Các chuyên gia cảnh báo rằng, dùng quá nhiều baking soda để giảm cân có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe do hợp chất này chứa nhiều natri và gây ra tình trạng kiềm hóa chuyển hóa, ảnh hưởng xấu đến tim và não.

Baking soda có màu trắng, hơi mặn, có tính kiềm, tính hút ẩm cao nhưng ít tan trong nước. Trên thực tế, baking soda được gọi với nhiều cái tên khác nhau, chẳng hạn như thuốc muối, thuốc tiêu mặn, muối nở, bột nở. Trong hóa học, baking soda có tên gọi natri hydrocarbonat, công thức phân tử NaHCO3.

Theo hệ thống đánh giá chỉ số quốc tế được xác định bởi Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế Codex dành cho chất phụ gia, baking soda thuộc nhóm INS500. Do thành phần hóa học có chứa gốc HCO3- nên khi gặp nhiệt độ cao hoặc tác dụng với chất có tính axit, baking soda sẽ giải phóng ra khí CO2, vì thế nó thường được dùng để tạo độ xốp cho các loại bánh. Không chỉ trong nấu nướng, baking soda còn được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực làm đẹp, chữa bệnh, vệ sinh, làm sạch, chất khử mùi và thành phần kháng axit trong các công thức nấu ăn từ bánh mỳ đến rượu vang Mountain Dew. Nhiều người còn cho rằng thêm baking soda vào nước có thể giảm trào ngược dạ dày, cải thiện sức bền, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến thận và giúp giảm cân hiệu quả.

Cụ thể, theo ghi nhận trên mạng xã hội TikTok tràn ngập những người khẳng định rằng thêm một thìa nhỏ baking soda vào một cốc nước – còn được gọi là “nạp soda” có thể làm giảm trào ngược axit, cải thiện sức bền, ngăn ngừa bệnh thận và thậm chí giúp người dùng giảm cân. Trong khi người dùng TikTok “tung hô” loại soda này, thì các chuyên gia cảnh báo rằng liều lượng cao có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe.

Giảm cân bằng baking soda cần thận trọng vì chứa nhiều muối

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, đầu tiên, baking soda chứa nhiều natri. Lượng natri hàng ngày khuyến nghị không nên vượt quá 2.300mg, trong khi một thìa cà phê baking soda chứa tới 1.200mg natri. Về tính axit và tính kiềm, bất kỳ thứ gì có độ pH từ 7-8 đều là trung tính, những thứ có độ pH thấp hơn là có tính axit và bất kỳ thứ gì cao hơn đều được coi là kiềm hoặc bazơ.

Baking soda có độ pH kiềm khoảng 8,3, trong khi đó, độ pH của cơ thể ở mức 7,45. Tiêu thụ quá nhiều baking soda có thể gây ra tình trạng kiềm chuyển hóa, dẫn đến nguy cơ tổn thương tim, làm giảm lưu lượng máu đến não cũng như giảm lưu lượng oxy đến các mô trong cơ thể.

Ngoài ra dùng quá nhiều baking soda có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe do hợp chất này chứa nhiều natri và gây ra tình trạng kiềm hóa chuyển hóa, ảnh hưởng xấu đến tim và não.

“Soda loading” (sử dụng baking soda) trước khi tập luyện có thể cải thiện hiệu suất trong các hoạt động cường độ cao diễn ra trong khoảng 12 phút. Tuy nhiên, hiệu quả có thể khác nhau giữa mỗi cá nhân và sử dụng quá nhiều có thể gây rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng.

Baking soda có thể giúp giảm đau bụng và chứng ợ nóng bằng cách giảm axit dạ dày, nhưng không nên sử dụng thường xuyên. Sử dụng quá nhiều baking soda có thể làm mất cân bằng axit trong dạ dày, gây khó chịu, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

Mặc dù nhiều người trên mạng xã hội tán dương lợi ích của baking soda trong việc hỗ trợ giảm cân, các chuyên gia cho rằng không có bằng chứng khoa học nào xác minh điều này. Sự khó chịu ở bụng có thể làm giảm cảm giác thèm ăn, nhưng đây là mối liên hệ duy nhất giữa baking soda và giảm cân, khiến phương pháp này trở nên nguy hiểm, đau đớn và không bền vững.

Baking soda có thể làm chậm quá trình phát triển của một số bệnh thận mãn tính, vì nó giúp duy trì mức độ pH của cơ thể. Bổ sung baking soda có thể giúp giảm gánh nặng của axit lên thận và ngăn ngừa loãng xương, giảm khoáng chất và teo cơ. Một nghiên cứu công bố vào ngày 5/8 trên Tạp chí Y học Mỹ cho thấy baking soda có thể làm chậm quá trình phát triển của bệnh thận mãn tính. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy nó có thể ngăn ngừa căn bệnh này.

Trao đổi về sản phẩm này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, về công thức hóa học, baking soda là NaHCO3, là chất không độc, thường được dùng để tạo bọt khí trong các sản phẩm về chăm sóc răng miệng như kem đánh răng, nước súc miệng…

Trong các sản phẩm hóa mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm đều có quy định rõ của Bộ Y tế về hàm lượng baking soda. Các sản phẩm đưa ra thị trường đã được kiểm nghiệm đạt an toàn người dân có thể yên tâm sử dụng. Việc quy định các chất dùng trong y tế, thực phẩm được kiểm nghiệm rất chặt chẽ. Nếu đâu đó phát hiện sản phẩm nào quản lý chưa chặt lẫn tạp chất hoặc lạm dụng sản phẩm này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro vì chúng chứa nhiều muối. Đặc biệt đối với những người có tiền sử huyết áp cao.

Còn theo Ths Nguyễn Hữu Duy, Giảng viên khoa Dược lý – Dược Lâm Sàng, Đại học Dược Hà Nội, baking soda (NaHCO3) được ứng dụng rất rộng rãi trên thế giới và ở Việt Nam. Trong công nghiệp, chất này có tác dụng làm sạch, khử mùi, hoặc tẩy rửa. Trong thực phẩm, NaHCO3 có vai trò là chất phụ gia, có tác dụng rất tốt trong chế biến món ăn, làm bánh…

Trong y tế, NaHCO3 sử dụng để giảm triệu chứng đau dạ dày, đầy bụng…Trong lĩnh vực nha khoa, NaHCO3 được sử dụng như 1 sản phẩm chăm sóc răng miệng hàng ngày giúp ngăn ngừa và điều trị các vấn đề răng miệng như: Nấm miệng, sâu răng, mòn men răng, hôi miệng và bệnh nha chu khác.

Trong khi đó, NaHCO3 sử dụng trong công nghiệp là NaHCO3 thô, chưa được tinh chế, còn chứa tạp chất. Còn NaHCO3 sử dụng trong thực phẩm, hoặc trong dược phẩm phải tuân thủ theo quy định trong Dược điển về độ tinh khiết và với hàm lượng phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Do đó khi sử dụng sản phẩm này cần lựa chọn sản phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/chuyen-gia-chi-ra-sai-lam-khi-giam-can-bang-baking-soda-d225267.html