Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Trong những ngày này, việc ăn uống và bổ sung dưỡng chất càng trở nên quan trọng nhằm bù lại lượng nước cũng như giúp cơ thể có đủ sức đề kháng.

Uống đủ nước

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu về nước trong những ngày hè nóng bức rất lớn, vì vậy cần phải bổ sung nước kịp thời để bù vào lượng mồ hôi đã thoát ra nhằm cân bằng nhiệt độ cơ thể, tránh cảm giác mệt mỏi căng thẳng không đáng có. Mỗi ngày nhu cầu nước cho mỗi người khoảng 8-10 ly nước (bao gồm cả các loại nước khác). Bình thường nhu cầu nước khoảng 1,0 lít/ngày thì ngày hè nhu cầu nước có thể tăng thêm, khoảng 1,5 đến gần 2,0 lít/ngày.

Lưu ý khi uống nước cần uống chậm rãi, từ từ từng ngụm một. Uống chậm có tác dụng “đánh thức” bộ máy tiêu hóa chuẩn bị làm việc và tránh khả năng bị chướng bụng, đầy hơi. Đồng thời khi uống nước cũng cần hạn chế sử dụng nhiều đá hoặc nước uống quá lạnh. Vì nước quá lạnh hay nước đá sẽ làm hạ nhiệt trong cơ thể và làm chậm lại quá trình trao đổi chất, mặt khác dễ gây viêm họng, tạo cảm giác giải khát “giả”.

Ngoài nước đun sôi để nguội, nước khoáng, có thể uống nước ép hoa quả hay rau củ, nước chè xanh, nước vối, nước đỗ đen rang… nhằm bổ sung nước, giúp thanh nhiệt, giải độc, góp phần kiểm soát mỡ máu, đường máu…

Ăn đủ và cân bằng 4 nhóm thực phẩm

Không nên giảm lượng protein trong những ngày hè. Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể mệt mỏi nên không có cảm giác thèm các loại thịt. Tuy nhiên, protein vẫn cần được bảo đảm trong chế độ ăn hằng ngày, dù là đạm động vật hay đạm thực vật.

Tuy nhiên, vào những ngày nắng nóng nên giảm chất béo, tăng lượng rau củ. Rau củ cung cấp vitamin và chất xơ, giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất, góp phần làm giảm cholesterol trong máu.

Hoa quả là một trong số thực phẩm tốt nhất, cần được tăng cường vào chế độ ăn uống mùa hè để giúp giải nhiệt, bổ sung vitamin, tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, chỉ nên ăn nhiều các loại quả múi mọng giàu vitamin C và giải nhiệt tốt như cam, quýt, bưởi, chuối, táo, dưa hấu…; ăn vừa phải các loại quả có tính nóng, hàm lượng đường cao như vải, xoài, mít, nhãn.

Người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ đã sinh nở và kể cả người trưởng thành bình thường nên có thêm sữa trong khẩu phần ăn hằng ngày để bổ sung các dưỡng chất, đặc biệt là can xi nhằm phòng, chống loãng, xốp xương. Uống sữa cũng có tác dụng giảm nhiệt, tăng sức đề kháng, giúp cơ thể nhanh chóng tỉnh táo sau các cơn choáng vì nắng nóng.

Ăn như thế nào?

Ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm để có dinh dưỡng hợp lý

Mỗi bữa ăn cần phải có đủ bốn nhóm thực phẩm, các thức ăn trong mỗi nhóm cũng phải thay đổi từng bữa, từng ngày. Nếu rau muống ăn luộc thì chỉ có rau, nhưng nếu làm món nộm thì có thể có rau muống, giá đỗ, đậu phụ sống, vừng, lạc, chanh, rau thơm. Cua nếu nấu riêu thì chỉ có cua và cà chua, nhưng nếu nấu canh cua thì ngoài cua còn có khoai sọ, rau muống, rau rút, mướp… Do mỗi thực phẩm cung cấp một số chất dinh dưỡng, nếu hỗn hợp nhiều loại thức ăn, ta có thể thêm nhiều chất dinh dưỡng và chất này bổ sung chất kia, ta sẽ có một bữa ăn cân đối, đủ chất, giá trị sử dụng sẽ tăng.

Vào mùa hè nắng nóng nên tăng cường các món tôm, cua, hải sản hơn là thịt, ăn nhiều rau xanh, trái cây mỗi ngày. Đặc biệt không nên thiếu món canh trong mỗi bữa cơm, vì vừa dễ ăn, vừa có thể đảm bảo đủ chất. Có thể chế biến thịt cá, tôm… thành canh để dễ ăn hơn. Các món như canh cua mồng tơi, canh bầu nấu tôm, canh cá rô rau cải hay tôm rau cải, canh ngao (hay sườn, thịt băm) nấu chua… sẽ cung cấp cả chất béo, đạm và vitamin, các gia vị nêm vào món canh phần nào cũng giúp bù đắp các chất điện giải mất qua mồ hôi.

Ăn đủ theo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể

Cần chọn thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, có giá trị dinh dưỡng cao mà giá lại phù hợp với khả năng kinh tế mà hiện nay thường còn eo hẹp đối với đa số các gia đình. Một khẩu phần ăn cân đối sẽ giúp cho bạn đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho phát triển cơ thể, duy trì sự sống, làm việc và vui chơi giải trí. Vì thế, cần chọn mua thực phẩm tươi, ngon, không mua cá ươn, tôm cua chết vì vi khuẩn sinh sôi vô cùng nhanh trong các thực phẩm này. Thực phẩm mua về cần làm sạch và bảo quản hợp lý. Thực phẩm chế biến xong nên ăn ngay, nếu cần phải bảo quản trong tủ lạnh và đun sôi lại trước khi dùng.

G.Minh (t/h)
https://petrotimes.vn/che-do-dinh-duong-cho-ngay-nang-nong-573292.html