17 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngChất tạo ngọt trong nước giải khát có thể làm tăng nguy...

    Chất tạo ngọt trong nước giải khát có thể làm tăng nguy cơ ung thư

    Date:

    Related stories

    Theo các nhà nghiên cứu của Pháp, uống chất tạo ngọt có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư nhiều hơn 13%.

    Hàng triệu người trên thế giới nạp chất tạo ngọt vào cơ thể mỗi ngày thông qua nhiều sản phẩm như soda ăn kiêng, nước giải khát không đường khi giảm cân, cắt giảm đường khỏi khẩu phần ăn. Tuy nhiên, theo AFP, cách làm này có thể khiến chúng ta có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.

    Các nhà nghiên cứu tại Viện INSERM, Pháp, đã phân tích dữ liệu của hơn 100.000 người tại nước này. Từ các số liệu này, nhóm chuyên gia phát hiện những tình nguyện viên ăn, uống chất tạo ngọt nhiều nhất (vượt quá mức trung bình) có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 13% so với nhóm không sử dụng chất này.

    Trong số 103.000 người tham gia, 79% là phụ nữ và 37% tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo. Nước ngọt chiếm hơn 50% trong số các đồ uống chứa chất tạo ngọt mà họ tiêu thụ.


    Chất tạo ngọt có thể gây ung thư. Ảnh minh họa

    Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Medicine vào ngày 24/3, cho thấy nguy cơ mắc ung thư đặc biệt cao với chất tạo ngọt aspartame và acesulfame potassium. Cả hai chất này đều được sử dụng nhiều trong các loại nước giải khát, nước ngọt có gas. Ngoài ra, nguy cơ mắc ung thư vú và các bệnh ung thư liên quan béo phì cao nhất.

    GS Mathilde Touvier, Giám đốc Viện INSERM, kêu gọi các chuyên gia khác thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận phát hiện này. Hiện tại, Viện Ung thư Quốc gia Mỹ và Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh đều khẳng định chất tạo ngọt không gây ung thư và chúng đã được Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu cho phép sử dụng.

    Theo nhà khoa học y sinh James Brown, Đại học Aston, Anh, mối quan hệ giữa việc tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo và nguy cơ ung thư đã gây tranh cãi từ những năm 1970, khi chất tạo ngọt cyclamate bị cấm vì có liên quan ung thư bàng quang ở chuột. Mặc dù vậy, điều này chưa từng được chứng minh trên con người.

    Vị chuyên gia đánh giá phát hiện của nhóm tác giả tại Pháp khá hợp lý và có số mẫu nghiên cứu ấn tượng. Song, ông cho rằng bằng chứng họ đưa ra “chưa đủ mạnh mẽ” để Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh phải sửa đổi khuyến cáo về các chất tạo ngọt.

    Trong khi đó, GS Michael Jones thuộc Viện Nghiên cứu Ung thư, London, Anh, phản biện mối liên hệ được báo cáo trong nghiên cứu “không ngụ ý nhân quả”. Ông phủ định kết quả này và cho rằng đây không phải bằng chứng cho thấy chất tạo ngọt nhân tạo gây ung thư.

    Trước đó cũng đã có rất nhiều nghiên cứu về mối quan hệ có thể xảy ra giữa chất tạo ngọt nhân tạo và bệnh ung thư cụ thể:

    Saccharin: Các nghiên cứu trên loài chuột trong những năm 1970 cho thấy có sự liên hệ giữa saccharin với sự phát triển của bệnh ung thư bàng quang. Vì lý do này, chính phủ yêu cầu nghiên cứu sâu hơn về saccharin và quy định tất cả thực phẩm có chứa saccharin phải được dán nhãn cảnh báo: “Sử dụng sản phẩm này có thể gây nguy hại cho sức khoẻ. Sản phẩm này có chứa saccharin, đã được xác định là gây ung thư ở động vật thí nghiệm”.

