà cho rằng “về lý thuyết” việc giữ nước có thể khiến người dùng cảm thấy no hơn và ăn ít lại, nhưng đó chỉ là “giả định rất xa vời”.
Muối hồng dù tốt cho sức khỏe nhưng cần cân nhắc khi dùng để giảm cân. Ảnh minh họa
Theo chuyên gia này, muối hồng chứa nhiều chất điện giải hơn muối ăn thông thường, tuy nhiên, phần lớn mọi người không cần bổ sung thêm natri. “Người Mỹ hiện đang tiêu thụ lượng natri cao hơn khuyến nghị tới 50%,” bà cho biết. Việc dư thừa natri có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là với những người mắc bệnh tim, thận hoặc huyết áp cao. “Tăng natri có thể làm trầm trọng thêm các bệnh nền,” bà cảnh báo.
Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh việc thay thế hoàn toàn muối ăn có i-ốt bằng muối hồng hoặc các loại muối khác cũng không phải lựa chọn khôn ngoan. “Muối hồng chứa rất ít, hoặc gần như không có i-ốt. Trong khi đó, muối ăn thường được bổ sung i-ốt để ngăn ngừa thiếu hụt,” bà nói.
Thiếu i-ốt là nguyên nhân phổ biến dẫn đến rối loạn tuyến giáp, có thể gây bướu cổ hoặc suy giáp – tình trạng khiến tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất.
Thông tin thêm về loại muối này, bác sĩ dinh dưỡng Dhriti Jain, bệnh viện Cloudnine, chi nhánh Ludhiana (Ấn Độ) cũng cho rằng, muối hồng chứa các khoáng chất như kali, canxi, magie, được cho là tốt hơn muối ăn thông thường. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng muối này vẫn chứa natri, và nếu dùng nhiều có thể gây hại.
Chuyên gia nội tiết Dr. Laura Garrison tại Mayo Clinic (Mỹ) khẳng định, một số người gọi nước chanh muối hồng là “Mounjaro tự nhiên”, lấy theo tên loại thuốc tiêm giúp kiểm soát tiểu đường và hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy nước muối hồng có tác dụng giống thuốc tirzepatide. Đây là hai thứ hoàn toàn khác nhau.
Vì vậy, theo bà Childress, giảm cân hiệu quả và bền vững cần dựa trên lối sống lành mạnh, chứ không thể phụ thuộc vào các mẹo lan truyền trên mạng xã hội. Nên chọn thực phẩm nhẹ nhưng giàu đạm, giúp tạo cảm giác no lâu. Uống đủ nước cũng rất quan trọng vì mất nước có thể tạo ra cảm giác đói giả. Tập thể dục, đặc biệt là luyện sức đề kháng, cũng đóng vai trò thiết yếu. “Tập tạ 2-3 lần mỗi tuần có thể giúp duy trì khối cơ nạc trong quá trình giảm cân.
Ngoài ra, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ. Thiếu ngủ làm tăng hormone ghrelin – yếu tố khiến cơ thể cảm thấy đói – đồng thời làm giảm khả năng lựa chọn thực phẩm lành mạnh. Ngủ đủ giúp điều hòa hormone, cải thiện trao đổi chất và tăng năng lượng cho các hoạt động thể chất. Nên ưu tiên thực phẩm nguyên chất, bởi chúng thường giàu dinh dưỡng và ít calo hơn so với thực phẩm chế biến sẵn. Việc kiểm soát khẩu phần ăn cũng là một trong những cách đơn giản và hiệu quả giúp duy trì cân nặng hợp lý.
QCVN 01-193:2021/BNNPTNT về muối
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-193:2021/BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với muối (natri clorua) dùng trong thực phẩm, bao gồm muối ăn trực tiếp và muối dùng để chế biến thực phẩm.
Theo quy định, muối thực phẩm phải đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng cơ bản gồm: hàm lượng NaCl không thấp hơn 89% khối lượng chất khô; độ ẩm không vượt quá 9,0%; chất không tan trong nước không được vượt quá 0,3%. Bên cạnh đó, yêu cầu bổ sung i-ốt phải tuân thủ theo quy định tại QCVN 9-1:2011/BYT với hàm lượng từ 20–40 mg/kg.
Quy chuẩn cũng giới hạn nghiêm ngặt các kim loại nặng có hại như asen (tối đa 0,5 mg/kg), chì (2,0 mg/kg), cadimi (0,5 mg/kg), thủy ngân (0,1 mg/kg) và đồng (2,0 mg/kg). Ngoài thành phần chính và chỉ tiêu kim loại nặng, muối thực phẩm có thể được bổ sung chất phụ gia nhưng phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư 24/2019/TT-BYT.
Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-gia-dinh-duong-canh-bao-lam-dung-muoi-hong-de-giam-can-co-the-phan-tac-dung-d235195.html