Trước diễn biến phức tạp của “cơn địa chấn” mang tên Covid-19, các hình thức thanh toán “sạch”, thanh toán không tiếp xúc như thẻ không tiếp xúc, ví điện tử, QR Code… đang tỏ rõ lợi thế và lấn át hình thức thanh toán bằng tiền mặt.
Nhiều lợi ích thiết thực
Hiện nay, tại Việt Nam với sự bùng nổ của công nghệ số, nhiều tổ chức công quyền cũng bắt đầu thực hiện chuyển đổi số ở các lĩnh vực như thu phí hộ dịch vụ nhà ở: điện, nước, truyền hình cáp, internet,… Việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật số không những giúp giảm thiểu hóa đơn bằng giấy thay bằng hóa đơn điện tử, cắt giảm nhân sự thu phí dịch vụ: điện, nước, cáp, internet… mà còn giúp tiết kiệm chi phí nguồn lực và khách hàng có thể thực hiện thanh toán nhanh chóng và linh hoạt, thuận tiện.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của “cơn địa chấn” mang tên Covid-19 thì các hình thức thanh toán “sạch”, thanh toán không tiếp xúc như thẻ không tiếp xúc, ví điện tử, QR Code… đang tỏ rõ lợi thế và lấn át hình thức thanh toán bằng tiền mặt.
Là một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội, hơn ai hết chị Mai Hạnh (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) hiểu rõ những tiện ích mà thanh toán điện tử đem đến cho cuộc sống. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, chị đã hạn chế giao dịch tiền mặt. Điện thoại chị Hạnh cài đặt hàng loạt ví điện tử. Các ứng dụng đặt xe, giao hàng, giao đồ ăn đều được chị ưu tiên phương thức thanh toán thông qua các ví này.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang tỏ rõ lợi thế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Ảnh minh họa.
“Cầm điện thoại quét mã QR Code, nhập số tiền và xác nhận sinh trắc học. Chỉ mất vài giây, không cần đợi tiền thừa, không phải xếp hàng, không phải giấy tờ, hạn chế tiếp xúc mà còn được ưu đãi”, chị Hạnh chia sẻ.
Cũng sử dụng thẻ riêng cho các khoản thanh toán trực tuyến, chị Phương Linh (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Giữa bối cảnh dịch bệnh, chỉ cần ngồi ở nhà, cứ đến ngày nhất định trong tháng, ngân hàng sẽ tự động trừ các khoản phí sinh hoạt như điện, nước… vô cùng tiện lợi, từ đó có thể bảo vệ chính mình, gia đình và cả cộng đồng”.
Xu hướng tất yếu
Bà Lê Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) từng chia sẻ: “Thanh toán không tiền mặt là cách làm mờ không gian địa lý, giới hạn tuổi tác, giới hạn sinh kế. Nhờ đó, mọi tầng lớp trong xã hội được tiếp cận nhanh hơn, an toàn hơn và có hiệu quả hơn đối với các dịch vụ tài chính toàn diện”.
Cùng với đó, các chuyên gia của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC) – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng nhận định, giữa bối cảnh Việt Nam chuyển mình trong thời đại số 4.0 việc tiết kiệm thời gian cũng như đơn giản hóa thủ tục, quá trình trong tất cả hoạt động là vô cùng cần thiết để hướng tới sự phát triển bền vững.
Đại diện NBC thông tin, vừa qua, nhằm đa dạng hóa các hình thức thu phí đăng ký, phí duy trì mã số mã vạch, tạo thuận lợi cho khách hàng thanh toán tiền mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã hợp tác với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – VietinBank (Chi nhánh Nam Thăng Long) triển khai dịch vụ thu hộ tiền phí đăng ký và phí duy trì sử dụng mã số mã vạch. Dịch vụ này chính thức được triển khai từ ngày 25/8/2021.
Theo đó, việc thanh toán phí đăng ký, duy trì sử dụng mã số mã vạch qua ngân hàng với nhiều hình thức khác nhau, cụ thể như: Kênh quầy: Khách hàng thanh toán tiền phí đăng ký/ duy trì mã số mã vạch bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản tại điểm giao dịch bất kỳ của VietinBank trên toàn quốc;
Trích nợ tự động: Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ trích nợ tự động tiền phí đăng ký/ duy trì mã số mã vạch tại bất kỳ điểm giao dịch của VietinBank trên toàn quốc. Khi khách hàng phát sinh nợ phí, VietinBank tự động trích nợ số tiền cần thanh toán trong tài khoản của khách hàng (nếu đủ số dư) và hạch toán vào tài khoản của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia;
Ebank (iPay): Khách cá nhân sử dụng chức năng “Thanh toán dịch vụ khác” trên app thanh toán VietinBank iPay. Dịch vụ thu hộ tiền phí đăng ký, phí duy trì sử dụng mã số mã vạch qua ngân hàng VietinBank được triển khai thông qua 155 chi nhánh và hơn 1000 điểm giao dịch trên toàn quốc.
Nhìn chung, dù dịch Covid-19 có xảy đến hay không thì một xã hội phổ cập thanh toán không tiền mặt vẫn là xu hướng tất yếu. Tần suất và giá trị giao dịch qua các app, ví điện tử cho thấy tiềm năng phát triển của chúng tại Việt Nam. Khi đó, mức độ gắn bó từ người dùng cao, gắn kết chặt chẽ với các dịch vụ thiết yếu sẽ là bệ phóng vững chắc, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Thanh Tùng
https://vietq.vn/chuyen-doi-so-trong-dich-vu-thanh-toan-khong-tien-mat-xu-huong-tat-yeu-d190443.html