    Thí nghiệm tiếp theo trên loài chuột cho thấy sự gia tăng của bệnh ung thư bàng quang với liều lượng saccharin cao, đặc biệt là ở chuột đực. Tuy nhiên, các nghiên cứu cơ học (nghiên cứu để kiểm tra một chất hoạt động trong cơ thể như thế nào) đã chỉ ra rằng những kết quả này chỉ áp dụng trên loài chuột. Nghiên cứu dịch tễ ở người (nghiên cứu các mô hình, nguyên nhân và kiểm soát bệnh trong một nhóm người) đã cho thấy không có bằng chứng cho việc saccharin có liên quan với tỷ lệ mắc bệnh ung thư bàng quang.

    Aspartame: Chất này được phân phối dưới nhiều tên thương mại (ví dụ như NutraSweet hoặc Equal) và được phê duyệt vào năm 1981 bởi FDA, sau nhiều thí nghiệm cho thấy nó không gây ra ung thư hoặc các tác dụng phụ trên động vật thí nghiệm. Vấn đề về tính an toàn của aspartame đã được nhắc lại bởi một báo cáo năm 1996 cho thấy sự gia tăng số người bị khối u não giữa những năm 1975 – 1992 có thể có liên quan tới việc dụng chất làm ngọt này. Tuy nhiên, việc gia tăng tổng tỷ lệ ung thư ở não chỉ xảy ra chủ yếu ở những người 70 tuổi trở lên, nhóm người ít tiếp xúc nhất với aspartame. Do đó, các dữ liệu nghiên cứu đều không đưa ra một mối liên kết rõ ràng giữa việc tiêu thụ aspartame và sự phát triển của các khối u não.

    Năm 2005, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy có nhiều tế bào bạch huyết và bệnh bạch cầu ở chuột khi được cho ăn với liều aspartame rất cao (tương đương với uống 8 lon nước ngọt ăn kiêng hàng ngày). Tuy nhiên, kết quả thí nghiệm vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Ví dụ như, số lượng các trường hợp ung thư ở người không hề tăng khi gia tăng lượng aspartame như dự kiến.

    Acesulfame kali, sucralose, và neotame: Ngoài saccharin và aspartame, có ba chất tạo ngọt nhân tạo khác hiện đang được phép sử dụng trong thực phẩm:

    Acesulfame kali (còn được gọi là ACK, Sweet One®, và Sunett®) đã được đưa vào sử dụng năm 1988 trong các loại thực phẩm và nước giải khát, sau đó đã được chấp nhận như một chất dùng để làm ngọt (ngoại trừ trong thịt và gia cầm) vào năm 2002.

    Sucralose (còn gọi là Splenda) đã được FDA cho phép đưa vào sử dụng như một chất làm ngọt vào năm 1998. Neotame, tương tự như aspartame, được sự chấp thuận của FDA như một chất tạo ngọt (ngoại trừ trong thịt và gia cầm) vào năm 2002.

    Trước khi phê duyệt các chất làm ngọt, FDA xem xét hơn 100 nghiên cứu về tính an toàn đã được tiến hành, bao gồm cả nghiên cứu để đánh giá nguy cơ ung thư. Kết quả của những nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng rõ ràng về tác hại gây ung thư hoặc bất kỳ mối đe dọa nào khác của chất làm ngọt đối với sức khỏe con người.

    Cyclamate: Do những thí nghiệm cho thấy rằng cyclamate có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang ở người. FDA đã cấm sử dụng cyclamate vào năm 1969. Sau khi kiểm tra lại cyclamate và đánh giá các dữ liệu bổ sung, các nhà khoa học kết luận rằng cyclamate là không phải là một chất gây ung thư hoặc chất đồng gây ung thư (chất làm tăng tác dụng của chất gây ung thư). Do đó, một đơn kiến nghị về chất phụ gia thực phẩm đã được nộp cho FDA để phê duyệt lại cyclamate, nhưng đơn kiến nghị này hiện vẫn đang bị hoãn lại.

    Sử dụng công cụ tính chỉ số BMR có thể giúp bạn xác định nhu cầu calo hàng ngày dựa trên chiều cao, cân nặng, tuổi và mức độ hoạt động của bạn.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/chat-tao-ngot-trong-nuoc-giai-khat-khong-duong-co-the-lam-tang-nguy-co-ung-thu-d198715.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img