Chì là kim loại nặng có thể tìm thấy ở tất cả các môi trường sống của con người. Nó có thể khiến con người bị ngộ độc vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.
Những nguồn tiếp xúc với chì
Theo Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, chì đã được sử dụng từ khoảng 40.000 năm trước công nguyên. Hiện nay chì được sử dụng rộng rãi với sản lượng khai thác hàng năm trên thế giới khoảng 9 triệu tấn. Ngoài sắt, chì là một kim loại được sử dụng nhiều nhất. Chì có nhiều công dụng: được dùng trong sản xuất ắc quy, đạn dược, các sản phẩm kim loại (hợp kim để hàn, các ống), các thiết bị chắn tia xquang, các vật liệu chịu a xít và các chất ăn mòn trong xây dựng.
Do đó mà hàng ngày con người có rất nhiều nguồn tiếp xúc với chì như: Các loại sơn cũ; đất bị nhiễm sơn chì; ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp có chì; đường xá có nhiều phương tiện đi lại dùng xăng có chì; hệ thống ống dẫn nước bằng chì (loại ống cũ); đồ nấu ăn bằng chì. Thậm chí chì đến từ không khí do xăng dầu có chì; ô nhiễm từ công nghiệp; nguồn thực phẩm đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì; đồ nấu ăn bằng chì; kẹo; thuốc; trong sản xuất thủy tinh; sản xuất nhựa đồ chơi; các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng; mỹ phẩm. Đặc biệt chì qua nhau thai nên mẹ bị ngộ độc chì thì con cũng bị ngộ độc. Nồng độ chì trong máu của con bằng 80% nồng độ chì trong máu mẹ…
Chì có mặt ở khắp nơi nên rất dễ bị nhiễm độc, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ảnh minh họa
Ngộ độc chì nguy hiểm thế nào?
Theo WHO, nhiễm độc chì gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ em. Thống kê của WHO cho thấy khoảng 600.000 các ca chậm phát triển hàng năm trong trẻ em do nhiễm độc chì. Điều đáng chú ý là có tới 99% trẻ em bị nhiễm chì đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Chì tồn tại trong cơ thể bằng cách sau khi được hấp thu, chì vào máu và ít nhất khoảng 99% lượng chì gắn với hồng cầu. Sau đó, chì vào các tổ chức mềm (nồng độ không ổn định) và vào xương (ổn định hơn). Về lâu dài, chì tập trung chủ yếu ở xương, đặc biệt ở vỏ xương.
Ở người lớn, 95% lượng chì của cơ thể ở xương, trong khi ở trẻ em là 70%. Chì tích luỹ ở xương trong suốt cuộc đời, bắt đầu ngay từ khi là bào thai đến tất cả các hình thức tiếp xúc về sau này. Điều này đặc biệt quan trọng khi có thai, cho con bú, người cao tuổi có loãng xương và trẻ em bị bất động do gãy xương hoặc bệnh lý thần kinh. Chì tích luỹ ở răng, đặc biệt ngà răng trẻ em. Đây là nguyên nhân gây ngộ độc kéo dài và việc điều trị tốn thời gian.
Chì trong thần kinh trung ương đặc biệt nguy hiểm. Chì ưu tiên tập trung ở các chất xám của não và tủy sống. Lượng chì hấp thu vào cơ thể không được giữ lại sẽ được đào thải chủ yếu qua nước tiểu (khoảng 65%) và qua mật (khoảng 35%). Một lượng rất nhỏ qua mồ hôi, lông tóc và móng. Trẻ em giữ lại chì trong cơ thể nhiều hơn so với người lớn, trẻ giữ lại tới 33% lượng chì so với 1-4% ở người lớn. Một lượng chì đáng kể sẽ tồn tại trong cơ thể trong nhiều thập kỷ.
Chì là chất độc phức tạp, có nhiều tác dụng khác nhau trên hầu hết các cơ quan của cơ thể. Với thần kinh trung ương, chì gây tổn thương tế bào, gây chết tế bào thần kinh, kích thích thần kinh trung ương. Gây hủy hoại, thoái hóa dây thần kinh.
Chì gây thiếu máu do ức chế tổng hợp hồng cầu, rút ngắn tuổi thọ của hồng cầu do làm hồng cầu dễ bị vỡ. Chì có thể gây tổn thương thận, làm giảm thải trừ a xít uric qua nước tiểu nên gây tăng a xít uric và bệnh gout.
Thông qua nhiều cơ chế khác nhau chì gây tăng co bóp thành mạch máu dẫn tới tăng huyết áp. Ngộ độc chì gây giảm chức năng sinh sản ở cả nam và nữ giới. Giảm chức năng nội tiết của tinh hoàn, giảm số lượng tinh trùng, thay đổi bất thường hình thái và tính di chuyển của tinh trùng, đặc biệt khi chì máu trên 40mcg/dL. Chì độc với trứng.
Chì qua được nhau thai để tới bài thai. Nếu mẹ bị ngộ độc chì thì bào thai sẽ bị ngộ độc chì. Chì máu mẹ trên 15mcg/dL tăng nguy cơ chậm phát triển của thai. Chì máu dưới 25mcg/dL có thể rút ngắn thời gian mang thai, giảm cân nặng của trẻ khi sinh. Chì còn gây tăng tăng tỷ lệ để non, sẩy thai, chậm phát triển trẻ sau sinh, tăng tỷ lệ các dị dạng thai và suy giảm sớm về tình trạng thần kinh tâm thần sau đẻ.
Nguy hiểm hơn chì gây dị dạng thai nhi. Thường là u máu, u lympho, hydrocele, skin tag, hở hàm ếch. Giảm chức năng tuyến giáp, chức năng nội tiết tuyến yên-thượng thận được thấy trên công nhân làm việc với chì. Trẻ em có nồng độ chì máu tăng có hiện tượng giảm tiết hormone và yếu tố tăng trưởng. Chì làm giảm hình thành xương mới và mất cân bằng các tế bào xương. Giảm tăng trưởng xương và giảm chiều cao ở trẻ em bị ngộ độc chì.
Biện pháp phòng tránh nhiễm độc chì
Ở nước ta hiện nay, ngộ độc chì vẫn đang xảy ra do người dân sử dụng thuốc cam cho trẻ nhỏ và việc sản xuất, sửa chữa ắc quy không an toàn. Cần thực hiện các biện pháp phòng tránh nhiễm độc chì như không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, giảm thiểu lượng chì pha trong xăng, khám định kỳ phải định lượng chì niệu, kiểm tra thường xuyên nồng độ chì ở nơi làm việc.
Chọn và dùng các loại sơn cho cả nội thất và ngoại thất không sử dụng chì và thủy ngân. Mua các vật dụng gia đình như đồ pha lê, đồ gốm hoặc đồ chơi cho trẻ em có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo không sử dụng chì và thủy ngân trong quá trình sản xuất. Có chế độ ăn thích hợp nhiều chất sắt, calci, vitamin C để giúp cơ thể chống chì.
Không cho trẻ gặm vành cửa sổ hoặc các vật dụng có sơn. Thường xuyên rửa tay bằng cách để nước trong vòi chảy độ 60 giây, trước khi hứng vô chai lọ. Khoảng một tháng một lần, tháo và chùi bộ phận lọc của vòi nước để loại bỏ chất cặn.
An Dương
https://vietq.vn/chi-co-mat-o-khap-noi-va-nhung-hiem-hoa-khon-luong-cho-suc-khoe-d201764.html