25 C
Hanoi
Thứ Năm, Tháng 4 10, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngChọn màng bọc thực phẩm như thế nào để đảm bảo an...

    Chọn màng bọc thực phẩm như thế nào để đảm bảo an toàn?

    Date:

    Related stories

    Nhiều gia đình sử dụng màng bọc thực phẩm như một công cụ tiện lợi để bảo quản bữa ăn nhưng chỉ một vài sai sót nhỏ trong thói quen sử dụng cũng có thể gây ra hậu quả.
    Màng bọc thực phẩm là vật dụng quen thuộc trong mọi gian bếp, tiện lợi trong bảo quản rau củ, trái cây, đồ ăn thừa, thậm chí nhiều người còn dùng chúng để hâm nóng hoặc nấu đồ ăn.
    Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, loại màng nhựa tưởng chừng vô hại này lại có thể là “ngòi nổ” cho hàng loạt rủi ro sức khỏe.
    Theo khuyến cáo của các chuyên gia an toàn thực phẩm, phần lớn màng bọc thực phẩm trên thị trường hiện làm từ chất liệu PE (Polyethylene) – một loại nhựa an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm ở nhiệt độ thường. Tuy nhiên, PE không chịu được nhiệt độ cao. Nhiệt độ tối đa mà vật liệu này có thể chịu là 110 độ C.
    Nhiều người có thói quen cho thực phẩm bọc màng PE vào lò vi sóng, nồi hấp hoặc lò nướng, đây là hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao. Khi nhiệt độ vượt quá ngưỡng chịu nhiệt, màng bọc có thể giải phóng các hợp chất hóa học độc hại, bao gồm các chất làm dẻo, chất chống oxy hóa, thậm chí là dioxin – nhóm hóa chất có thể phá vỡ hệ nội tiết, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư.
    Một nghiên cứu đăng trên Food and Chemical Toxicology cho thấy, việc sử dụng các vật liệu nhựa không phù hợp trong môi trường nhiệt cao có thể tạo ra các chất phụ gia đi vào thực phẩm, trong đó có những chất có khả năng gây biến đổi gen hoặc rối loạn hormone. Đặc biệt, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm nhất với các độc chất này, do hệ miễn dịch và hệ nội tiết chưa hoàn thiện hoặc dễ bị tổn thương.
    Không chỉ dừng lại ở nhiệt độ, một sai lầm phổ biến khác là sử dụng màng bọc để bảo quản thực phẩm nhiều dầu mỡ trong thời gian dài. Dầu mỡ có thể làm hòa tan các phân tử nhựa, khiến màng bọc bị biến tính, mất đi tính ổn định ban đầu. Việc các chất độc hại từ màng bọc ngấm vào thực phẩm theo thời gian là hoàn toàn có thể xảy ra.
    Ngoài PE, một số loại màng bọc trên thị trường – đặc biệt là các loại giá rẻ, không rõ nguồn gốc – còn được làm từ PVC (Polyvinyl Chloride). Màng PVC thường dẻo, trong và bám dính tốt hơn PE nhưng lại có nguy cơ giải phóng các chất phụ gia độc hại ở nhiệt độ chỉ khoảng 80 độ C.
    Cách chọn màng bọc thực phẩm an toàn cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).
    Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA), PVC có thể chứa các chất hóa dẻo như phthalates, một nhóm hóa chất có liên quan đến rối loạn nội tiết, vô sinh nam giới và ảnh hưởng đến phát triển não bộ ở trẻ em. Trong một công bố trên Journal of Hazardous Materials, phthalates trong sản phẩm bao gói thực phẩm được xác định là yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, béo phì và kháng insulin. Những hợp chất này có thể ngấm vào thực phẩm thông qua tiếp xúc kéo dài, nhất là trong môi trường nóng hoặc nhiều chất béo.
    Điều đáng lo là người tiêu dùng khó có thể phân biệt bằng mắt thường giữa PE và PVC. Do đó, việc mua màng bọc từ nguồn gốc không rõ ràng hoặc không có thông tin vật liệu rõ ràng tiềm ẩn rủi ro lớn.
    Từ thực tế đó, các chuyên gia đã chỉ ra cách phân biệt đánh giá an toàn của màng bọc thực phẩm. Theo đó, chọn màng bọc có màu trắng được làm từ nhựa PE sẽ an toàn hơn những loại màng bọc có màu hơi vàng làm từ nhựa PVC. Loại này có khả năng tự phân hủy và an toàn cho sức khỏe.
    Nếu chọn màng bọc PVC, người tiêu dùng hãy xem kỹ thông tin sản phẩm không chứa DEHA/ DEHP và chọn loại có màu trắng, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Khi mua sản phẩm nếu được phép dùng thử bạn có thể đốt cháy màng bọc để kiểm tra mức độ an toàn của sản phẩm. Nếu màng bọc càng dễ đốt thì chất lượng và độ an toàn càng cao, ngược lại sản phẩm khó đốt tức màng bọc đó có thể là hàng nhái.
    Khi đốt màng bọc PE thông thường sẽ rất dễ cháy, ngọn lửa màu vàng, đồng thời có mùi nến nhẹ nhàng, nhỏ vài giọt dầu. Riêng đối với màng bọc PVC khi đốt cháy sẽ có lửa màu hơi xanh, đen, sản phẩm không dễ cháy đồng thời có mùi rất khó chịu.
    Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng cần trang bị kiến thức cơ bản về các loại màng bọc thực phẩm và cách sử dụng an toàn:
    – Nếu cần hâm nóng nên tháo bỏ lớp màng bọc và dùng các loại hộp thủy tinh hoặc nhựa chuyên dụng có chứng nhận chịu nhiệt.
    – Không dùng màng bọc để bảo quản thực phẩm nhiều dầu mỡ trong thời gian dài. Với các món như thịt kho, thức ăn chiên rán, tốt nhất nên chuyển sang hộp đựng thực phẩm có nắp kín.
    – Ưu tiên các loại màng bọc làm từ PVDC (Polyvinylidene Chloride) hoặc PMP (Polymethylpentene). Đây là vật liệu cao cấp, có khả năng chịu nhiệt tốt (tới 140 độ C), ít thấm dầu và an toàn hơn khi bảo quản thực phẩm lâu ngày. Dù giá thành cao hơn, nhưng đây là khoản đầu tư đáng giá cho sức khỏe.
    – Luôn kiểm tra bao bì màng bọc, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác đầy đủ và được chứng nhận an toàn thực phẩm.
    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/chon-mang-boc-thuc-pham-nhu-the-nao-de-an-toan-d232154.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img