Hiện nay khá nhiều người đang mắc sai lầm khi chế biến món cá khiến cho thực phẩm này trở thành “độc hại” đối với sức khỏe con người.

Cá là thức ăn có vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của con người từ xưa cho đến nay. Cá giàu dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, được khuyến nghị nên đưa vào thực đơn hàng tuần.

Cá nhiều vitamin D, E, canxi, omega-3, DHA… có lợi cho tim mạch, thị giác, tăng cường hệ miễn dịch, giúp xương chắc khỏe, nên ăn ít nhất ba lần mỗi tuần. Cá là một trong những thức ăn đầu tiên xuất hiện trong bữa ăn của loài người.

Ăn cá giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm hiện tượng máu bị vón cục dẫn tới tắc nghẽn mạch máu, phòng tránh đột quỵ… Người có bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu có thể ăn nhiều cá mỗi tuần, nhất là những loại cá tra, cá hồi, cá trích, cá thu.


Món cá chế biến không đúng cách gây hại sức khỏe người dùng. Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội tim mạch Hoa kỳ (AHA), những người không có tiền sử bệnh tim mạch nên ăn các loại cá khác nhau ít nhất hai lần mỗi tuần. Đối với những người từng có một trong những biểu hiện của bệnh tim mạch, AHA khuyến cáo bổ sung mỗi ngày một gram EPA và DHA.

Mặc dù cá là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe nhưng hiện nay khá nhiều người gặp sai lầm khi chế biến khiến món cá trở thành món ‘độc hại’ mà không hay.

Cá chiên rán quá kỹ ở nhiệt độ cao

Cá chiên rán là món ngon được nhiều người yêu thích, tuy nhiên đây lại là món chứa rất nhiều cholesterol gây nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch và đột quỵ. Hơn nữa, việc chiên cá ở nhiệt độ cao có thể sẽ tiêu hủy các chất dinh dưỡng có trong thịt cá.

Sau khi chiên hoặc bị chiên nhiều lần, mỡ cá sẽ nhanh chóng bị oxy hóa, tạo thành benzopyrene và các chất có hại khác. Nếu ăn quá nhiều món ăn này, có thể làm bạn tăng nguy cơ suy tim hoặc ung thư thực quản.

Cá muối mặn

WHO đã liệt kê cá muối kiểu Trung Quốc là món ăn gây ung thư hàng đầu, đặc biệt là ung thư vòm họng. Lý do là bởi những thực phẩm được bảo quản bằng muối thường rất giàu nitrite, chỉ cần tiêu thụ 0,3 đến 0,5 gram nitrite cũng đủ gây ngộ độc và hơn 3 gram có thể gây tử vong.

Nitrite cũng có thể phản ứng với protein amin để tạo thành nitrosamine. Nitrosamine là một chất gây ung thư cực mạnh và là 1 trong 4 hóa chất gây ô nhiễm chính trong thực phẩm, có thể làm tăng nguy cơ hình thành các khối u ở hệ tiêu hóa.

Cá ăn dạng gỏi

Nhiều người có sở thích ăn gỏi cá và xem đấy là đặc sản. Một số ý kiến cho rằng, ăn gỏi khi nhúng qua chanh, dấm, mù tạt có thể diệt được ký sinh trùng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những gia vị đó không tiêu diệt được hết những vi khuẩn đó, nhất là sán.

Liên quan tới món ăn này, mới đây Bộ Y tế đã ra cảnh báo, không nên ăn gỏi cá vì có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe, đặc biệt là bệnh sán lá gan.

Không thấm khô cá trước khi chế biến

Với món cá chiên, muốn cá ngon giòn cá phải khô ráo, như vậy cá sẽ không bị đọng nước, bốc hơi trong chảo, khiến thời gian chiên càng lâu lại bắn dầu ra bên ngoài nhiều. Trước khi chiên bạn dùng giấy thấm khô mình cá, rắc chút muối vào chảo dầu, cá sẽ giòn và đậm vị thơm ngon hơn.

Nấu cá quá lâu

Nhiều chị em vì muốn cá nhừ xương mà đun cá khá lâu trong nồi, cũng như mong cá giòn mà chiên cá lâu. Như vậy sẽ làm cá mất đi vị ngon vốn có cũng như chất dinh dưỡng trong cá. Để nấu nhừ xương cá bạn nên sử dụng nồi áp suất để rút ngắn thời gian.

Rã đông không đúng cách

Nhiều người chọn cách rã đông cá bằng nước nóng hay lò vi sóng để nhanh chóng sử dụng cá. Nhưng cá không giống thịt, khi rã đông với sức nóng sẽ làm cá dễ nhiễm vi khuẩn, đồng thời lớp da cá co lại làm cá không thể thấm đều gia vị. Tốt nhất nên rã đông cá bằng cách tự nhiên, để cá xuống ngăn mát vào đêm hôm trước để hôm sau có thể sử dụng.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/che-bien-mon-ca-sai-cach-khong-khac-nao-dau-doc-ca-nha-d200584.html